Cần quan tâm chế độ đãi ngộ cho các VĐV điền kinh
(Baonghean) - Là một trong những môn cơ bản của Olympic, được ví là môn thể thao “nữ hoàng” và cũng từng có những VĐV đỉnh cao quốc gia, nhưng thời gian qua, thành tích của điền kinh Nghệ An đang có dấu hiệu đi xuống do những khó khăn về chế độ đãi ngộ và tuyển chọn VĐV?
Nhắc đến điền kinh Nghệ An, giới chuyên môn nghĩ ngay đến Trần Thị Soa – VĐV thuộc sự quản lý của ngành thể thao đầu tiên và duy nhất đến nay tham dự Olympic. Cuối những năm 1970, Trần Thị Soa từng liên tiếp vô địch quốc gia và trở thành “nữ hoàng điền kinh” của Việt Nam lúc bấy giờ. Chị đã 2 lần đứng đầu danh sách 10 vận động viên tiêu biểu trong các năm 1978, 1979, là đại diện Việt Nam tham gia Giải Điền kinh thanh niên, sinh viên toàn thế giới được tổ chức tại Cuba vào năm 1979 và đỉnh cao là đại diện cho Việt Nam tham dự Olympic Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ) vào năm 1980. Sau Trần Thị Soa, từ năm 2000 – 2010, điền kinh Nghệ An từng có những VĐV ở đỉnh cao quốc gia như Nguyễn Thanh Hải (chạy cự ly ngắn), Ngô Đăng Quang (đẩy tạ), Ngô Xuân Dũng (đi bộ)…
Các VĐV điền kinh Nghệ An tập luyện |
Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, thành tích của điền kinh Nghệ An có xu hướng đi xuống. Những năm qua, quân số của đội tuyển điền kinh Nghệ An là từ 34 – 37 VĐV, trong đó có khoảng 20 VĐV thuộc lứa trẻ, chia thành 4 tổ chuyên môn là chạy cự ly ngắn nữ, chạy cự ly ngắn nam, chạy cự ly trung bình và đi bộ. Mấy năm trở lại đây, các VĐV điền kinh Nghệ An chỉ đoạt HCV ở các giải trẻ quốc gia (Giải Vô địch các lứa tuổi trẻ và Giải vô địch trẻ) và liên tiếp trong các năm 2009 đến nay đều có VĐV đoạt HCV, HCB tại các Giải Vô địch học sinh Đông Nam Á (năm 2013 giành 3 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ khi giải này được tổ chức tại Hà Nội).
Thế nhưng, khi tham dự Giải điền kinh Vô địch quốc gia - giải đấu lớn nhất trong năm, các VĐV điền kinh Nghệ An đều thi đấu không thành công. Như ở Giải Vô địch quốc gia năm 2013, các VĐV điền kinh Nghệ An chỉ giành được 1 HCB, 1 HCĐ. Kể từ năm 2009 đến nay, điền kinh Nghệ An không đóng góp một gương mặt nào cho đội tuyển quốc gia để tham dự các giải đấu lớn như ASIAD, SEA Games hay các giải điền kinh quốc tế… Ngay cả thành tích của đội tuyển điền kinh trẻ cũng có xu hướng đi xuống. Năm 2013 các VĐV Nghệ An chỉ giành 1 HCV ở Giải Vô địch trẻ, 2 HCV ở Giải Vô địch các lứa tuổi, trong khi năm 2012 giành 2 HCV ở Giải Vô địch trẻ, 5 HCV ở Giải Vô địch các lứa tuổi trẻ.
Lý giải cho thành tích đi xuống của điền kinh Nghệ An trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Bằng - Trưởng bộ môn Điền kinh thuộc Trung tâm Huấn luyện và thể thao tỉnh cho rằng, nguyên nhân trước hết vẫn là ở chế độ đãi ngộ. So với các môn võ thuật hay các môn bóng, VĐV điền kinh gặp khó khăn hơn rất nhiều để tìm được việc làm sau khi giải nghệ, trong khi ngành thể dục thể thao cũng chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Như trường hợp “nữ hoàng điền kinh” một thời Trần Thị Soa, dù đã vang danh ở đấu trường trong nước lẫn quốc tế với rất nhiều danh hiệu nhưng sau khi giải nghệ, chị không còn được các nhà quản lý thể thao ngó ngàng đến và phải an phận với công việc cắt cỏ, trông xe ở SVĐ Vinh.
Bên cạnh đó, điền kinh là môn trong quá trình tập luyện tiêu hao rất nhiều thể lực nhưng hiện nay chế độ hỗ trợ cho các VĐV điền kinh vẫn còn thấp so với các trung tâm thể thao khác trong cả nước. Cũng vì chế độ hỗ trợ thấp mà năm 2010, điền kinh Nghệ An mất đi một tài năng khi VĐV Ngô Xuân Dũng, người từng phá kỷ lục quốc gia 3 năm liên tiếp (từ 2007 – 2009) ở môn đi bộ 20km đã bất ngờ giải nghệ để tìm kiếm công việc khác. Theo HLV Bằng, nhìn vào những trường hợp đàn chị, đàn anh như Trần Thị Soa, Ngô Xuân Dũng, có lẽ rất ít có VĐV điền kinh Nghệ An nào dám dành trọn tâm huyết, sức lực của mình để theo đuổi nghiệp thể thao.
Còn HLV Nguyễn Thanh Hải – người đang giữ kỷ lục quốc gia ở đường chạy 200m với thành tích 21 giây 67 tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002 tâm sự: “Như tôi là người may mắn được theo học Đại học, rồi trở thành HLV của đội, còn nhiều VĐV điền kinh cùng lứa với tôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do không tìm được việc làm phù hợp. Cũng vì chế độ đãi ngộ cho VĐV điền kinh còn thấp nên trong quá trình tuyển chọn VĐV trẻ, dù đã gặp được nhiều em có tố chất ở các cự ly chạy ngắn và trung bình nhưng tôi đã không thể thuyết phục gia đình để các em trở thành những VĐV điền kinh chuyên nghiệp”.
Năm 2014, cùng với các giải trẻ và giải Đông Nam Á mở rộng, điền kinh Nghệ An có một sân chơi quan trọng là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII được tổ chức tại Nam Định. Hiện nay, điền kinh Nghệ An đang sở hữu một số gương mặt trẻ tài năng mà điển hình là VĐV đi bộ Lương Thị Nhất. Cô gái 18 tuổi đến từ huyện Quế Phong này là một trong số những vận động viên trẻ xuất sắc mang về nhiều thành tích cho đội điền kinh trẻ Nghệ An khi 3 năm liền giành HCV nội dung đi bộ 3.000 m tại Giải Vô địch quốc gia các lứa tuổi trẻ 3 từ 2011 – 2013, HCV Giải Vô địch trẻ quốc gia năm 2013. Được gọi vào đội tuyển quốc gia đi thi đấu giải thể thao học sinh Đông Nam Á năm 2012, 2013, Nhất cũng mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 2 HCV, 2 HCB ở nội dung đi bộ cự ly trung bình. Ngoài Lương Thị Nhất, Mai Sỹ Việt (400m vượt rào), Hoàng Thị Hiền (400m tiếp sức), cũng là những VĐV triển vọng khi tuổi đời đều rất trẻ (17 – 19 tuổi) và trong năm 2013 đều giành HCV ở các giải trẻ quốc gia và giải thể thao học sinh Đông Nam Á.
Tuy vậy, để các VĐV trẻ trên tận tâm cống hiến cho thể thao tỉnh nhà, phát huy tốt nhất khả năng của mình, ngành thể thao cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ cho các VĐV, bao gồm hỗ trợ kinh phí tập luyện, bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe, chế độ khen thưởng. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Sở GD và ĐT tiến tới tuyển dụng các cựu VĐV điền kinh làm công tác giáo dục thể chất cho học sinh, giúp các VĐV điền kinh ổn định đời sống, cống hiến tâm huyết cho thể thao tỉnh nhà và có thể trở thành những VĐV đỉnh cao ở cấp quốc gia như trước đây.
Minh Quân