Cần những quyết sách đồng bộ

04/03/2011 11:15

Trong những năm qua công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải ở thành phố Vinh đã được các cấp chính quyền...

Trong những năm qua công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải ở thành phố Vinh đã được các cấp chính quyền quan tâm, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Sự cố ứ đọng rác vừa qua là lời cảnh báo sâu sắc về vấn đề quy hoạch thành phố không theo kịp tốc độ phát triển. Để xây dựng Vinh thành một thành phố Xanh- Sạch- Đẹp xứng tầm đô thị loại 1, cần một chiến lược mang tính toàn diện, đồng bộ bắt nguồn từ việc nâng cao năng lực quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và ý thức người dân...

Để phù hợp với phạm vi và địa bàn hoạt động hành chính, tổ chức quản lý khu liên hiệp chất thải rắn Nghi Yên ( Nghi Lộc) đúng qui định, ngày 8- 12-2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 5922 QĐ.UBND- CNXD đổi tên công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Vinh thành Công ty TNHH Một thành viên MTĐT Nghệ An, chịu sự chỉ đạo, quản lý của tỉnh, có quyền và tổ chức hoạt động theo luật doanh nghiệp. Sau khi xảy ra sự cố ứ đọng rác, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định số 76/QĐ- UBND ngày 7-1-2011, uỷ quyền UBND Thành phố Vinh quản lý toàn diện đối với công ty TNHH Một thành viên môi trường đô thị Nghệ An. Điều này tạo điều kiện cho thành phố thuận lợi hơn rất nhiều trong việc qui hoạch, quản lý rác thải đô thị.


Để đảm bảo cảnh quan đô thị, UBND Thành phố Vinh cũng đã có một số giải pháp như bổ sung nguồn kinh phí thu gom rác ban ngày tại 11 tuyến đường quan trọng, cho đấu thầu việc thu gom rác thải ở một số tuyến chính để tạo sự cạnh tranh, đặt hàng bình đẳng với công ty môi trường đô thị trong vấn đề thu gom rác thải trên các tuyến đường của thành phố (chỉ quản lý công ty về mặt kế hoạch, tài chính).

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên - Nghi Lộc vẫn còn dở dang


Theo ông Hà Thanh Tĩnh- TP Kế hoạch - Đầu tư Tp.Vinh, để giải quyết vấn đề rác thải đô thị, tỉnh cần có một chiến lược dài hơi và đồng bộ hơn như đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, áp dụng các công nghệ cao trong xử lý rác bởi hiện nay biện pháp chủ yếu vẫn là chôn lấp. Theo dự án thì bãi rác Nghi Yên đổ được khoảng 20 năm, với tốc độ đô thị hoá nhanh, tương lai bãi rác này cũng sẽ rơi vào tình trạng quá tải như bãi rác Hưng Đông ( mặc dù Nghi Yên có sử dụng qui trình ép rác còn Hưng Đông chỉ đổ thô).


Một vấn đề khác không kém phần quan trọng đó chính là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng. Để thay đổi nhận thức, ý thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường thì cần phải có chế tài đủ mạnh để biến nhận thức thành ý thức hành động. Một chế tài xử phạt đánh vào kinh tế người dân khi xả rác bừa bãi ra môi trường mạnh như đối với những trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chắc chắn sẽ có kết quả tốt.

Nguồn nhân lực để đảm đương việc này có thể giao cho công an cấp xã, phường. Họ sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ môi trường từ đường làng, đến ngõ phố nhỏ và được giao chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Kinh tế phát triển, sức tiêu dùng của người dân ngày càng lớn kéo theo tình trạng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều.

Vì vậy, không chỉ các hộ dân cư, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần chấp hành tốt các quy định về giờ giấc và nơi đổ rác mà các ngành chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra xử lý các đơn vị thi công công trình gây ô nhiễm môi trường để góp phần làm giảm thời gian vệ sinh môi trường cho các vệ sinh viên.


Bên cạnh đó, để giải bài toán rác thải sinh hoạt, chính quyền Thành phố Vinh cũng có thể tham khảo áp dụng biện pháp phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ rác thải, góp phần hạn chế lượng rác tuồn ra môi trường mà một số địa bàn trong nước đã áp dụng có kết quả.

Như ở thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) thay vì cho rác chung vào một túi nilon như trước đây, mỗi gia đình được cấp 2 thùng rác. Thùng màu xanh dùng để đựng các loại rác hữu cơ (thức ăn thừa, vỏ trái cây, bã trà...) được tận dụng sản xuất phân bón hữu cơ. Loại rác thải rắn như vỏ chai, lọ thủy tinh, sành sứ, túi ni lông, xỉ than, quần áo cũ... được cho vào thùng màu xám. Các loại rác khác như kim loại, giấy báo, bao bì..có thể tận dụng để bán hoặc nhân viên môi trường sẽ thu gom....

Ở Thành phố Vinh dù chưa có điều kiện cấp thùng rác gia đình nhưng nếu người dân chịu khó chia các loại rác vào các túi nilon khác nhau thì vẫn có thể thực hiện được việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn.

Đi đôi với công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị là việc nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong cộng đồng dân cư như mô hình ngõ phố văn minh ở các khối xóm, mô hình "3 không 3 sạch" của Hội phụ nữ, mô hình đoạn đường thanh niên tự quản, đoạn đường Xanh- Sạch- Đẹp của Thành đoàn Vinh. Bản thân công ty THHH một thành viên môi trường đô thị Nghệ An cũng đã có một số giải pháp trong thu gom rác thải, bảo vệ môi trường như phân công công nhân phụ trách từng tuyến đường cụ thể, đầu tư xe cuốn ép chở rác khối lượng 14 tấn, công suất gấp 3-4 lần loại xe Iffa trước đây.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người dân thì Thành phố Vinh đã lên đô thị loại 1 được 3 năm mà số lượng các thùng rác công cộng đặt trên các tuyến phố chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chỉ nằm trên các tuyến phố chính....Nếu có nhiều hơn những thùng rác công cộng đặt trên các đường phố thì sẽ hạn chế được tình trạng dân hất rác ra đường.

Ông Phạm Xuân Cang- Khối trưởng khối Tân Tiến phường Hưng Dũng (Tp.Vinh) kiến nghị : " Để tránh tình trạng rác ứ đọng trên các trục đường khối xóm vì không kịp thu gom hết trong một ngày, Công ty môi trường đô thị nên tăng cường xe đẩy cho các khối phố vì hiện nay số lượng rác thải nhiều mà mỗi khối phố chỉ có 1- 2 xe đẩy rác sẽ rất khó khăn cho vệ sinh viên trong quá trình làm việc. Ngoài những giải pháp nêu trên thì việc quan tâm hơn đến đời sống công nhân vệ sinh môi trường, có chế độ đãi ngộ hợp lý để họ yên tâm công tác.


Trở lại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên - Nghi Lộc, mới đây (ngày 14-2-2011) Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền cùng đại diện các sở: Tài Chính, Xây dựng, Kế hoạch& Đầu tư, Tài nguyên& Môi trường, UBND Thành phố Vinh đã có chuyến kiểm tra, thị sát thực trạng tại đây. Phó chủ tịch UBND tỉnh giao nhà thầu đến 30-5-2011 là thời gian ấn định cuối cùng phải hoàn thiện bàn giao dự án. Tuy nhiên, liệu nhà thầu có khả năng đảm bảo hoàn thiện, bàn giao công trình đúng tiến độ hay lời hứa vẫn chỉ là lời hứa?


Khánh Ly- Thanh Lê

Mới nhất
x
Cần những quyết sách đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO