Cần hài hòa 3 lợi ích

11/11/2011 17:55

(Baonghean) - Lo ngại trước tình trạng xuống cấp của dãy nhà C8 - Khu chung cư Quang Trung, TP Vinh nên UBND tỉnh đề ra kế hoạch trước mùa mưa bão năm nay toàn bộ 48 hộ sinh sống ở đây sẽ chuyển sang khu tái định cư mới. Thế nhưng, kế hoạch này chưa triển khai được do nảy sinh trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng...

Chúng tôi đến căn hộ 122 C8 của bà Lê Thị Lâm. Căn hộ 16 m2 vừa làm phòng khách, phòng ngủ vừa làm bếp hết sức chật chội. Gần một nửa gian nhà bà phải ưu tiên để làm bàn thờ thờ người chồng bộ đội hy sinh ở Điện Biên Phủ và người con gái đầu cũng là bộ đội đã mất cách đây 6 năm. Hỏi bà tại sao không làm bàn thờ cao lên để đỡ diện tích, bà lau nước mắt: "Lần trước, tôi làm cao chứ, nhưng tháng trước do trèo lên để thắp hương nên ngã gãy chân. Nay dù chật cũng phải làm thấp xuống tôi còn có điều kiện lo hương khói cho chồng, cho con".

Kế bên nhà bà Lâm, dù trước đây được ưu tiên nhưng ông Lễ cũng không thoải mái hơn khi gia đình ông sống trong căn hộ chưa đến 21m2. Cả 2 ông bà nguyên là cán bộ của Công ty Dược đóng tại huyện Đô Lương hơn 30 năm trước. Sau khi công ty chuyển xuống Vinh, nhà bà Lâm và ông Lễ cùng được cấp chung ở căn hộ số 122. Từ đó đến nay, ông bà và các con cháu vẫn sống chung với nhau trong căn hộ này, dù mỗi nhà độc lập với nhau nhưng chung một lối đi, chung công trình phụ và có thời còn chung cả bếp. Kế bên, số nhà 121 của 2 mẹ con bà Ngô Thị Thương và vợ chồng ông bà Bùi Thị Thứ cũng phải sống trong cảnh "bà chung" như thế. Vợ chồng bà Thứ may mắn hơn vì con cái đã thoát ly, còn bà Thương, cậu con trai đã đến tuổi lập gia đình nhưng chưa dám cưới vợ vì "lấy về mẹ con ở đâu trong căn nhà 16 m2 này, rồi sinh con đẻ cái nữa chứ" - bà Thương trăn trở.



Khu nhà C8 đang xuống cấp trầm trọng

Cũng bởi phải sống trong hoàn cảnh bức bách, chật chội như vậy nên hơn bao giờ hết 14 gia đình đang phải sống chung trong cùng một căn hộ ở nhà C8 và các hộ khác cũng trong hoàn cảnh chẳng mấy khả quan hơn, rất mong mỏi sớm được di dời sang nơi ở mới. Trước thực tế này, thời gian vừa qua dù có nhiều phương án tái định cư khác nhau, nhưng cuối cùng Công ty đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã quyết định tái định cư cho toàn bộ hộ dân của nhà C8 sang khu nhà chung cư CT1A vừa được khánh thành trên sân C7 cũ. Trước đó, để đáp ứng nguyện vọng của người dân, công ty đã "phá rào" quyết định của tỉnh, nâng mức đền bù từ hệ số 1,3 m2 (1 m2 nhà cũ đổi thành 1,3 m2 nhà mới) lên 1,5m2. Quyết định này từng làm hài lòng tất cả các hộ dân trong cuộc họp giữa nhà đầu tư và cư dân nhà C8 cách đây vài tháng. Tuy nhiên, đến khi nhà mới vừa đi vào khánh thành, kế hoạch di dời đã bắt đầu được tính thì các hộ dân ở đây lại yêu cầu nâng mức đền bù lên hệ số 2 (đối với tầng 2) và 2,5 ( đối với tầng 5).

Bên cạnh đó, một số hộ dân có tổng diện tích nhà ở dưới 30 m2 cũng băn khoăn về chế độ ưu đãi khi gia đình chuyển sang nhà mới. Người dân cũng không đồng tình về cách đền bù 2,5 triệu đồng/m2 tầng hầm như hiện nay, mà yêu cầu nhà đầu tư phải đền bù diện tích tầng hầm như là một "tài sản gắn liền với đất" theo Điều 18, 19 Nghị định 197/2004/NĐ.CP, Nghị định của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Lý giải điều này, bà Ngô Thị Thương cho rằng: "Nhà C8 thuộc khu nhà mặt tiền, địa thế đẹp, từ trước tới nay so với các khu nhà chung cư khác chúng tôi đều phải đóng phí cao hơn. Còn diện tích tầng hầm là tài sản gắn bó với chúng tôi lâu nay, được Nhà nước cho sử dụng để cải thiện diện tích nhà ở quá ít ỏi". Riêng bà Lâm thì thực tế hơn khi cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, nếu phải chuyển sang nhà mới với diện tích tối thiểu là 30m2 thì tôi phải đóng thêm khoản tiền không nhỏ. Nếu được tính thêm phần diện tích tầng hầm bản thân sẽ đỡ vất vả hơn vì không phải xoay thêm tiền để đóng phần diện tích dôi ra.

Trước những đòi hỏi mới của người dân, những nhà đầu tư cũng không khỏi đau đầu. Theo ông Nguyễn Lâm Tô - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội thì: mức yêu cầu của người dân đưa ra ngang với mức yêu cầu của các hộ dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, thị trường nhà đất ở Thành phố Vinh lại có đặc thù riêng, giá nhà đất tại khu trung tâm như nhà CT1 của Vinh hiện nay cũng chỉ bằng 1/3, 1/4 so với những khu trung tâm của Hà Nội. Nếu người dân cứ "nâng" liên tục như vậy bản thân nhà đầu tư chắc chắn sẽ khó có lời. Nâng lên 1,5 là sự cố gắng hết sức của nhà đầu tư hiện nay. Riêng về khoản tầng hầm, nhà đầu tư cho rằng: đây mặc dù là tài sản gắn liền với người dân nhiều năm nay nhưng lại không được chi tiết trong bìa đất của người dân, nhiều năm qua người dân cũng không phải đóng một khoản phí sử dụng nào nên chúng tôi không thể đền bù như diện tích nhà ở được.

Tuy đến thời điểm này, chưa có phương án mới cho các hộ dân ở nhà chung cư C8, nhưng theo Quyết định 5339/QĐ-UB của UBND tỉnh ban hành ngày 5/11/2010 quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi GPMB xây dựng tại Khu chung cư Quang Trung và Quyết định số 926/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 28/2/2011 phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi GPMB xây dựng khu chung cư thì: những nhà có diện tích dưới 30 m2 khi chuyển sang nhà mới phần diện tích thiếu sẽ được mua với giá ưu đãi.

Ông Nguyễn Lâm Tô cũng cho rằng: Thực tế, nhiều gia đình ở nhà C8 hiện nay có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều hộ là gia đình chính sách, bản thân các chủ hộ cũng đã có nhiều cống hiến cho đất nước, vì thế nếu tỉnh có chủ trương mới nhằm giải tỏa được những khó khăn cho nhà đầu tư thì đơn vị sẽ cân nhắc, thương lượng và cố gắng tìm tiếng nói chung. Bởi dù là dự án nào thì cũng cần phải đạt được 3 lợi ích, đó là: lợi ích của Nhà nước, lợi ích của dân và cả lợi ích của nhà đầu tư.

Mới nhất
x
Cần hài hòa 3 lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO