Cần nhanh chóng xử lý nghiêm và triệt để

05/12/2011 17:31

(Baonghean) - Vào tháng 3/2011, trên địa bàn huyện Yên Thành xảy ra dịch bệnh lợn tai xanh. Lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ thú y xã Tăng Thành đã "đục nước béo cò", khai khống hàng tấn lợn dịch để moi tiền Nhà nước, ăn chặn tiền của dân gây bất bình trong nhân dân.

Khai khống hàng tấn lợn dịch

Chúng tôi tìm về xóm 3a, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành sau 2 tháng vụ việc khai khống số lượng lợn dịch để moi tiền Nhà nước bị phát giác. Đầu làng, cuối xóm người dân bàn tán râm ran về chuyện cán bộ thú y xã ăn chặn tiền dân, mượn tay dân để moi tiền Nhà nước. Nhiều hộ dân không có lợn dịch vẫn được ông cán bộ thú y xã đưa vào danh sách nhận tiền hỗ trợ, một số hộ dân có lợn thật, khi nhận tiền hỗ trợ về thì bị xà xẻo, phải nộp lại tiền cho cán bộ thú y xã với lý do "tiền xăng xe, thuốc nước", gọi là "cảm ơn"... Sự trắng trợn của ông thú y xã đã khiến người dân xã Tăng Thành (Yên Thành) bất bình, phẫn nộ...

Nhờ sự chỉ đường của Phó Bí thư chi bộ xóm 3a, Hoàng Xuân Luận, chúng tôi tìm đến nhà chị Vũ Thị Liên - một hộ dân không có lợn dịch nhưng được cán bộ thú y xã là Phan Lê Châu nhờ ký hộ vào hồ sơ nhận tiền hỗ trợ lợn dịch tai xanh. Chị Liên cho biết: "Trong đợt dịch vừa qua (tháng 4/2011), nhà tôi không có lợn dịch, nhưng anh Châu (cán bộ thú y xã Tăng Thành) tìm đến nhà và nhờ ký vào danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch lợn tai xanh với số lượng là 13 con lợn con, trọng lượng 73kg. Tôi có thắc mắc vì sao gia đình tôi không có lợn dịch mà vẫn ký tên vào đó. Anh Châu giải thích: "Tôi làm sót danh sách hỗ trợ của gia đình xóm bên. Giờ phải nhờ o (chị Liên) ký vào để hợp thức hóa việc nhận tiền hỗ trợ cho gia đình đó, nếu không tôi phải đền". Nghĩ chẳng mất gì chữ ký lại giúp được người khác nên tôi ký vào danh sách. Đến cuối tháng 8/2011 tôi nhận được giấy mời nhận tiền hỗ trợ, anh Châu lại tìm đến nhà và nhờ tôi đi nhận tiền giúp. Số tiền tôi nhận giúp anh Châu là 2.007.500 đồng và được anh Châu đưa lại 400.000 đồng gọi là trả công cho tôi đi lại bấy lâu nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, ông Phan Lê Châu đã nhờ chị Liên ký khống vào hồ sơ nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh lợn tai xanh để thu lợi bất chính chứ không hề có việc "làm sót danh sách của gia đình xóm bên".



Chuồng lợn của gia đình ông Điều, người bị bà con xóm 3A nghi khai khống lợn dịch để trục lợi tiền hỗ trợ của Nhà nước 12.787.500 đồng.

Bà Thái Thị Thìn (xóm 3a, xã Tăng Thành) trong đợt dịch tai xanh có 13 con lợn con và 1 con lợn nái bị chết và phải tiêu hủy. Nắm thóp đàn lợn gia đình bà Thìn phát dịch vào giai đoạn đầu và tự tiêu huỷ nên khi báo cáo với thú y xã để lập danh sách thì ông Châu bảo "chỉ kê khai 6 con lợn con và con lợn mẹ với tổng trọng lượng là 180kg thôi". Theo giá hỗ trợ của Nhà nước, gia đình bà Thìn được nhận số tiền hỗ trợ là 4.950.000 đồng. Chiều ngày 30/8, bà xuống gặp kế toán xã nhận tiền, vừa về đến nhà thì ông Phan Lê Châu (cán bộ thú y xã) tìm đến và nói: "Để nhà bác nhận được từng đó tiền hỗ trợ, chúng tôi phải mất công đi lại, tiền xăng xe, tiền quà cáp cho "cấp trên" mới có. Giờ, gia đình bác phải lui lại cho tôi 3,4 triệu đồng." Nghe ông Châu nói xong, bà Thìn cự nự: "Chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, đành rằng các chú mất công đi lại, nhưng răng lại thu của gia đình bác nhiều rứa". Trước sự kiên quyết của vị "quan xã" kia, gia đình bà Thìn đã nộp lại cho ông Châu số tiền 3,4 triệu đồng. Quá ấm ức vì bị ăn chặn trắng trợn, tối hôm đó (30/8) ông Thái Duy Thắng (chồng bà Thìn) đi họp tổ phường ở xóm đã phản ánh lại với mọi người trong tổ phường sự việc trên. Nghe xong câu chuyện, công an viên kiêm xóm phó Vũ Đình Liên gọi điện thoại cho ông Châu hỏi lý do vì sao lại thu số tiền 3,4 triệu của gia đình bà Thìn, ông Châu chỉ nói "Biết rồi, biết rồi" và cúp máy. Sáng 31/08/2011, ông Phan Lê Châu đã đến nhà bà Thìn trả lại 3.400.000 đồng và nói: "Tui trả lại cho bác đầy đủ số tiền 3,4 triệu đồng và trách ông Thắng nói loang ra. Cuối cùng, sau lần thương thảo, gia đình bà Thìn buộc phải đưa lại cho ông Châu 1,7 triệu đồng gọi là "cảm ơn". Bà Thái Thị Thìn bức xúc: "Chúng tôi là nông dân, chân lấm tay bùn, nuôi được con lợn cũng cực nhọc lắm. Lợn ốm thức ngày thức đêm chăm sóc, lợn chết xót xa lắm. Nhà nước có chủ trương hỗ trợ lợn dịch, chúng tôi như chết đuối vớ được cọc mừng vô kể, có vốn để mua lại giống, đầu tư chăn nuôi. Nhưng oái ăm thay, tiền cầm về chưa nóng tay thì đã bị ăn chặn tại nhà. Cán bộ thú y xã răng nỡ ăn trên mồ hôi, nước mắt của dân như rứa?".

Sau khi nghe người dân phản ánh sự việc oái ăm trên, một số người có trách nhiệm ở xóm 3a quá bất bình đã viết đơn khiếu nại tố cáo gửi lên các cấp. Theo đơn tố cáo thì trong đợt dịch bệnh lợn tai xanh vừa qua, xóm 3a có 5 hộ được nhận tiền hỗ trợ thì có đến 2 hộ khai khống lợn dịch tai xanh và 1 hộ bị cán bộ thú y xã ăn chặn tiền hỗ trợ.

Còn nhiều góc khuất

Sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân xóm 3a, chính quyền xã Tăng Thành, UBND huyện Yên Thành đã vào cuộc, điều tra và đưa ra kết luận: "Có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ dịch lợn tai xanh năm 2011 của Nhà nước tại xóm 3a"... Ban đầu đã xác minh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình làm nhiệm vụ của ông Phan Lê Châu (cán bộ thú y xã Tăng Thành) gây thiệt hại cho Nhà nước 29.625.000 đồng (tương đương 1.077,27 kg lợn). Hiện tại ông Châu đã giao nộp lại cho cơ quan điều tra 15.550.000 đồng (mười lăm triệu năm trăm năm mươi ngàn đồng) và 7 hộ dân (tập trung ở các xóm 3a, xóm 5, xóm 6) ký nhận vào bản khai khống lợn dịch tai xanh của ông Châu đã nộp lên cơ quan điều tra 14.075.000 đồng.

Tuy nhiên, điều khiến người dân xóm 3a bức xúc và những người đứng đơn tố cáo "quyết làm sáng tỏ" đến cùng là việc hộ ông Phan Lê Điều, bà Phạm Thị Hiên (xóm 3a) trong đợt dịch qua không hề có lợn chết nhưng vẫn ký nhận vào danh sách tiền hỗ trợ với số tiền 12.787.500 đồng tương đương 465 kg lợn. Đây cũng là hộ được nhận nhiều tiền hỗ trợ nhất ở xóm 3a. Ông Vũ Đình Liên, công an viên, xóm phó xóm 3a, một trong những người đứng đơn tố cáo bức xúc: "Tôi là thành viên trong ban tiêm phòng dịch của xã, là hàng xóm kề bờ rào nhà ông Điều. Tôi cam đoan nhà ông Điều không có lợn dịch và thời điểm xảy ra dịch bệnh, hộ ông Điều không có số lợn trên. Vậy tại sao, ông Điều, bà Hiên lại có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ, và nghiễm nhiên trục lợi trên 12 triệu đồng của Nhà nước". Trước bức xúc của người dân, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Điều để tìm hiểu sự việc thì được ông Điều cho biết: Gia đình ông có lợn dịch, đã chở đi tiêu hủy 465kg lợn, có đầy đủ chữ ký xác nhận của cán bộ thú y, của người tiêu hủy và việc ông được nhận tiền hỗ trợ là đúng pháp lý. Thế nhưng, theo ý kiến của một số hộ dân sống gần nhà ông Điều thì lời khai của ông Điều là bất nhất vì khi thì ông nói tự gia đình chở lợn đi tiêu hủy, khi thì khai là thuê xe chở vôi chở ra địa điểm tiêu hủy; 2 vợ chồng già và diện tích chuồng trại chỉ khoảng 15m2 thì làm sao nuôi được chừng ấy lợn, nếu nuôi được từng ấy lợn gia đình ông đã trở thành mô hình của xã của huyện. Hiện sự việc gia đình ông Điều đã diễn ra hơn 2 tháng, song chưa có kết luận rõ ràng từ các cơ quan chức năng đang gây bức xúc trong nhân dân.

Nhiều người dân cho rằng, chỉ trong một xóm, 5 hộ nhận tiền hỗ trợ thì đã có 2 hộ khai khống, 1 hộ bị ăn chặn, xà xẻo tiền thì thử hỏi cả xã, cả huyện có bao nhiêu trường hợp? Không chỉ dừng lại ở đó, theo một số người dân phản ánh thì ở Tăng Thành lợn dịch vẫn được người dân làm thịt, chia nhau ăn. Tại một số điểm tiêu hủy, người dân được phép nấu nước sôi, xẻ thịt (chỉ tiêu hủy nội tạng) nhúng qua nước sôi để khử trùng và mang về nhà ăn. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở các điểm tiêu hủy hiện vẫn còn dấu tích của những bếp đun nước sôi nhúng thịt lợn tai xanh.

Về sự việc này, Thượng tá Phạm Xuân Khánh, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết, khoảng vào giữa tuần sau (mồng 6 đến mồng 8/12), cơ quan điều tra sẽ kết thúc vụ việc, hoàn tất hồ sơ và tiến hành khởi tố. Đối với những đối tượng vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh, triệt để".

Hy vọng các sai phạm trong hỗ trợ dịch lợn tai xanh ở xã Tăng Thành sớm được các cơ quan chức năng điều tra, kết luận rõ ràng và xử lý nghiêm những kẻ vi phạm để lấy lại niềm tin của nhân dân.

* Thượng tá Phạm Xuân Khánh, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết, khoảng vào giữa tuần này (mồng 6 đến mồng 8/12), cơ quan điều tra sẽ kết thúc vụ việc, hoàn tất hồ sơ và tiến hành khởi tố đối tượng sai phạm, và sẽ xử lý nghiêm minh, triệt để". Hy vọng rằng, lời của đại diện cơ quan điều tra sẽ sớm được thực hiện nhằm đem lại lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền.


Thanh Phúc - Thảo Nhi

Mới nhất
x
Cần nhanh chóng xử lý nghiêm và triệt để
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO