Cần quan tâm công tác xếp hạng di tích

16/04/2014 14:23

(Baonghean) - Việc lập hồ sơ xếp hạng di tích tạo ra cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, công việc này tiến độ chậm, có thể dẫn đến việc mất di tích.

Yên Thành là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn nhất tỉnh. Theo số liệu khảo sát năm 2010, trên địa bàn huyện có trên 200 di tích, trong đó 192 di tích đã được phân cấp quản lý; 47 di tích đã được xếp hạng (20 cấp quốc gia và 27 cấp tỉnh). Các di tích trên địa bàn huyện có mật độ phân bố đậm đặc, gồm nhiều loại hình và nhiều di tích đang được bảo tồn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, tiến độ xếp hạng di tích chậm (năm 2013 Yên Thành có 8 di tích được xếp hạng), một số di tích bị xuống cấp. Nếu không chú trọng bảo vệ di tích, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ xếp hạng thì trong thời gian không xa, huyện sẽ mất nhiều di tích. Thực trạng di tích chậm được xếp hạng và đứng trước nguy cơ xuống cấp, bị hủy hoại và sai lệch, biến dạng hiện đang phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm kê năm 2011 cho thấy Nghệ An có 1.395 di tích, đã xếp hạng 135 di tích quốc gia, 156 di tích cấp tỉnh; tỉ lệ di tích đã được xếp hạng mới đạt khoảng 20%. Năm 2013, toàn tỉnh có 32 di tích được xếp hạng (5 di tích quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh). Với tốc độ như thế, nguy cơ mất di tích là rất lớn.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Nguyễn Thị Phương, trưởng phòng Nghiên cứu - Tuyên truyền BQL Di tích Danh thắng tỉnh (DTDT), là do ý thức, nhận thức của một bộ phận cán bộ địa phương, cán bộ văn hóa về trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn còn hạn chế. Một số cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm đến di sản văn hóa nên bỏ sót di tích trong khâu kiểm kê, không tích cực tham mưu lập hồ sơ xếp hạng di tích cũng như các giải pháp bảo vệ di tích. Có những di tích được thông báo chuẩn bị lập hồ sơ xếp hạng, nhưng khi cán bộ xuống kiểm tra thì di tích đã được “mới hóa” toàn bộ, không còn giá trị. Một số nơi để cho tình trạng lấn chiếm di tích diễn ra công khai, thậm chí cấp dự án lên trên vùng di tích đã được khoanh vùng bảo vệ. Thứ hai, là do thiếu kinh phí. Từ trước đến nay, Nhà nước không có nguồn kinh phí lập hồ sơ xếp hạng di tích; các địa phương, dòng họ, cộng đồng phải lo khoản kinh phí này (khoảng vài chục triệu đồng/di tích). Vì vậy, dẫn đến hiện tượng nhiều di tích nhà thờ họ được công nhận hơn so với di tích cộng đồng (năm 2013 tỉ lệ này là 50/50). Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản thông báo chủ trương hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ di tích với mức tối đa 15 triệu đồng/di tích sẽ giải quyết được cơ bản khó khăn về mặt kinh phí. Tuy nhiên, đến nay, văn bản này chưa được triển khai thực hiện.

Về chất lượng hồ sơ, BQL DTDT cho biết thời gian hoàn thiện một hồ sơ khoảng từ 3 - 6 tháng, do một cán bộ của Ban đảm nhận. Cán bộ này có nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu hồ sơ, tư liệu, tham khảo ý kiến của nhân dân địa phương để hoàn thiện hồ sơ theo qui định. Hiện nay, BQL DTDT có cán bộ thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, đảm nhận được bản vẽ kỹ thuật. Từ trước đến nay, các hồ sơ được thông qua cơ bản đáp ứng yêu cầu, hầu như không có hiện tượng phản ánh, khiếu nại về nội dung sau khi được công nhận. Tuy nhiên, hiện BQL DTDT chưa có cán bộ có trình độ chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm, có uy tín khoa học. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, cán bộ của Ban cũng chưa có điều kiện tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ và được công nhận di tích, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích được giao lại cho địa phương, cơ quan chức năng hầu như không tiến hành kiểm tra, xem xét lại sau một quá trình nhất định. Hầu như không có các dự án/chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích sau khi xếp hạng được triển khai. Một số địa phương, dòng họ coi việc di tích được công nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Từ những bất cập nói trên, thiết nghĩ ngành văn hóa và các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá lại những biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn, phát huy những mặt tích cực, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém. Hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ tàn phá của thiên nhiên, thời gian và của cả con người, vì vậy nếu không nhanh chóng có những giải pháp hữu hiệu, chúng ta sẽ mất di tích, những di sản vô giá mà cha ông đã xây dựng trong hàng trăm năm qua.

Trần Quang Đại

Mới nhất
x
Cần quan tâm công tác xếp hạng di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO