Cần được sẻ chia và tiếp sức
(Baonghean) - Người ta thường nói rằng “phía sau sự thành đạt của đàn ông có bóng dáng người phụ nữ”, còn phía sau sự thành đạt của người phụ nữ là gì, phải chăng là sự sẻ chia? Làm thế nào để cân bằng giữa gia đình và xã hội là trăn trở của rất nhiều chị em...
Theo quan niệm của người xưa thì “Gái thì lo việc trong nhà/ Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa /Trai thì đọc sách ngâm thơ / Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa /Mai sau nối được nghiệp nhà /Trước là báo hiếu sau là vinh thân”. Có thể thấy trong xã hội xưa, việc học hành, thi cử, đỗ đạt để “vinh thân” chỉ là quyền lợi và trách nhiệm của đàn ông. Chức phận của phụ nữ là làm vợ (lấy chồng, theo chồng, phục vụ và phục tùng chồng), làm mẹ (sinh con, nuôi dạy con cái, đảm đang công việc nội trợ trong nhà), làm dâu (phục tùng, phục vụ gia đình và mọi việc bên chồng). Những việc đó, tuy không có luật lệ nào quy định, nhưng cả xã hội xưa đều cho là việc nhỏ và việc vặt. Trong khi đó, đàn ông lại được xác định là phải lo “việc lớn”.
Theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ dần khẳng định được vị thế của mình, họ có thể hoàn thành nhiều công việc khác nhau và không thua kém gì các đấng mày râu. Nhiều chị em đã trở thành tổng giám đốc, thủ trưởng cơ quan, chủ tịch hội đồng quản trị… Ở Nghệ An, trong lĩnh vực lập pháp, nữ đại biểu Quốc hội (khóa XIII) chiếm tỉ lệ 23%; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 7,2%; tỷ lệ nữ đảm nhận chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện 25%. Cùng với việc tập thể, với vai trò là người “giữ lửa”, các chị đã chăm lo xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, hạnh phúc”, các con chăm ngoan, học giỏi với tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80% tổng số hội viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Anh Mai - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, thăm lớp mẫu giáo lớn.
Làm thế nào để dung hòa giữa gia đình và công việc? Với chị Nguyễn Thị Anh Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai – Quán Bàu (TP Vinh) thì đó luôn là nỗi trăn trở. Trước đây, khi chưa làm quản lý, chị có nhiều thời gian dành cho con, cho chồng hơn, ví dụ như có thể đổi món bất cứ lúc nào, hoặc ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật cả nhà cùng về quê nếu thích. Nhưng bắt đầu từ năm 2004, chị được đề bạt lên làm hiệu phó Trường Mầm non Hồng Sơn, rồi cũng năm này lại chuyển về làm hiệu phó Trường Mầm non Sao Mai, đến năm 2007 lên làm hiệu trưởng.
Quá trình thay đổi nơi làm việc cộng với hoàn cảnh gia đình chị lúc bấy giờ: hai con trai đang học cấp 2, cấp 3 – tuổi nhạy cảm rất dễ hư hỏng nếu bố mẹ không kèm cặp, chồng chị nghỉ việc ở Hà Nội về mở xưởng sửa chữa cơ khí, bố mẹ chồng già yếu…Trong khi đó, tiếp quản công việc ở Trường Mầm non Sao Mai khi trường còn khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đòi hỏi chị phải dành nhiều thời gian và tâm huyết. Để có thể hoàn thành thiên chức người vợ, người mẹ, người con dâu, nhiệm vụ của người lãnh đạo, chị nghĩ mình phải sẻ chia để chồng, ông bà nội và các con được biết.
Trong một bữa ăn cả nhà vui vẻ, chị đã đem những suy nghĩ, trăn trở của mình giãi bày cùng bố mẹ chồng, rằng: “Con rất muốn đi làm về sớm, rất mong có nhiều thời gian để chăm sóc bố mẹ, thu vén gia đình, bày dạy cho các con… thế nhưng do yêu cầu của công việc, thỉnh thoảng con sẽ về muộn, hoặc không ăn cơm ở nhà, hoặc có khi không kịp nấu những món bố mẹ thích. Thỉnh thoảng bố mẹ sẽ thấy nhà con đi chợ, vào bếp thay con, có khi nhà con còn phải rửa bát, phơi quần áo… hộ con nữa, những lúc như vậy, bố mẹ đừng ngạc nhiên, cũng đừng nghĩ con lên chức rồi đối xử không tốt với chồng, mà hãy nghĩ rằng đó là lúc nhà con đang chia sẻ cùng con, đang gánh vác cùng con để con có thể làm tròn hai vai: người vợ và người quản lý”.
Những trăn trở của chị Anh Mai đã dần dần được bố mẹ chồng, các con và đặc biệt là sự hậu thuẫn tích cực của người chồng, chị đã có nhiều thời gian hơn dành cho việc chăm lo phát triển nhà trường. Chị tham mưu UBND phường quy hoạch mở rộng khuôn viên, tuyển dụng giáo viên giỏi, huy động xã hội hóa cộng với ngân sách phường xây dựng Trường Mầm non Sao Mai đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm học 2012 – 2013. Với chị Anh Mai, đằng sau sự thành công của chị luôn có sự hậu thuẫn tích cực của gia đình.
Còn với chị Phan Thị Thuận – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) một mình phải gánh vác “việc nước, việc nhà”. Chồng chị là bộ đội ở tận Đắk Lắk, một năm về vài ba lần, một lần về cũng chỉ được 5 bữa, nhiều nhất là 1 tuần rồi lại xách ba lô đi. Ở nhà, chị Thuận một nách hai con nhỏ: con trai đầu học lớp 6, con gái thứ hai hơn 2 tuổi. Một ngày của chị Thuận bắt đầu từ 4h và kết thúc lúc nửa đêm. Chị có hẳn một thời gian biểu cho cả 3 mẹ con rất cụ thể, chi tiết, từ chuyện buổi sáng mấy giờ làm gì, cho con ăn gì, trưa mấy giờ đón con trai, chiều mấy giờ chở con trai đi học thêm, mấy giờ đón con gái ở trường mẫu giáo… đến chuyện ngày hôm nay giải quyết việc gì ở Hội, đi xóm nào để hướng dẫn chị em làm thủ tục vay vốn xóa đói giảm nghèo, cùng các đoàn thể tham gia vụ hòa giải ly hôn ở đâu, tham gia lớp tập huấn ở huyện lúc mấy giờ…
Chị Thuận tâm sự: “Nhiều lần cũng muốn nghỉ công tác Hội nhưng được chị em tín nhiệm lại tiếp tục tham gia. Trong những lần nói chuyện qua điện thoại với chồng, anh ấy cũng động viên cố gắng hoàn thành cho tốt công việc, cứ coi như anh đang đi chiến đấu như thời chiến tranh vậy, ngày xưa các mẹ, các chị làm gì có chồng bên cạnh mà vẫn nuôi con khỏe, dạy con ngoan, lo việc đồng áng đầy đủ đấy thôi.” Được chồng động viên, khích lệ chị cũng thấy ấm lòng, tiếp thêm động lực để gánh trọn hai vai.
Để tròn hai vai “việc nước, việc nhà” ngoài nghị lực vươn lên của mỗi chị em rất cần sự cảm thông, chia sẻ, tiếp sức từ phía gia đình, nhất là những người chồng. Với người phụ nữa, gia đình luôn là số 1, mọi cố gắng trong công việc, thành đạt trong xã hội cũng là mong muốn xây dựng một tổ ấm hạnh phúc bền vững. “Người chồng có thông cảm, chia sẻ thì người vợ mới yên tâm làm tốt trách nhiệm xã hội”, anh Hoàng Thanh Tiến - cán bộ văn hóa phường Thu Thủy (TX. Cửa Lò) chia sẻ. Với anh Tiến, ngoài xã hội, vợ, chồng đều có nhiệm vụ riêng, nhưng về nhà cả hai phải sẻ chia công việc, có thể hôm nay chồng bận thì vợ đón con, cơm nước, nhưng ngày mai vợ bận, chồng cũng sẵn sàng đảm nhận những công việc ấy với thái độ vui vẻ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta, tại Điều 24 đã ghi: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Phụ nữ là một nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có một nửa”. Để “một nửa” còn lại đó được “giải phóng”, được bình đẳng, được cống hiến, thành đạt thì rất cần sự sẻ chia, tiếp sức của “nửa kia”...
Bài, ảnh: Thanh Thủy