Cần nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý các chợ

05/07/2011 08:39

Đã 2 tuần sau khi xảy ra vụ hoả hoạn ở khu vực đình phía Đông chợ Vinh, nhưng 76 hộ bị thiệt hại vẫn chưa hết bàng hoàng. Trước mắt họ là vô vàn nỗi lo về những khoản nợ ngân hàng chưa trả, về địa điểm kinh doanh trong tương lai, về vốn để gây dựng lại quầy ốt.

Đã 2 tuần sau khi xảy ra vụ hoả hoạn ở khu vực đình phía Đông chợ Vinh, nhưng 76 hộ bị thiệt hại vẫn chưa hết bàng hoàng. Trước mắt họ là vô vàn nỗi lo về những khoản nợ ngân hàng chưa trả, về địa điểm kinh doanh trong tương lai, về vốn để gây dựng lại quầy ốt.

Tính đến thời điểm này, ngoài hỗ trợ của UBND và MTTQ thành phố dành cho mỗi hộ bị thiệt hại 3 triệu đồng thì chưa có một hỗ trợ nào khác.

Vì vậy, hỗ trợ, đền bù như thế nào, được bao nhiêu là điều mà các hộ tiểu thương quan tâm nhất hiện nay.

Qua tìm hiểu, các hộ cho biết, không chỉ vụ cháy này mà các vụ cháy trước tại chợ Vinh việc hỗ trợ, đền bù cho các tiểu thương có quầy bị cháy gần như không đáng kể. Nguyên nhân chưa được hỗ trợ đền bù một phần do các vụ cháy trước không xác định được trách nhiệm của các bên liên quan. Việc hỗ trợ cho bà con tiểu thương chỉ là miễn giảm tiền thuế hoặc tiền thuê đất. Điều này khiến nhiều tiểu thương bức xúc, phản ứng vì khi đăng kí quầy cũng như khi kinh doanh, hàng tháng ngoài thuế, các hộ còn phải đóng góp một khoản phí để Ban quản lý chợ bảo vệ tài sản cũng như PCCC.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết: Trước mắt UBND thành phố mới chỉ có thể trích quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ tạm thời cho các hộ tiểu thương. Thành phố cũng đang đề xuất với UBND tỉnh xem xét cấp ngân sách để thăm hỏi, hỗ trợ thêm cho bà con và xin miễn giảm thuế, phí cho các hộ bị thiệt hại. Riêng về vấn đề đền bù, chúng tôi chưa thể nói trước được vì đang phải đợi kết luận của Cơ quan điều tra.

Tuy phải chờ kết luận của cơ quan chức năng nhưng Ban quản lý chợ Vinh không thể "vô can" bởi vụ cháy xảy ra lúc quầy ốt đã bàn giao cho Ban quản lý; hơn nữa, lực lượng bảo vệ, thay vì phải có mặt trước hết và đủ quân số thì lại đến muộn khiến một số quầy ốt phía sau không cứu được. Đó là chưa kể, trong đêm cháy đội cứu hoả của chợ thao tác rất lúng túng, chưa phối hợp được với lực lượng cảnh sát đến chữa cháy.

Hiện ngoài khu vực đình phía Đông, khu vực đình phía Tây chợ Vinh và cả khu vực đình chính nguy cơ cháy, nổ vẫn còn rất cao. Việc bố trí quầy ốt ở chợ Vinh vẫn còn nhiều bất cập khi lối đi cho xe chữa cháy quá nhỏ, các quầy bị bịt quá kín và quá kiên cố khiến cảnh sát chữa cháy không thể đưa vòi nước vào được; bể chứa nước bố trí chưa hợp lý, máy bơm nước chưa đạt tiêu chuẩn PCCC....

Thực trạng đáng báo động trên cũng đang tồn tại ở khá nhiều chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Vinh nói riêng. Theo số liệu từ PCCC và cứu hộ cứu nạn tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 354 chợ lớn nhỏ nhưng chỉ có 15/ 113 chợ kiên cố và bán kiên cố đã được thẩm duyệt về PCCC, 18/113 chợ được trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dùng; số còn lại xây dựng từ lâu, mặt bằng chật hẹp, hoạt động trong tình trạng quá tải.

Để bố trí lại chỗ kinh doanh cho các hộ bị cháy vừa qua, theo ông Trần Xuân Hạ, Trưởng Ban quản lý chợ Vinh, ít nhất phải 3 tháng nữa, vì đơn vị thi công còn phải xem xét, tu sửa lại các hạng mục bị hư hỏng, trường hợp hư hại hoàn toàn phải tiến hành xây mới. Trong thời gian tới, cùng với biện pháp sắp xếp để các hộ kinh doanh tạm, Ban quản lý phát động bà con tiểu thương ủng hộ các đối tượng bị thiệt hại do cháy chợ.

Theo chúng tôi, về lâu dài, UBND tỉnh và Thành phố Vinh có quy định rõ ràng, cụ thể hơn gắn quyền lợi và trách nhiệm của Ban quản lý chợ trong quản lý tài sản và PCCC để khi xảy ra cháy nổ hoặc mất mát tài sản có cơ sở để xem xét trách nhiệm bồi thường và có chế tài xử lý phù hợp.


Văn Hải - Mỹ Hà

Mới nhất
x
Cần nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý các chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO