Cần hiểu rõ động lực thi đua của mỗi người để phát huy sự sáng tạo (*)
(Baonghean.vn) - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, nếu hiểu được động lực thi đua của mỗi người thì sẽ khơi gợi, phát huy được sự sáng tạo trong họ, và lúc ấy phong trào thi đua mới thành công.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã có bài phát biểu ý nghĩa tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Báo Nghệ An xin trích đăng bài phát biểu.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Anh |
"....Hưởng ứng và thấm nhuần sâu sắc Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, đóng góp xứng đáng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian qua, các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có nhiều sáng tạo, đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều phong trào đã lan tỏa sâu rộng, được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát triển mạnh mẽ trong từng lực lượng.
Các phong trào thi đua có quy mô và cách làm khác nhau nhưng đều là những biểu hiện sinh động của việc thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tiếp nối, phát huy truyền thống thi đua ái quốc quý báu của nhân dân Nghệ An trong điều kiện mới.
Anh Nguyễn Anh Quý ở xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) là gương mặt duy nhất của tỉnh Nghệ An được tuyên dương "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX năm 2018". |
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta thực sự xúc động và tự hào về những việc làm, hành động cao đẹp của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến có mặt tại Lễ kỷ niệm ngày hôm nay, cũng như rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực, ở trong và ngoài tỉnh không có điều kiện về dự buổi lễ.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng, đánh giá cao và biểu dương các anh hùng, chiến sỹ thi đua, các điển hình tiên tiến, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các Phong trào Thi đua yêu nước.
Tôi cũng hoan nghênh, cảm ơn Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh, các ban, sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, đạt được những kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong thời gian qua.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Thưa các đồng chí!
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gửi gắm niềm tin yêu đối với quê hương xứ Nghệ: “Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”. Thực hiện lời Bác, Nghệ An đã không ngừng vươn lên, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tuy vậy, đến nay Nghệ An vẫn chưa là tỉnh “khá nhất miền Bắc” như Bác Hồ hằng mong ước. Nhìn lại các tỉnh khá của miền Bắc, hoặc ở phía Nam, về mặt phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An vẫn ở phía sau.
Ông Trương Đình Thống, dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) là một trong 63 nông dân xuất sắc nhất Việt Nam, là một trong những đại biểu có báo cáo tham luận tại Lễ kỷ niệm. Ảnh tư liệu |
Làm thế nào để tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, nhưng bền vững? Thu ngân sách đáp ứng nhu cầu chi của tỉnh? Thu nhập và đời sống của người dân được nâng cao, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc? Làm thế nào để thực hiện được tâm nguyện của Bác Hồ? Đây là những câu hỏi, là những thách thức to lớn đặt ra đối với phong trào thi đua của tỉnh trong thời gian tới. Tôi đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu, đồng thời, xin nêu một số vấn đề, để các đồng chí cùng nghiên cứu, thảo luận.
“Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển” của 2 em Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh - học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu được tham gia cuộc thi KHKT quốc tế tổ chức tại Mỹ. Ảnh tư liệu |
Thứ nhất, Nghệ An vinh dự và tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người là tấm gương đạo đức vô cùng cao đẹp và phong phú cho chúng ta học tập, noi theo.
Người đã căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Với tấm lòng biết ơn, niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của những người con quê Bác, mỗi người dân xứ Nghệ cần biến tình cảm thiêng liêng với Bác trở thành ý chí, hành động thiết thực, xây dựng cho mình ý thức tự giác thi đua.
Thi đua trước hết với chính mình, phải có ý thức rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Trong tập thể, mỗi cá nhân cần hưởng ứng thi đua để có sáng kiến, để làm việc tận tâm, hiệu quả, không để thua kém đồng nghiệp. Và lớn hơn nữa, thi đua để tỉnh Nghệ An không thua kém những tỉnh khác, đất nước Việt Nam không bị tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới.
Tôi mong muốn tất cả mỗi người luôn giữ cho “Tâm trong - Trí sáng” để đóng góp nhiều nhất cho phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị, cho tỉnh và qua đó cũng làm một điều gì đó có ý nghĩa cho chính mình.
Thứ hai, bản chất sâu xa của thi đua chính là phát huy tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân trong một môi trường tập thể. Trong mỗi con người đều chứa đựng những điều tốt và chưa tốt. Đã là con người trong tập thể, luôn có xu hướng đấu tranh, hướng tới điều tốt đẹp hơn. Các phong trào thi đua cần thiết kế cụ thể, thiết thực, phải tạo ra động lực khuyến khích tập thể hoặc cá nhân yếu kém dần trở nên tiến bộ, phát triển; tốt trở nên tốt hơn; phát huy được tiềm năng, lợi thế và hạn chế tối đa sự yếu kém.
Người Nghệ An có truyền thống cần cù và sáng tạo, kiên trung và nghĩa hiệp, cầu thị, học giỏi và đặc biệt, rất cách mạng. Cần đặc biệt lưu ý phát huy tối đa các phẩm chất tốt đẹp này trong các phong trào thi đua của tỉnh.
Muốn phong trào thi đua tốt cần hiểu rõ động lực của thi đua, động lực từng nhóm người, từng lớp người rất khác nhau. Chúng ta cần phải hiểu rõ động lực của mỗi người mới phát huy và khơi gợi ý chí phát huy sức sáng tạo của họ được. Theo tôi, động lực lớn nhất là hoài bão, rồi đến danh dự của con người, rồi đến lợi ích đời thường, mưu sinh.
Ví dụ như người lao động họ có động lực thi đua để có lương thưởng, tức là thi đua vì mục đích bình thường nhất là vì mưu sinh; có những nhóm người khác thì thi đua vì danh dự; và đối với những người lãnh đạo thì lớn hơn danh dự là hoài bão, làm được một việc gì đó cho cộng đồng.
Thứ ba, thi đua là để đoàn kết, và ngược lại, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần phải đoàn kết để thi đua tốt. Trong thi đua, phải lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm mục tiêu chung, làm điểm tương đồng; đồng thời, chấp nhận các điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của cả dân tộc.
Tại mỗi cơ quan đơn vị, phong trào thi đua tốt sẽ cuốn hút, lôi kéo được tinh thần lao động nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết mọi người cùng thi đua cống hiến sức lực, trí lực, tạo cho tập thể vững mạnh và phát triển. Chính sự đoàn kết (không phải là đoàn kết xuôi chiều) trên tinh thần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, phê bình trên tinh thần xây dựng, nghiêm túc, chân thành là cơ sở để phong trào thi đua được bền vững.
Thứ tư, đối với thi đua thì nỗ lực không bao giờ là đủ, sự sáng tạo không bao giờ có điểm dừng, chúng ta phải luôn phấn đấu để vươn lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi hiến dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc tôi”. Đối với cán bộ, đảng viên, tôi mong muốn các đồng chí sẽ dành sự nỗ lực, cố gắng cao nhất của mình cho sự phát triển của tỉnh nhà, mà trước hết là cho phát triển của cơ quan, đơn vị mình.
Có như vậy phong trào mới thực sự phát triển được. Nếu không nỗ lực, cố gắng sẽ không có phong trào thiết thực, không hiệu quả, không có sức sống trong nhân dân. Tôi mong muốn các đồng chí cán bộ, đảng viên là công chức, viên chức nhà nước phát huy tối đa trách nhiệm của bản thân, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, tích cực cải cách hành chính, tận tụy phục vụ người dân, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục quán triệt Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước, đổi mới các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả và hướng nhiều hơn nữa về cơ sở. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thi đua, khen thưởng, nhất là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.
Hội đồng thi đua khen thưởng cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa các phong trào thi đua cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với công bằng, công tâm, mỗi người thi đua tốt ở vị trí của mình, như: lãnh đạo với lãnh đạo, chuyên viên với chuyên viên …
Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng để kịp thời hơn, chính xác hơn. Chú ý nhân rộng các điển hình tiên tiến thông qua nêu gương.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa các đồng chí!
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Người. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về thi đua yêu nước trong suốt 70 năm qua, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Xô Viết anh hùng, chúng ta tin tưởng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và sự hưởng ứng của toàn dân, phong trào thi đua khen thưởng trong thời gian tới sẽ thực sự có những chuyển biến, đổi mới mạnh mẽ và thiết thực.
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt