Cần ngăn chặn buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Việc lưu hành chất Clenbuterol và Salbutamol là do các cá nhân mua bán trao tay, quảng cáo lén lút tới hộ nuôi, rất khó quản lý.
Việc lưu hành chất Clenbuterol và Salbutamol là do các cá nhân mua bán trao tay, quảng cáo lén lút tới hộ nuôi, rất khó quản lý.
Đến thời điểm này, đã có 3 tỉnh là Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương phát hiện người chăn nuôi sử dụng thuốc tạo nạc để nuôi lợn. Ngành chức năng đang tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên vẫn còn không ít lo ngại “liệu có dập được triệt để tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm này”?.
3 tỉnh đã phát hiện người chăn nuôi sử dụng thuốc tạo nạc để nuôi lợn.
Những ảnh hưởng nguy hại của chất cấm tạo nạc có tên Clenbuterol, Salbutamol thuộc nhóm Bê-ta-a-gô-nít đối với sức khỏe con người không phải đến bây giờ mới được biết tới. Từ những năm 1990, thế giới đã ghi nhận hàng trăm trường hợp ngộ độc Clenbuterol ở Pháp, Tây Ban Nha, Hong Kong, Bồ Đào Nha và từ năm 2006 đến năm 2011, hơn 400 người dân Trung Quốc cũng ngộ độc do ăn thịt, nội tạng lợn nhiễm chất này. Đây cũng là những chất Tổ chức Nông lương Thế giới FAO cấm sử dụng từ nhiều năm nay.
Ở nước ta, ngay từ năm 2002 đã đề cập tới vấn đề này và năm 2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản quản lý các loại chất cấm. Gần đây nhất, năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư 54 quy định chi tiết về quy trình kiểm tra chất tồn dư trong đó có chất Clenbuterol và Salbutamol. Vậy nhưng vì sao chất cấm này vẫn lưu hành tới các trang trại, các hộ chăn nuôi lợn?.
Ngành chức năng cho biết, số lợn nhiễm chất cấm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, thông tin này khó trấn an người tiêu dùng vì sau khi bắt quả tang vụ vận chuyển 5kg salbutamol tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục phát hiện những mẫu thịt ở tỉnh này dương tính với chất cấm Clenbuterol, Salbutamol. Mới đây, các mẫu xét nghiệm tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho thấy, một số người dân đã sử dụng chất Clenbuterol và Salbutamol trong chăn nuôi. Tuy nhiên nghi vấn với các công ty sản xuất thức ăn gia súc dường như không có cơ sở vì đến thời điểm này chưa có công bố nào của ngành chức năng về mẫu thức ăn của các công ty nhiễm chất này.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi khẳng định: không có doanh nghiệp nào trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi lại trộn chất cấm vào, bởi làm như vậy đồng nghĩa với việc phải đóng cửa nhà máy: “Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam quán triệt, kiên quyết tẩy chay những đơn vị tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Chúng tôi đã tổ chức 2 hội thảo ở phía Bắc và phía Nam tẩy chay nói không với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.
Theo ngành chức năng, việc lưu hành chất Clenbuterol và Salbutamol chỉ là do các cá nhân mua bán trao tay, quảng cáo lén lút tới hộ nuôi. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý, phát hiện chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc xử phạt những người buôn bán chất cấm hiện mới dừng ở mức độ phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Còn đối với các hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm, cũng chưa có biện pháp xử lý rõ ràng.
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “sắp tới Cục Chăn nuôi sẽ tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung chế tài xử phạt nghiêm minh đối với việc sử dụng các chất cấm thuộc nhóm Bê-ta-a-gô-nít trong chăn nuôi”.
Chế tài mạnh chỉ có hiệu quả khi triển khai các giải pháp đồng bộ khác. Vì trong khi những chất này bị cấm sử dụng trong chăn nuôi thì đây lại là dược liệu được phép sử dụng trong y tế để điều trị một số bệnh hô hấp. Để giải quyết tận gốc vấn đề chất tạo nạc trong chăn nuôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong việc quản lý nguồn dược liệu. Cần thường xuyên kiểm tra, rà soát quản lý thị trường để ngăn chặn tình trạng buôn bán các loại chất nguy hại trong chăn nuôi./.
Theo VOV