Cần quan tâm xây dựng các doanh nghiệp đầu tàu

08/06/2012 19:07

(Baonghean.vn) - Từ khi Luật doanh nghiệp (2005) ra đời, cùng với sự cải cách môi trường kinh doanh... tỉnh Nghệ An đã tạo được động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phát triển, nên thời gian qua số lượng và quy mô doanh nghiệp trong tỉnh phát triển khá nhanh, là một trong những tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên Hải Miền Trung.

Thời gian qua, Nghệ An thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của các doanh nghiệp và bằng cơ chế, chính sách thông thoáng, khuyến khích, hỗ trợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Điều này được chứng minh là giai đoạn 2006 – 2010 tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp là gần 31%/năm. Năm 2011 có 1.325 doanh nhgiệp thành lập mới và từ đầu năm 2012 đến nay, có thêm hàng trăm doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Những con số đó đóng góp nên số lượng doanh nghiệp của cả tỉnh hiện nay là hơn 10.316 DN, trong đó Công ty cổ phần là 3.140 DN (chiếm 30,4%); Công ty TNHH 2 thành viên trở lên 2.286 DN; Công ty TNHH 1 thành viên 1.554 DN; Doanh nghiệp tư nhân 2.749.

Sự phát triển nhanh của khối doanh nghiệp đã tạo được nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho nhà nước và góp phần tạo nên tính năng động, hiệu quả của nền kinh tế, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp ở Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, đó là sản xuất kinh doanh doanh nhỏ lẻ, ý tưởng kinh doanh nghèo nàn, sản phẩm đơn điệu, thiếu sáng tạo, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý non kém, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và mặt bằng sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu sự liên kết doanh nghiệp... Điều này cho thấy khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ phát triển nhanh về số lượng, nhưng lại thiếu những doanh nghiệp đầu tàu.



Sản xuất oxy tại Nhà máy oxy nitơ Vinh

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay, là phần lớn các doanh nghiệp mới thành lập từ đầu năm 2012 đến nay đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có vốn đăng ký bình quân 3,93 tỷ đồng (trong đó có 52,15% doanh nghiệp siêu nhỏ và 47.85% doanh nghiệp nhỏ). Vớinhững hạn chế đó, trong điều kiện khó khăn do giá cả thị trường không ổn định, yếu tố đầu vào tăng cao, thời tiết không thuận lợi, lãi suất ngân hàng tuygiảm dần nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận được, đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục việc thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11-CP, đã làm cho khối doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Và một điều có thể thấy được trước, là các doanh nghiệp nếu như không mạnh dạn đổi mới cách quản lý, phương thức hoạt động của doanh nghiệp thì chắc chắn không ít doanh nghiệp khó tồn tại. Và điều này đã được chứng minh bằng thực tế là hiện nay có 3.802 doanh nghiệp đã giải thể, đóng mã số thuế và 946 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh.

Mặc dù khối doanh nghiệp hoạt động khá đa dạng, nhiều lĩnh vực, ngành nghề nhưng đầu tư không đồng đều. Lĩnh vực thu hút các doanh nghiệp đầu tư ở tỉnh là hoạt động thương mại, dịch vụ và hiện chiếm tỷ lệ 38,66% doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này. Tiếp đến là lĩnh vực xây dựng và tư vấn xây dựng chiếm tỷ lệ 33,48%, công nghiệp, khai thác, chế biến là 14,62%, tài chính, tín dụng 1,94%...

Rõ ràng, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cùng với việc khuyến khích phát triển số lượng các doanh nghiệp, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng doanh nghiệp. Và để có được nhiều doanh nghiệp mạnh, ngoài sự nỗ lực của chính từ doanh nghiệp đó, thì các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại và nhất là bồi dưỡng, đạo tạo đội ngũ doanh nhân có năng lực, trình độ... Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng mô hình doanh nghiệp đầu tàu để thông qua đó nhân rộng điển hình./.


Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Cần quan tâm xây dựng các doanh nghiệp đầu tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO