Cần một giải pháp bền vững
(Baonghean) - Từ 7 năm nay, bà con xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn bắt đầu trồng đại trà cây gừng. Hiện gừng là cây hàng hóa chủ lực của Na Ngoi. Nghề trồng gừng từng được coi là hướng giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Song, hiện nay gừng rớt giá, khiến người dân lo lắng.
"Đất hứa" của cây gừng
Hiện xã Na Ngoi có 18/19 bản canh tác cây gừng với tổng diện tích 626 ha. Trong đó, bản Buộc Mú trồng nhiều nhất lên đến 95 ha, bản trồng ít nhất là Tẳng Phăn cũng trên 7 ha. Na Ngoi là xã trồng gừng nhiều nhất huyện Kỳ Sơn. Ông Lầu Vả Dềnh ở bản Ka Trên khoe: năm 2010 nhà ông trồng gần 1ha, xuống giống hết 1 tấn. Cuối năm thu hoạch, trừ chi phí lãi 26 triệu đồng. Đầu năm nay, ông quyết tâm phát thêm 2 đám rãy, trồng thêm gừng. Năm nay nhà ông có chừng 1,5 ha trên 4 đám rãy. Na Ngoi đất xốp, ít mưa vào cuối năm không làm thối củ gừng, rất thuận lợi để trồng thứ cây này.
Ông Xồng Rua Dà, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi bộc bạch: Năm 2010, gừng được giá 20.000 đồng/kg nên có nhà đã thu về 80 - 90 triệu đồng. Bà con có điều kiện mua sắm tiện nghi đắt tiền, nuôi con ăn học. Từ mấy năm nay có đường ôtô vào đến trung tâm xã và nhiều bản khác nên việc vận chuyển cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Cây gừng về bản nên cái tay cầm dao phát rãy của bà con cũng hăng hái hơn. Cứ sau Tết Nguyên Đán, không ai bảo ai, đồng bào lại vào những vùng rừng quy hoạch được phép để phát rãy. Ngày trước cái rãy chỉ trồng lúa, ngô, dong riềng thì nay có thêm rãy trồng gừng. Bây giờ nhà nào cũng ý thức rằng cái rãy trồng gừng phải to gấp đôi, gấp ba rãy trỉa lúa, ngô. Củ gừng đem lại nhiều tiền hơn lúa, ngô và dong riềng.
Rãy trồng gừng héo hết lá, chỉ còn lại đồi trống.
Nguy cơ phát nương, đốt rãy
Chính vì nguồn lợi trông thấy ấy đã kích thích người dân Na Ngoi trồng đại trà cây hàng hóa này. Tuy nhiên, cách trồng gừng ở đây cũng "phong phú" như quan niệm của người Mông mỗi họ một khác. Mỗi bản lại có cách trồng của riêng mình, người trồng dày, người trồng thưa. Thậm chí có người còn "sáng tạo" thời vụ riêng của mình, dẫn đến năng suất không đồng đều, mặc dù Na Ngoi là nơi đất tốt.
Dọc theo con đường chính của xã qua các bản Phù Khả, Ka Nọi, Tổng Khư vào đến Kẻ Bắc gặp những khoảng đồi trống rộng mênh mông. Một anh thanh niên ở bản Tổng Khư cho biết đó là những nương trồng gừng. Mùa này gừng đã tàn, rụng hết lá nên chỉ còn lại màu xám đồi trống.
Ông Lầu Vả Dềnh nói rằng trồng gừng cũng phải cần đến nhiều đất rãy. Mỗi đám rãy thường chỉ trồng được 1 vụ sau đó khoảng 4 đến 5 năm mới có thể trồng lại được. Như vậy, để có thể trồng gừng một cách ổn định, mỗi nhà ít nhất phải có 4, 5 đám rãy. Đó là chưa kể những nhà trồng manh mún trên nhiều đám rãy khác nhau. Để xoay hết một vòng du canh phải cần đến cả chục đám rãy. Mà muốn có rãy thì phải phát nương, đốt rừng(!). Đó chưa kể, nguồn lương thực chính của bà con trong các bản là lúa rãy. Thường thì mỗi mảnh nương cũng chỉ trỉa một vụ là phải chuyển sáng đám khác.
Ông trưởng bản Ka Trên, Lầu Vả Dềnh cho rằng: Ở đây bà con trồng gừng tự phát theo phong trào, lại ít tiếp xúc với khoa học kỹ thuật nên mới có kiểu trồng "tam sao thất bản" như vậy. Thêm nữa, ý thức dùng phân bón và chăm sóc cây trồng chưa phổ biến trong người dân. Họ chỉ trông chờ vào nước và phân "của trời" nên mới phải du canh cây gừng như thế.
Cần "đầu ra" ổn định
Hiện nay tư thương ở các xã ngoài và Thị trấn Mường Xén vào Na Ngoi mua gừng, giá chỉ từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Trong khi đó, năm ngoái (2010), giá mỗi kg gừng là 20.000 đồng. Không bằng lòng, với sự rớt giá đó bà con đua nhau "đình" bán gừng. Một lão nông ở Na Ngoi nói: "Thà để gừng trên rãy chứ không bán đâu. Rẻ quá!".
Ông Xồng Rua Dà, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Na Ngoi cho rằng, bà con trồng gừng đại trà với số lượng lớn nên bị ép giá. Không được giá, phần lớn hộ dân đã để nguyên gừng tại rãy. Người trồng gừng chờ được giá mới đào lên đem bán. Có để trên rãy cả năm thì gừng vẫn không hỏng. Một người rồi một bản làm vậy, sau đó gần như tất cả các bản đều găm hàng... tại rãy chờ giá. Chỉ những nhà cần tiền chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày mới đào về một ít đem bán.
Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, Lầu Vả Chồng cho biết, vấn đề xã quan tâm nhất hiện tại là giải quyết "đầu ra" cho gừng, làm sao để nhân dân bán sản phẩm được một cách ổn định lâu dài. Cũng đã có một HTX ở Thị trấn Mường Xén nhận thu mua gừng cho bà con với giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg nhưng người dân không chấp nhận giá này.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn, cho biết: Bà con Na Ngoi không chịu bán gừng là vì không hiểu tình hình thị trường hiện tại. Thực ra tại Thị trấn Mường Xén, thời điểm hiện nay giá mỗi gừng cũng chỉ tầm 8.000 - 9.000 đồng. Thông tin này cũng được một số người bán tạp hóa, rau quả tại chợ Mường Xén xác nhận. Giá gừng đã giảm một nửa so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Như vậy, có thể tạm kết luận, người dân trồng gừng Na Ngoi không chịu bán hàng với giá thu mua của tư thương hay một HTX ở Mường Xén là do họ thiếu thông tin. Sự thiếu thông tin thị trường cũng là "vấn đề" của các cán bộ kinh tế, nông lâm ở xã vùng cao này. Trước mắt, ngành Công thương và Phòng NN&PTNT Kỳ Sơn nên phổ biến những thông tin đó tới nhân dân hoặc có phản hồi bằng văn bản với chính quyền xã về sự biến động của giá gừng tại địa phương. Về lâu dài phải có một biện pháp hữu hiệu và bền vững để tìm đầu ra cho cây gừng vốn đang phát huy hiệu quả giúp bà con Na Ngoi xóa đói, giảm nghèo. Bà con cũng nhận ra rằng, trồng gừng sẽ bền vững hơn cây mận, bởi gừng là cây công nghiệp quan trọng, cũng là cây gia vị thiết yếu hàng ngày, thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Tìm thị trường bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân trồng gừng, sẽ giúp cây trồng xóa đói giảm nghèo này bén duyên dài lâu hơn với bà con Na Ngoi.
Hữu Vi