Cần sớm có lời giải

15/04/2013 22:45

(Baonghean) - Là huyện đồng bằng, giáp Thành phố Vinh, có lợi thế để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, trồng rau màu hàng hoá... thế nhưng trên thực tế, phần lớn những người trong độ tuổi lao động ở Hưng Nguyên lại đang thiếu việc làm...

Nằm ven sông Lam, xã Hưng Long có diện tích canh tác màu mỡ gần 500 ha, trong đó có 30 ha trồng rau màu các loại, 25,2 ha nuôi trồng thuỷ sản...; nhiều xóm có nghề mộc, mây tre đan, thợ xây, thế nhưng nguồn thu lớn nhất ở Hưng Long hiện nay là tiền của lao động đi xuất khẩu nước ngoài gửi về, trong đó, phần lớn là đi xuất khẩu lao động “chui” ở Ăng-gô-la! Ông Võ Hồng Sơn-Chủ tịch UBND xã cho biết: Hưng Long có 3.600 người trong độ tuổi lao động, nhưng số lao động được đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 10% (chủ yếu nghề nông). Hiện phần lớn thanh niên khoẻ mạnh đều đi tìm việc làm ở ngoài huyện. Người thì đi xuất khẩu lao động, người vào Nam hoặc xuống Vinh làm thuê. Ở nhà bây giờ chủ yếu là người già và trẻ em.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả xã Hưng Long hiện có khoảng 1.000 người đi lao động ở trong và ngoài tỉnh, trong đó có gần 400 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là ở Ăng-gô-la. Ngay như ông chủ tịch xã cũng có 2 con đẻ và 1 con rể đang lao động ở Ăng-gô-la. Ở Hưng Long bây giờ có những làng được gọi là “làng Ăng-gô-la” như xóm 10, 11A, 11B.

Khi chúng tôi ngỏ ý đến thăm một “gia đình Ăng-gô-la”, cán bộ phụ trách công tác lao động xã dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Quốc Khánh (xóm 11A). Ông Khánh có 3 người con thì cả 3 sang làm việc tại Ăng-gô-la từ gần chục năm nay. Lúc chúng tôi đến nhà, chỉ còn ông bà và đứa cháu nội ở nhà. Ông Khánh cho biết: Con đi làm ăn xa ở nhà cũng nóng ruột. Vẫn biết con cái đi làm ăn bên đó là vất vả, nguy hiểm, nhưng giờ nếu quay trở về quê thì không có việc mà làm. Tại xóm 11A, ngoài 3 người con ruột ra thì anh em họ hàng nhà ông Khánh cũng có gần 50 người cũng đang lao động tại Ăng-gô-la theo con đường “xuất khẩu chui”, chi phí cho mỗi suất “xuất khẩu” sang Ăng-gô-la khoảng 5.000 USD/người, chủ yếu là do quen biết và bảo lãnh cho nhau đi.



Xã Hưng Long có khoảng 40 thuyền làm nghề khai thác,
buôn bán cát sỏi ven sông Lam.

Theo Chủ tịch xã Hưng Long thì: Mặc dù biết thị trường lao động ở Ăng-gô-la chưa được Bộ LĐ-TB&XH ký kết hợp tác, các lao động sang làm việc ở đây theo hình thức đi du lịch rồi ở lại “làm chui”, nhưng để tạo điều kiện cho con em có việc làm, xã vẫn cho những người xuất khẩu lao động “chui” vay tiền ở Quỹ tín dụng!

Tại xóm 7B, xã Hưng Long, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thuận, cả 3 người con của bà hiện đều đang vắng nhà, 2 người thì vào Đắc Lắc làm rẫy thuê, một người thì theo thanh niên trong xóm xuống TP Vinh làm thợ sơn. Bà Thuận cho biết: “Ở nhà không có việc, con cái phải đi làm ăn xa, có đứa cả năm rồi cũng chưa về, giờ chỉ có 2 bà cháu ở nhà. Trong xóm ai có sức khoẻ cũng đều đi làm thuê mà kiếm ăn cả chứ ở nhà không có việc chi cả”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hồng Sơn nói: Chúng tôi cũng trăn trở để tìm ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, nhưng chưa tìm ra được giải pháp nào. Những nghề như mộc, mây tre đan thì chưa tìm được đầu ra, trồng rau hàng hoá thì cũng mới triển khai nhưng còn manh mún. Chỉ hy vọng xây dựng được làng nghề tạo vùng trồng rau sạch để cung cấp cho TP. Vinh.

Không riêng gì xã Hưng Long, hiện trên 65.000 người trong độ tuổi lao động ở 23 xã và thị trấn ở huyện Hưng Nguyên cũng đang gặp khó khăn khi tìm việc làm.

Ông Phạm Quốc Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận: Hiện lao động ở Hưng Nguyên chủ yếu đi làm ăn xa bằng nghề lao động phổ thông. Việc dạy nghề ở huyện cũng chưa được mấy, làng nghề thì chưa quy tụ. Huyện đã có nhiều dự án đào tạo, phát triển làng nghề nhưng không phát huy được, do không tìm được đầu ra nên cứ mai một dần. Ông Việt cũng cho rằng các giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Hưng Nguyên “vẫn đang hô hào là chính”!

Còn bà Nguyễn Thị Hồng-Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hưng Nguyên cho biết: Lực lượng lao động ở Hưng Nguyên nhiều, nhưng ruộng thì ít, đất để làm công nghiệp cũng không có nên không mở được các nhà máy để tạo công ăn việc làm cho người lao động (?). Hiện công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Hưng Nguyên đang nặng về xuất khẩu lao động.

Trong năm 2012, huyện có 1.150 người đi xuất khẩu lao động và 1.080 người đi lao động ở các địa phương trong nước. Ước tính toàn huyện có trên 3.500 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Hưng Xá, Hưng Long là 2 xã có số người đi lao động xuất khẩu “chui” ở Ăng-gô-la khá đông! Mặc dù biết đi lao động bất hợp pháp là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng do có thu nhập nên người dân vẫn cứ đi. Theo bà Hồng thì giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn ở Hưng Nguyên hiện nay vẫn còn đang bế tắc.

Thiết nghĩ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Hưng Nguyên đang là vấn đề bức thiết, nhưng cũng không phải chuyện một sớm một chiều mà là vấn đề lâu dài, cần sự vào cuộc của các cấp các ngành, đặc biệt là lãnh đạo huyện Hưng Nguyên và các xã. Hưng Nguyên cần xác định thế mạnh của mình để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp (trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp), chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng, hiệu quả và mang tính cạnh tranh cao.

Từng xã phải chọn và xây dựng được mô hình sản xuất có hiệu quả để người dân tham gia và chủ động nhân rộng các mô hình đó tại địa phương mình; đưa nhanh tiến bộ khoa học– kỹ thuật, kể cả công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông- khuyến lâm và khuyến ngư; thực hiện đồng bộ, liên hoàn cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với sản phẩm nông ngư nghiệp.

Trong sản xuất phải chọn ra những khâu cần thiết để cơ giới hóa; gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với thị trường và dịch vụ du lịch, lựa chọn phát triển ngành nghề thế mạnh của từng xã. Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải hết sức cụ thể, thiết thực gắn với sử dụng sau đào tạo để hình thành các làng nghề, vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình chăn nuôi tập trung, trồng rau sạch… nhằm thu hút, tạo việc làm mới cho lao động có thu nhập ổn định ngay trên chính mảnh đất của mình, chứ không nên “khoán trắng” cho người dân mạnh ai người ấy tự tìm việc làm như hiện nay.


Đức Dũng

Mới nhất
x
Cần sớm có lời giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO