Cần ngăn chặn hiện tượng mê tín dị đoan
(Baonghean) - “Núi rừng không cao bằng nỗi đau mất con gái của ta đâu. Đau lắm! Tiếc lắm! Đứt từng khúc ruột”, ông L.N.H ở bản N, xã N (Kỳ Sơn) chưa nguôi nỗi đau khi nhắc về con gái yêu của mình chết oan uổng vì ông bà mù quáng tin vào việc chữa bệnh bằng tâm linh.
Hôm đó, em Lầu Y. N, học sinh lớp 9, bị đau bụng, xin nghỉ học. Thầy cô đến thăm và khuyên gia đình đưa em đi viện. Nhưng gia đình lại nhờ thầy cúng về làm lễ đuổi con ma, trừ cái bệnh. Những cơn đau quặn kéo dài, đi ngoài dẫn đến mất nước, kéo đến ngày thứ ba thì N. lịm dần và ra đi. Bản nhỏ bao phủ nỗi đau oan ức. Thầy, cô giáo không khỏi xót thương cô học trò nhỏ... Bây giờ ông L.N.H và bà M.Y.M day dứt, ân hận, giá mà ông bà đừng quá tin vào thầy cúng, vào chuyện con ma rừng; nếu như ông bà nghe lời thầy, cô giáo đưa con đi bệnh viện sớm thì mọi chuyện đã khác… Đây chỉ là một trong những chuyện buồn về niềm tin mù quáng thái quá dẫn đến phải trả giá đắt ở những bản, làng vùng cao còn nhiều khó khăn...
Hàng mã bày bán trước cổng đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên). Ảnh chụp lúc 11h30 ngày 17/12/2014. |
Còn gia đình anh N.Đ.C (Thanh Chương) thời gian gần đây xảy ra mâu thuẫn căng thẳng vì người vợ sống thiên về phần... âm. Anh C và chị V cùng đi xuất khẩu lao động, quen nhau và nên duyên vợ chồng. Sau khi về nước, sinh con, chị V bỗng dưng trở thành người mê tín dị đoan. Chị bỏ bê chồng con, chểnh mảng việc nhà. Gần đây, mẹ của anh C ốm nặng, gia đình rất bí người chăm sóc, anh C bàn với vợ dành thời gian chăm mẹ. Thế nhưng, chị cũng chẳng đoái hoài, chỉ chăm chăm đến các cơ sở tâm linh cầu khấn. Thỉnh thoảng lại theo các “đạo tràng” đi dài ngày, bỏ mặc cha con anh nhếch nhác…
Tại một trường học đóng trên địa bàn Thành phố Vinh, không ít lần phụ huynh phản ứng về một giáo viên dùng thời gian chính khóa thao thao nói về “niềm tin tâm linh”, ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả học tập, tâm lý của học sinh. Để đảm bảo việc học hành của con cái, cha mẹ học sinh phải kiến nghị với nhà trường đổi giáo viên.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, một người chuyên viết sớ và “tâu sớ” ở khu vực đền Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: Khách đến đây chủ yếu là cầu tài, cầu danh. Một mâm “lễ mặn” xôi gà là 500 nghìn đồng, nếu “tiến đại mã” - ngựa giấy lớn - là 350 nghìn đồng, một mâm tiền vàng, ngũ quả, hương hoa đầy đủ là 250 nghìn đồng. Ngoài ra còn có các khoản tiền sớ, tiền cúng, tiền công quả... Tổng cộng lễ vật và kinh phí đi lại thường phải tính bằng tiền triệu. Ngày cuối tuần, ngày Rằm và mùng Một thì hàng hóa không đủ để phục vụ. Một nhân viên Ban Quản lý đền Quang Trung (TP. Vinh) cho biết, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên đến cầu nguyện, sửa soạn lễ vật để... xin điểm. Có nhiều sinh viên còn mua sớ và yêu cầu ghi rõ là cầu xin thi đủ điểm môn tiếng Anh B1, B2, Toefl, IELTS... Gần đây còn có cả người lao động xuất khẩu cầu xin đủ điểm môn tiếng Hàn Quốc.
Trao đổi với Tiến sỹ Phật học, Đại đức Thích Định Tuệ - Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An (trụ trì chùa Phúc Thành, Hưng Nguyên) về những câu chuyện nói trên, ông cho rằng: Không ít người có niềm tin thái quá, mê tín dị đoan, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng chuyện tâm linh hành nghề kinh doanh, buôn bán, khất thực, thậm chí “giả danh” người tu hành đi bán hương, xin công đức. Điều này hoàn toàn không có trong Hiến chương Phật giáo, và không một cơ sở chính thức nào của Phật giáo cho phép làm như vậy. Việc một số người bỏ bê gia đình, quá say sưa vào việc cúng viếng mà bê trễ các nhiệm vụ khác là sai. Trước hết phải tìm thấy hạnh phúc cho bản thân mình, cho gia đình mình, rồi mới từ đó nhân lên cho cộng đồng... Phải tìm thấy niềm vui trong hiện tại và tìm ra nguyên nhân để có phương pháp giải quyết những khó khăn trong cuộc sống thực tại. Còn bỏ bê thực tại, đi tìm kiếm hoặc xây dựng cái gì đó trong hư ảo là không thực tế.
Về hiện tượng đốt tiền vàng mã nhiều, Đại đức Thích Định Tuệ cho rằng: Để xoa dịu tâm lý, bù đắp cho người đã khuất, sinh ra chuyện đốt vàng mã. Nếu cúng đốt tượng trưng, hợp lý để bày tỏ sự tưởng nhớ và tấm lòng tri ân đối với công ơn người đã khuất thì đó là đạo lý. Còn lễ vật cúng đốt nhiều thường xuất hiện cùng tâm lý xin xỏ, vì nghĩ rằng đó là sự trao đổi, mua bán, cho rằng càng bỏ ra nhiều tiền mua lễ cúng đốt nhiều thì được thần linh cho nhiều, như vậy đó là lễ vật cúng đốt vì lòng tham, chứ không còn vì đạo lý nữa, không là đạo lý nữa.
Rõ ràng, tín ngưỡng là một nhu cầu rất chính đáng của con người, điều này được pháp luật thừa nhận và phù hợp với đạo đức truyền thống. Tuy nhiên, có không ít người đang có những biểu hiện nhận thức lệch lạc, thái quá về tín ngưỡng, gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống hàng ngày của họ và là tác nhân làm nảy sinh những biến thái tiêu cực, tác động xấu đến đời sống xã hội, ảnh hưởng công việc, vi phạm nếp sống văn hóa, ảnh hưởng đến hạnh phúc, sức khỏe, thậm chí mạng sống của mình hoặc người thân. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động về vấn đề tín ngưỡng nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; xử lý nghiêm, phê phán, lên án rõ ràng các hành vi mê tín, dị đoan…
Nhóm phóng viên