Kinh tế

Cần giải pháp để hạn chế tình trạng người dân chặt bán keo non tại Nghệ An

Văn Trường 02/08/2024 09:27

Giá keo liên tục tăng cao, đạt gần 1,3 triệu đồng/tấn, do đó có nhiều nông dân trồng keo ở Nghệ An ồ ạt khai thác cả keo non để bán.

Clip: Văn Trường

Ồ ạt chặt bán keo non

Thời điểm này, đi dọc Quốc lộ 48 qua huyện Quỳ Châu thấy cảnh người dân nhộn nhịp khai thác keo, có những đồi keo cây đang còn khá nhỏ nhưng vẫn được khai thác.

Ông Vi Văn Tình ở xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu đang bóc vỏ keo chia sẻ: Gia đình có hơn 2 ha keo, mặc dù mới được hơn 3,5 tuổi nhưng thời điểm này giá keo tăng từ 1,1 triệu đồng lên đến gần 1,3 triệu đồng/tấn nên gia đình quyết định chặt bán, hơn nữa vào mùa mưa bão chúng tôi muốn chặt bán vì sợ bị đổ gãy.

Ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND Châu Hạnh cho biết: Địa bàn xã Châu Hạnh có trên 4.000 ha keo, hàng năm khai thác 300 ha. Nguyên nhân keo tăng giá là thời điểm này khan hàng, nhiều rừng keo khai thác gần hết, các nhà máy và cơ sở chế biến đẩy giá tăng cao để thu mua. Một số hộ dân thấy giá keo tăng cao và do sợ thiên tai mưa gió nên chặt bán keo non.

van truong 3
Nông dân huyện Quỳ Châu khai thác keo non. Ảnh: Văn Trường

Việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều hệ lụy, đó là năng suất rừng trồng giảm sút, chất lượng gỗ thấp, lợi nhuận thu được không cao. Chưa kể, khi keo non bị khai thác ồ ạt trong một thời điểm thì diện tích rừng trống và đồi trọc tăng lên, dẫn đến nguy cơ xói mòn, sạt lở... Thời gian qua xã tuyên truyền vận động người dân không khai thác keo non, tuy nhiên khó khăn do người trồng rừng thiếu vốn đầu tư sản xuất chặt bán để lấy tiền trang trải.

Toàn huyện Quỳ Châu hiện có trên 23.000 ha rừng keo, hàng năm thu hoạch trên 3.000 ha keo, trong đó có khá nhiều diện tích keo non được khai thác. Với những diện tích keo thu hoạch chưa đúng chu kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ giảm sút. Hiện nay huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non. Khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, khai thác đúng chu kỳ nâng cao giá trị kinh tế.

Nông dân huyện Quỳ Châu khai thác keo non. Ảnh: Văn Trường
Keo non được khai thác ồ ạt ở các địa phương thời gian qua. Ảnh: Văn Trường

Đặc biệt trong năm 2024 huyện Quỳ Châu đã thu hút được một doanh nghiệp đầu tư trên 20 tỷ đồng dây chuyền chế biến gỗ ghép thanh và băm dăm dự kiến cuối tháng 9 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, thu mua keo cho người dân địa bàn. Về lâu dài huyện đang rất cần các doanh nghiệp chế biến gỗ ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm trồng rừng, khai thác đủ tuổi.

Tương tự tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, nông dân đang khai thác keo non, xe công nông ra tận đồi để chở keo. Đồi keo cây còn khẳng khiu, chưa đến tuổi khai thác đã bị cưa đổ nằm ngổn ngang.

van truong 6
Tư thương dùng xe vận tải ở huyện Quỳ Châu thu mua keo non khắp nơi. Ảnh: Văn Trường

Ông Trần Văn Nam ở xã Nghĩa Khánh cho biết: Giá keo tăng cao đến gần 1,3 triệu đồng/tấn nên gia đình tôi đã triển khai thu hoạch gần 1 ha dù keo chỉ tầm 3 năm tuổi, còn non và sản lượng không cao. Nếu để thêm 2 năm nữa mới thu hoạch thì năng suất cao hơn nhưng vì kinh tế khó khăn và không biết thị trường sẽ biến động ra sao nên bán khi keo đang được giá.

Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện có trên 10.000 ha rừng nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 1.500 ha. Thời gian qua giá keo tăng cao đã có khá nhiều nông dân chặt bán keo non cho giá trị kinh tế thấp. Về lâu dài huyện đang rất cần các doanh nghiệp chế biến gỗ ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm trồng rừng, khai thác đủ tuổi. Hiện tại chủ yếu các thương lái từ khắp nơi đứng ra thu mua, nên vẫn có tình trạng khi keo khó bán thì ép giá.

van truong 5
Nông dân xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn khai thác keo non. Ảnh: Văn Trường

Thời điểm này, tư thương khắp nơi ồ ạt đổ xô thu mua keo, nên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Một chủ xưởng chuyên thu mua gỗ keo chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày chúng tôi thu mua được 70-80 tấn keo nguyên liệu, nay chỉ mua được 15-20 tấn keo, có ngày không thu mua được.

Cần có giải pháp hạn chế chặt bán keo non

Ông Hoàng Trung Sơn - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 40.000 ha. Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dăm gỗ trên địa bàn Nghệ An đã ký được đơn hàng tại thị trường Trung Quốc. Các nhà máy viên nén sinh khối đã hoạt động ổn định, ký kết được các đơn hàng xuất khẩu ở Nhật Bản và các nước châu Âu nên đẩy giá keo tăng cao, có lợi cho người trồng rừng.

van truong 4
Keo non chỉ bằng bắp tay đã khai thác. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên theo đánh giá chung, chất lượng rừng trồng ở Nghệ An chưa cao, hiệu quả kinh tế từ việc khai thác rừng trồng còn thấp, nhân dân chủ yếu trồng keo theo chu kỳ kinh doanh ngắn phục vụ gỗ bóc, băm dăm… sản phẩm thu hoạch chưa có tính cạnh tranh. Theo tính toán, với những diện tích keo thu hoạch chưa đúng chu kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ giảm từ 25 – 30 triệu đồng/ha so với keo đủ tuổi.

Bên cạnh đó việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh còn thấp so với tổng diện tích rừng hiện có, toàn tỉnh mới có trên 24.000 ha/170.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Nghệ An có hơn 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, hơn 100 doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ và hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Phần lớn các nhà máy chế biến gỗ chưa gắn kết với vùng nguyên liệu, hệ thống dây chuyền máy móc vẫn còn lạc hậu, chủ yếu là sản xuất dăm gỗ, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hóa sau chế biến chưa cao.

van truong 2
Vận chuyển keo non tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Văn Trường

Để dần hạn chế tình trạng khai thác cây keo non, thời gian qua tỉnh Nghệ An yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán cây keo non để sản xuất dăm gỗ; vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn; tham gia trồng rừng, quản lý và phát triển rừng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên để phát triển rừng sản xuất đạt hiệu quả, Nghệ An cần phối hợp với các ngành liên quan, thu hút các doanh nghiệp cùng đồng hành hỗ trợ, đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn. Việc được cấp chứng chỉ rừng bền vững sẽ có lợi ích là người dân thu hoạch rừng gỗ lớn, tăng giá trị kinh tế, đặc biệt là được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.

Ngoài ra, cần thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn, đầu tư nhà máy chế biến sâu hiện đại để ký kết, thu mua bao tiêu sản phẩm gỗ keo để người dân thu hoạch đúng chu kỳ mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo các nhà chuyên môn, việc khai thác keo non làm giảm đáng kể giá trị kinh tế của rừng trồng, gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến môi trường sinh thái (trồng rừng và khai thác quá mức trong thời gian ngắn làm suy kiệt nguồn nước, độ phì của đất; dẫn đến nguy cơ xói mòn đất cao, đặc biệt ở những vùng đồi núi dốc).

Mới nhất
x
x
Cần giải pháp để hạn chế tình trạng người dân chặt bán keo non tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO