Cần nghiêm túc thực hiện chủ trương chuyển đổi
(Baonghean) - Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1468/TTg-ĐMDN ngày 13/9/2013 về việc chuyển Công ty TNHH-MTV nông nghiệp Sông Con thành Công ty TNHH hai thành viên. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành và yêu cầu Công ty TNHH –MTV nông nghiệp Sông Con phối hợp với Công ty CP mía đường Sông Con xây dựng phương án chuyển đổi để Sở Nông nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/10/2013. Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn chưa lập được phương án chuyển đổi.
(Baonghean) - Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1468/TTg-ĐMDN ngày 13/9/2013 về việc chuyển Công ty TNHH-MTV nông nghiệp Sông Con thành Công ty TNHH hai thành viên. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành và yêu cầu Công ty TNHH –MTV nông nghiệp Sông Con phối hợp với Công ty CP mía đường Sông Con xây dựng phương án chuyển đổi để Sở Nông nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/10/2013. Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn chưa lập được phương án chuyển đổi.
Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con được thành lập từ tháng 12/1955 tiền thân là Nông trường Sông Con. Ngành nghề chính là sản xuất chế biến cao su, với 1.950 ha đất được nhà nước giao cho quản lý, trong đó có gần 1000 ha cao su, 386 ha mía. Số còn lại trồng ngô, lạc… Sau 10 năm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các công ty nông - lâm nghiệp, đã hai lần chuyển đổi nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Trong công tác quản lý đất đai còn nhiều tồn tại, nhất là hiệu quả sử dụng đất còn thấp, các doanh nghiệp chưa nộp tiền thuê đất hàng năm, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng, hạch toán đầy đủ thì 100% doanh nghiệp thua lỗ.
Tại Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con, năm 2011 có tổng vốn chủ sở hữu 9,35 tỷ đồng, tổng tài sản 25,3 tỷ đồng (trong đó tài sản ngắn hạn là 16,5 tỷ đồng), thì nợ phải trả là 15,9 tỷ đồng; năm 2012, tổng tài sản 27,8 tỷ đồng thì nợ phải trả là 17,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của năm 2011 là 537,5 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế của năm 2012 là 693,8 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Sở NN và PTNT, nếu truy thu tiền thuê đất từ 2010 đến nay (mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng) thì công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con không có lãi, thậm chí là thua lỗ.
![]() |
Dây chuyền chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con. |
Thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án sơ bộ chuyển đổi Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con thành Công ty TNHH 2 thành viên với sự góp vốn của Công ty CP Mía đường Sông Con trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/9/2013, UBND tỉnh đã có Công văn giao Sở NN và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con phối hợp với Công ty CP Mía đường Sông Con xây dựng phương án chuyển đổi để Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/10/2013. Dự kiến vốn điều lệ đăng ký lần đầu là 30 tỷ đồng. Trong đó: Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con góp 9,0 tỷ đồng, chiếm 30,0%, Công ty CP Mía đường Sông Con góp 21,0 tỷ đồng, chiếm 70,0%.
Tuy nhiên, đến nay phương án chuyển đổi vẫn chưa được xây dựng do chưa có sự đồng thuận trong cán bộ, công nhân Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con. Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét lại chủ trương chuyển đổi. Trong báo cáo nêu: Khi chuyển đổi có làm thay đổi quy hoạch sử dụng đất của công ty, của địa phương không? Việc đánh giá tài sản sẽ thực hiện thế nào đối với các vườn cây khi mà phần lớn giá trị tài sản là của người lao động. Người lao động có được thuê đất lâu dài nữa không… Đây là những lý do mà Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con đưa ra để chưa thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Tiếp xúc với công nhân của Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con để nắm thêm tâm tư nguyện vọng, hầu hết họ cũng chưa nắm rõ được việc chuyển đổi và quy trình của việc chuyển đổi, tâm trạng chung của người lao động là muốn được giữ nguyên diện tích đất lâu nay của mình để sử dụng.
Ông Cao Xuân Thủy, công nhân Đội sản xuất Hạ Sưu-Tân Đồng băn khoăn: “Gia đình tôi có 1,3 ha cao su được trồng từ năm 1994 đến nay đã cho thu hoạch, khi chuyển đổi liệu có phải trồng cây khác hay không”. Còn ông Lê Đa Hợi - công nhân đội Tân Lương cũng lo lắng: “Khi chuyển đổi thì quyền lợi của người lao động có được đảm bảo không, chúng tôi cũng phải được tham gia đóng góp ý kiến để có lợi cho người lao động”.
Về vấn đề này, theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An, việc Công ty CP Mía đường Sông Con góp vốn vào Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con không làm thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu cây trồng, đất đai, người lao động vẫn giữ nguyên. Doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn bởi có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động và cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay Công ty CP Mía đường Sông Con có tổng tài sản trên 375 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2012 trên 20 tỷ đồng.
Còn Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con, ông Lê Đình Hoan thì cho rằng: Việc chuyển đổi Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con sang Công ty TNHH HTV với sự góp vốn của Công ty CP Mía đường Sông Con là phù hợp, bởi công ty đang mở rộng qui hoạch diện tích mía lên 5.000 ha và tiến tới 10.000 ha theo qui hoạch của tỉnh để không chỉ cung cấp nguyên liệu cho mía đường Sông Con mà còn sản xuất giống mía giống cung cấp cho cả tỉnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Công ty CP Mía đường Sông Con sẽ chuyển đổi đất của Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con sang trồng mía bởi hiện nay diện tích mía của công ty đã mở rộng ở Hà Tĩnh, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu. Nếu chuyển đổi thành công, công ty vẫn giữ 386 ha mía ở vùng của Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con, tôn trọng ý kiến của người dân về hiệu quả cây trồng. Cây gì hiệu quả nhất thì họ sẽ trồng, đồng thời tôn trọng qui hoạch của tỉnh tại vùng đất này.
Ông Võ Hồng Dương - Phó Văn phòng UBND tỉnh khẳng định, việc chuyển đổi Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con thành Công ty TNHH 2 thành viên với sự góp vốn của Công ty CP Mía đường Sông Con sẽ giúp sử dụng hiệu quả diện tích đất hiện có là cần thiết và đúng theo đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước chỉ đạo của Chính phủ. Theo luật doanh nghiệp, Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con vốn 100% của Nhà nước nên thuộc quyền của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An. Để có hiệu quả, hai bên cần thảo luận phương án, có người lao động tham gia đóng góp ý kiến dân chủ.
Mới đây, ngày 23/10, tại cuộc họp UBND tỉnh nhằm giải quyết vướng mắc liên quan việc chuyển đổi này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại đã khẳng định chủ trương chuyển đổi Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con thành Công ty TNHH 2 thành viên là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ. Giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan chỉ đạo Công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con phối hợp với Công ty CP Mía đường Sông Con xây dựng phương án chuyển đổi. Sở nông nghiệp chủ trì với các ban, ngành liên quan thẩm định phương án sắp xếp doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc: Đất đai quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch của địa phương, thực hiện thuê đất của Nhà nước, đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/11/2013.
Như vậy, việc chuyển đổi công ty TNHH - MTV Nông nghiệp Sông Con thành Công ty TNHH 2 thành viên có sự góp vốn của Công ty CP Mía đường Sông Con là hết sức cần thiết để có thêm vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất hiện có. Các bên cần sớm phối hợp, bàn bạc, thống nhất phương án chuyển đổi có lợi nhất cho cả doanh nghiệp và người lao động, mở ra triển vọng phát triển cho doanh nghiệp.
Văn Trường