Cần sớm giải quyết dứt điểm
Đã hơn 4 năm trôi qua, từ ngày UBND huyện Quỳ Châu ban hành 2 quyết định thu hồi và huỷ bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của 18 trường hợp cấp sai đối tượng tại khu rừng Khe Bấn (thuộc xã Châu Hội và Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP. Nhưng cho đến nay, người dân tại 2 xã trên vẫn chưa được chính quyền giao đất lâm nghiệp để ổn định trồng rừng, phát triển kinh tế. Việc giải quyết không dứt điểm của UBND huyện Quỳ Châu đã gây ra không ít khó khăn cho đời sống của người nông dân.
(Baonghean) - Đã hơn 4 năm trôi qua, từ ngày UBND huyện Quỳ Châu ban hành 2 quyết định thu hồi và huỷ bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của 18 trường hợp cấp sai đối tượng tại khu rừng Khe Bấn (thuộc xã Châu Hội và Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP. Nhưng cho đến nay, người dân tại 2 xã trên vẫn chưa được chính quyền giao đất lâm nghiệp để ổn định trồng rừng, phát triển kinh tế. Việc giải quyết không dứt điểm của UBND huyện Quỳ Châu đã gây ra không ít khó khăn cho đời sống của người nông dân.
Mỏi mòn chờ được giao đất
Vào năm 2005, báo chí đã lên tiếng phản ánh về sai phạm của UBND huyện Quỳ Châu trong quá trình giao đất, giao rừng tại khu vực rừng Khe Bấn (thuộc xã Châu Hội và Châu Hạnh) theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP. Ngày 17/7/2006, UBND tỉnh lập đoàn thanh tra về việc giao đất, giao rừng tại huyện Quỳ Châu. Ngày 23/3/2007, UBND tỉnh có kết luận về vấn đề trên. Theo bản kết luận, UBND huyện Quỳ Châu đã giao đất, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp cho 18 hộ phi nông nghiệp, không cư trú tại địa phương (hầu hết là cán bộ lãnh đạo huyện lúc bấy giờ và có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Quỳ Châu, nay là Thị trấn Tân Lạc). Đây là những gia đình, cá nhân không thuộc diện được giao đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quỳ Châu tiến hành thu hồi 18 lô đất trên và đưa vào quỹ đất lâm nghiệp để giao cho các hộ dân, cá nhân có nhu cầu hoặc cho thuê, đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện và UBND các xã liên quan chịu trách nhiệm về những hậu quả kinh tế phát sinh.
Ngày 29/6/2007, UBND huyện Quỳ Châu đã ban hành 2 quyết định số 597 và 598/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và huỷ Giấy chứng nhận QSDĐ của 18 trường hợp trên. Quyết định nêu rõ: Thu hồi 473.207m2 đất và huỷ bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ của 10 hộ gia đình, cá nhân được giao đất rừng tại xã Châu Hạnh; Thu hồi 995.661m2 đất và huỷ Giấy chứng nhận QSDĐ của 8 gia đình, cá nhân tại xã Châu Hội. Đồng thời, giao cho UBND xã Châu Hạnh và Châu Hội quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thu hồi, thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật. Tiến hành lập phương án giao đất, cho thuê đất đối với các gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khu rừng Khe Bấn (thuộc xã Châu Hội và Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu).
Tuy nhiên, kể từ ngày ban hành 2 quyết định trên cho đến nay đã hơn 4 năm, diện tích đất rừng của 18 trường hợp trên vẫn chưa được thu hồi. Còn những người dân có nhu cầu và đủ điều kiện nhận đất thì vẫn phải tiếp tục... chờ. Ông Trần Nguyên Hồng, Phó bản Hạnh Tiến (xã Châu Hạnh), cho biết: "Chúng tôi đã chờ hơn 4 năm nhưng vẫn chưa được chính quyền giao đất. Cả bản có 114 hộ dân (trong đó có hơn 50 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo) sống chủ yếu dựa vào rừng vì diện tích đất nông nghiệp quá ít. Dân không có đất rừng để canh tác, sản xuất nên đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn".
Một số người ở khu vực đó tự ý vào rừng xâm canh, gây ra tình trạng tranh giành đất tại khu vực rừng Khe Bấn. Người dân cho rằng, một số chủ rừng đã dùng chiêu bài "đánh bùn sang ao", trên danh nghĩa là giao đất cho người khác sử dụng, từ đó một chu kỳ trồng rừng mới lại bắt đầu, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Trần Văn Quyết (75 tuổi, bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh), nói: "Chúng tôi đã kêu gần chục năm nay rồi nhưng đến nay vẫn chưa được gì cả. Người nông dân nghèo có nhu cầu thì không có đất để trồng rừng, trong khi đó một số cá nhân khác không thuộc diện thì lại ung dung tiếp tục trồng rừng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh thừa nhận việc người dân tại xã Châu Hạnh vẫn chưa được giao đất rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ tại khu vực rừng Khe Bấn là đúng sự thật. Nguyên nhân mà ông Thiết cho biết là do chưa có tiền đền bù số tài sản trên đất nên chưa thể thu hồi diện tích đất của các chủ rừng trên. Vì thế, cho đến nay các chủ rừng này vẫn tiếp tục chăm sóc, thu hoạch trên diện tích đất của mình mặc dù đã có quyết định thu hồi.
Cần giải quyết dứt điểm
Trao đổi với Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu, ông Lang Văn Chiến cho biết: Đây là hậu quả của sai phạm từ nhiều năm về trước nên bây giờ huyện đang cố gắng tiếp tục khắc phục. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo UBND huyện cố gắng giải quyết dứt điểm vấn đề trên và sớm tiến hành giao đất cho dân sản xuất vì đây là nguyện vọng chính đáng của người dân.
Lý giải về nguyên nhân vì sao cho đến nay huyện chưa tiến hành thu hồi số đất cấp sai đối tượng để giao cho người dân theo Nghị định 163, ông Ngô Đức Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết: "Khi đó, mặc dù có quyết định thu hồi nhưng vào thời điểm ban hành quyết định thì trên diện tích đó các hộ dân đã bỏ vốn ra chăm sóc, sản xuất, nuôi trồng và tái tạo nên việc thu hồi và đền bù là huyện không đủ kinh phí. Vì vậy, cách giải quyết là phải đợi khi nào số diện tích này thu hoạch, các hộ dân bàn giao lại đất khi đó mới cấp được".
Ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) thừa nhận việc người dân chưa được giao đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP tại khu rừng Khe Bấn.
Điều người dân thắc mắc, đến khi nào thì các chủ rừng này thu hoạch xong và bàn giao mặt bằng cho huyện. Trả lời câu hỏi này, ông Thuận cho biết có thể phải 4 - 5 năm nữa, toàn bộ diện tích giao cho 18 chủ rừng này mới được thu hồi toàn bộ. Ông Thuận lý giải: Hầu hết, số diện tích đất rừng tại Khe Bấn được các chủ rừng trồng cây keo làm nguyên liệu giấy. Do đất tại khu vực rừng Khe Bấn là đất cằn cỗi, nghèo nàn nên để cây keo đủ tuổi thu hoạch có thể đến 10 năm. Nhưng hiện tại, hầu hết số keo mới trồng được chừng 5 - 6 năm. Đây là khoảng thời gian quá dài đối với người nông dân. Nó ảnh hưởng và gây ra không ít khó khăn cho đời sống của họ khi không có đất canh tác, sản xuất.
Trong khi huyện chưa tiến hành thu hồi đất thì một số chủ rừng sau khi thu hoạch một phần diện tích đã tiếp tục trồng thêm lứa keo mới, một số hộ khác thì chuyển sang trồng sắn. Khi chúng tôi hỏi trách nhiệm của xã trong việc quản lý số diện tích đã thu hoạch xong, ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết: Xã rất khó quản lý vì "đây là vấn đề tế nhị và đều là đất của các cán bộ lãnh đạo cũ của huyện". Như vậy, việc quản lý số diện tích đất đã được thu hoạch không được xã Châu Hạnh quản lý chặt chẽ, UBND huyện thiếu ý kiến chỉ đạo, đôn đốc. Mãi cho đến ngày 10/8/2011, UBND huyện Quỳ Châu mới ra Thông báo số 88/TB-UBND cấm các chủ rừng sau khi thu hoạch rừng trồng không được triển khai phát dọn thực bì và trồng mới. Một số hộ dựa vào kẽ hở này đã tiếp tục trồng thêm lứa mới và thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến đâu là điều huyện không nắm được.
Như vậy, nguyện vọng chính đáng của người dân là được chính quyền giao đất lâm nghiệp để ổn định canh tác, sản xuất cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hiện tại, đất vẫn đang ở trong tay các chủ rừng "bất hợp pháp", còn người nông dân, những đối tượng đủ điều kiện giao đất thì phải mỏi mòn chờ đợi. Thiết nghĩ, UBND huyện Quỳ Châu cần quyết liệt hơn trong việc thu hồi số đất nói trên và tiến hành giao đất cho những người nông dân đủ điều kiện để họ có thêm nguồn thu nhập từ rừng, sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. UBND tỉnh và các ban ngành liên quan cần vào cuộc kịp thời để kiểm tra, chỉ đạo để sớm giải quyết dứt điểm, tránh kéo dài sự việc gây bất bình, mâu thuẫn trong nhân dân.
Phạm Bằng