Cần được giải quyết

21/02/2013 18:09

Làm việc trong môi trường độc hại, nhiều phức tạp, thế nhưng từ năm 2009 đến nay, nhiều  chiến sỹ công an làm nhiệm vụ pháp y tại các huyện, thành, thị vẫn không được nhận chế độ hỗ trợ. vấn đề này được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết...

(Baonghean) - Làm việc trong môi trường độc hại, nhiều phức tạp, thế nhưng từ năm 2009 đến nay, nhiều chiến sỹ công an làm nhiệm vụ pháp y tại các huyện, thành, thị vẫn không được nhận chế độ hỗ trợ. vấn đề này được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết...

Sáng 4/2, (24 tháng Chạp), đang trực ở cơ quan thì Trung tá Nguyễn Đình Thắng – Đội phó Đội Kỹ thuật hình sự và Trung úy Nguyễn Văn Đăng thuộc Công an Thành phố Vinh, nhận được thông tin có một nạn nhân bị chết trong tư thế đang treo cổ cạnh Quốc lộ 46. Cả hai tức tốc đi ra xóm 9, xã Nghi Ân, nơi phát hiện người treo cổ và khẩn trương làm các công tác khám nghiệm. Cùng với lực lượng khám nghiệm pháp y của Công an tỉnh, nạn nhân được kiểm tra và xác minh danh tính trước khi thông báo cho gia đình nạn nhân biết. Công việc tỉ mỉ, lại tiếp xúc trực tiếp với tử thi khiến những người tham gia đều mệt mỏi. Thế nhưng, gặp 2 anh sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cả hai đều cười: Quen rồi, nhiệm vụ của mình phải thế.



Chiến sỹ phòng kỹ thuật hình sự Công an TP. Vinh đang giám định
mẫu vân tay

Theo Trung tá Võ Đình Hiếu - Đội trưởng Đội Kỹ thuật hình sự Công an thành phố, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong công tác này và tham gia vào hàng chục vụ mổ giám định, thì trường hợp nạn nhân bị nạn trong hình hài còn nguyên vẹn như trường hợp ở Nghi Ân trên là trường hợp đơn giản. Những trường hợp bị tử vong do tai nạn giao thông cũng hi hữu mới phải dùng đến dao kéo. Việc mổ tử thi để giám định nguyên nhân gây ra tử vong thường tập trung vào các đối tượng như chết chưa rõ nguyên nhân, danh tính. Rất nhiều trong số đó là bị nghiện ma túy, nhiễm HIV giai đoạn cuối, nhiều trường hợp bị chết trôi trên hồ nhiều ngày, khi phát hiện xác đã rữa, bốc mùi hôi thối… Với công việc như vậy, nên công tác khám nghiệm pháp y được xem là độc hại, có tính đặc thù cao. Bản thân nhiều chiến sỹ công an làm nhiệm vụ này cũng rất ngại nhắc đến công việc này và xem đó là “nghiệp” để mình gắn bó, làm bằng trách nhiệm, mặc dù không có thêm khoản trợ cấp độc hại nào.

Trung bình một năm Đội Kỹ thuật hình sự Công an thành phố xử lý khoảng 60 vụ án mạng, riêng trong năm 2012 đội đã thực hiện khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi 432 vụ việc. Bên cạnh đó, đội còn trực tiếp giám định gần 300 vụ các chất ma túy. Với lực lượng 8 người, Công an Thành phố Vinh là đơn vị duy nhất trong các địa phương có đội kĩ thuật hình sự, nhiệm vụ hoạt động tương đương với Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Công an tỉnh. Theo Quyết định số 74/2009/QĐ - TTg ngày 7/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp và các nghị định đi kèm thì tất cả giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hoặc người giúp việc cho người giám định tư pháp, tham gia trực tiếp vào quá trình giám định thì được hưởng chế độ bồi dưỡng nhất định tùy theo công việc và mức độ của từng sự việc, từng bộ phận. Thế nhưng, tại Đội Kỹ thuật hình sự Công an thành phố và qua kiểm tra của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” tại 6 huyện khác trên địa bàn toàn tỉnh, thì việc chi trả các chế độ chính sách cho giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự mới chỉ được thực hiện tương đối đầy đủ, kịp thời đối với giám định pháp y cấp tỉnh. Tại cấp huyện, các điều tra viên công an, cán bộ các cơ quan tố tụng tham gia điều tra khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông, các vụ án tại địa bàn chưa được hưởng chế độ chính sách, phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp theo như quy định. Trước thực tế này, Trung tá Võ Đình Hiếu, Đội trưởng Đội Kỹ thuật hình sự, Công an Thành phố Vinh, cho rằng: Đó là điều quá bất cập, quá thiệt thòi, không động viên kịp thời đối với những người làm công tác giám định khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo bà Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, thì sở dĩ có những bất cập trong việc thực hiện chế độ chính sách này là do Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Tài chính chưa có văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện tại các bệnh viện tuyến huyện, công an cấp huyện và các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước. Do đó, các đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch, nguồn kinh phí hàng năm, không được hướng dẫn thủ tục hồ sơ thanh toán quyết toán từng khoản, bản thân một số giám định viên, điều tra viên và các thành phần tham gia khác không nắm được chế độ chính sách để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định. Về phía ngành, theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Phó Giám đốc Công an tỉnh: Hiện kinh phí để chi trả cho công tác giám định tư pháp không thiếu, thậm chí đang thừa. Tuy nhiên, do trong các văn bản hướng dẫn của Bộ chưa cụ thể nên việc chi trả đang bị chậm.

Được biết, mới đây Giám đốc Công an tỉnh đã có công văn chỉ đạo công an 20 huyện, thành phố, thị xã tổng hợp chứng từ để Công an tỉnh thanh toán chế độ bồi dưỡng cho các điều tra viên khi làm nhiệm vụ.


Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất
x
Cần được giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO