Cần quản lý chặt dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật

21/09/2011 09:56

Huyện Yên Thành là vựa lúa của tỉnh, hàng năm bà con nông dân ở đây bỏ ra hàng tỷ đồng để mua thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Thế nhưng việc quản lý các điểm bán thuốc BVTV của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa chặt dẫn đến người nông dân lúng túng khi mua thuốc BVTV.

(Baonghean.vn). Huyện Yên Thành là vựa lúa của tỉnh, hàng năm bà con nông dân ở đây bỏ ra hàng tỷ đồng để mua thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Thế nhưng việc quản lý các điểm bán thuốc BVTV của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa chặt dẫn đến người nông dân lúng túng khi mua thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Trạm trưởng Trạm Vật tư BVTV huyện Yên Thành, khẳng định: "Hiện nay, nông dân ở đây đang phải đối diện với nhiều nguy cơ của thị trường thuốc BVTV. Việc sử dụng các loại thuốc không đúng quy cách, chủng loại sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mùa vụ, sức khoẻ và môi trường sống... Thuốc BVTV có hàng trăm chủng loại. Một người có chuyên môn như tôi khi cầm gói thuốc lên cũng phải đọc đi đọc lại mới biết được công dụng, còn người dân thì khó mà biết được?".

Chị Lê Thị Lan nông dân của xóm Minh Châu, xã Văn Thành, cho biết: Vụ hè thu năm nay, gia đình chị phải bỏ ra hơn 300 nghìn đồng mua thuốc BVTV để phun cho 5 sào lúa, nhưng hiệu quả không cao. Nhiều nông dân bức xúc: Bây giờ khó mà tin nổi địa chỉ nào bán thuốc BVTV đảm bảo chất lượng. Bởi vì cùng trên một địa bàn mà quá nhiều địa điểm bán thuốc. Khi bỏ tiền ra mua, người bán hàng giới thiệu nhiều loại thuốc mới, thậm chí tư vấn mua một lúc nhiều loại thuốc để phun kết hợp. Người nông dân chỉ biết mua, phun, còn hiệu quả thì không như lời "quảng cáo"

Mua thuốc BVTV người dân phải đọc kỹ công dụng và xuất xứ.


Theo ông Kỳ, trên địa bàn huyện Yên Thành có rất nhiều điểm bán các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Người bán không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, không đảm bảo môi sinh, môi trường nhưng vẫn tồn tại từ nhiều năm nay. Hiện nay toàn huyện Yên Thành có khoảng 30 người được cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV. Nhưng thực tế thì có tới khoảng 100 điểm bán thuốc BVTV. Như vậy, cứ đến nông vụ các điểm bán thuốc BVTV lại mọc lên như nấm sau mưa và thiếu bóng dáng của cơ quan quản lý. Điều bất cập là ngoài những người có chứng chỉ hành nghề thì tại một số địa phương, cán bộ ban nông nghiệp, khuyến nông, rồi cán bộ của Trạm Bảo vệ thực vật cũng làm dịch vụ cung ứng thuốc cho bà con. Như vậy, trước "loạn" dịch vụ thuốc BVTV đó, người nông dân sẽ rất khó lựa chọn.


Khi được hỏi trách nhiệm của đơn vị trước thực trạng trên, ông Kỳ chia sẻ: Giao ban hàng tháng tại UBND huyện, chúng tôi đã trực tiếp báo cáo tình hình, đến mỗi vụ đều có văn bản báo cáo cho phòng nông nghiệp, đơn vị chỉ có trách nhiệm cung ứng thuốc, còn trách nhiệm quản lý thuốc trên địa bàn thuộc về huyện.


Ông Nguyễn Tiến Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Yên Thành, cho rằng: Hàng năm theo sự chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan liên quân đều phối hợp các địa phương tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các điểm dịch vụ thuốc BVTV, nhưng sau đó những cá nhân buôn bán mặt hàng này lại lén lút hoạt động. Việc một số cán bộ của Trạm BVTV được giao phụ trách địa bàn mà "vận dụng" để cung ứng thuốc BVTV cho bà con, nếu xét về nguyên tắc là sai, nhưng nếu xét về trách nhiệm là chấp nhận được.

Vì trước một đám ruộng bị nhiễm sâu bệnh, thì bà con rất cần sự tư vấn tại chỗ của các cán bộ chuyên môn. Song không phải vì thế mà một số người lợi dụng để cung ứng những loại thuốc kém hiệu quả để lấy lãi. Nhiệm vụ của cán bộ Trạm BVTV là dự tính dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng để tham mưu cho huyện giải pháp phòng chống sâu bệnh. Hiện nay rất nhiều đơn vị cung ứng thuốc BVTV về tận cơ sở để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm thuốc BVTV mới, giá cả thấp. Bên cạnh đó tâm lý của người dân cũng một loại thuốc nhưng chỉ cần rẻ hơn 500 đồng là bà con tìm đến. Có một thực tế là cũng một loại thuốc đó, nhưng đơn vị sản xuất khác nhau, liều lượng không đảm bảo thì hiệu quả sẽ kém.


Tình trạng khó kiểm soát của thị trường thuốc BVTV không dừng lại ở một huyện, một địa phương mà trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương miền núi. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng lý do chính vẫn là yếu tố con người và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương. Phải chăng vì quá lỏng lẻo trong công tác quản lý thuốc BVTV mà dẫn đến bà con nông dân năm nào cũng mất hàng trăm nghìn, thậm chí tiền triệu để mua thuốc BVTV mà lúa vẫn mất mùa do sâu bệnh.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Cần quản lý chặt dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO