Cần sự cải tổ

23/12/2013 19:49

(Baonghean) - Ngẫm kỹ, thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua lỗi này đâu chỉ thuộc về riêng các em mà nó là cả một hệ thống từ cấp thượng tầng.

1. Từ năm 2001, sau 5 kỳ SEA Games, đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên phải nói lời chia tay ngay sau khi vòng đấu bảng kết thúc. Một sự thật quá phũ phàng khi các tuyển thủ U23 một lần nữa không thể hoàn thành giấc mộng đổi màu huy chương của bóng đá Việt Nam tại đấu trường khu vực. Sau khi thất bại, nhiều cầu thủ đã đổ gục xuống sân. Còn trên khán đài, các cổ động viên đã chế giễu các em bằng chiếc băng rôn đỏ chói với dòng chữ: “Chuyển xem các chị em và chờ các thằng em U19”. Còn cư dân mạng, thay vì tiếc cho thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc, họ đã liên tục chế ảnh “đá xoáy” U.23 Việt Nam, thậm chí còn có bản nhạc chế “Bán kết xa dần” để mỉa mai U.23 gây sốt trên mạng.

Ngẫm kỹ, thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua lỗi này đâu chỉ thuộc về riêng các em mà nó là cả một hệ thống từ cấp thượng tầng.

Tất cả đều biết, “triều đại” của HLV Hoàng Văn Phúc được hình thành một cách bất bình thường, khi mà VFF bất ngờ sa thải HLV Phan Thanh Hùng nhưng chưa chuẩn bị các phương án thay thế tốt nhất. Trong tình cảnh các HLV nội có tên tuổi khác đều từ chối ngồi vào nghề “nóng”, “cờ bí dí tốt”, lãnh đạo VFF đã bất đắc dĩ phải chọn ông Phúc vào cương vị HLV trưởng ĐTVN và U23 VN trong vòng 2 năm. Không được xem là có chuyên môn tốt nhất trong hàng ngũ HLV nội nhưng ông Phúc lại được VFF đánh giá cao ở khả năng “sẵn sàng nhảy vào lửa” và… dễ bảo. Ngay từ vạch xuất phát, các cầu thủ đã không được lấy đà một cách tốt nhất khi không được được dìu dắt bởi một người thầy giỏi thì làm gì có chuyện về đích thành công!

2.Mỗi khi các đội tuyển nam bại trận thì y như rằng dư luận luôn chỉ trích: “Nam mà đá bóng không bằng nữ!”. Cũng dễ hiểu việc người hâm mộ bất bình khi các nam cầu thủ nhận lót tay tiền tỷ, lương vài ba chục triệu đồng mỗi tháng mà cứ chỉ quanh quẩn ở “ao làng” và không những thế, thành tích cứ tụt dần ở SEA Games hay AFF Cup. Trong khi đó, bóng đá nữ Việt Nam khổ mọi bề, từ điều kiện vật chất đến sự quan tâm của dư luận, mỗi cầu thủ nữ chỉ nhận lương trung bình 1-2 triệu đồng/tháng nhưng đang tràn trề hy vọng được tham dự World Cup.

Nhưng, mọi so sánh đều khập khiễng. Không chỉ Việt Nam, các quốc gia có nền bóng đá nữ phát triển cũng đau đáu bài toán phát triển bóng đá nữ, sao cho các cô gái không quá thiệt thòi với nam cầu thủ. Ngay cả như Nhật Bản các cầu thủ nữ vẫn còn phân biệt đối xử lớn về mức đầu tư trong khi thành tích của họ là ĐKVĐ World Cup trong khi đội bóng Nam thành tích tốt nhất vẫn chỉ là một lần vượt qua được vòng bảng. Nói điều đó để thấy sự khác biệt ở đây không phải từ thành tích mà đến từ bản chất của bộ môn. Bản chất bóng đá là môn thể thao đối kháng cường độ cao dành cho nam giới nên một trận bóng đá nữ có chất lượng chuyên môn thấp hơn bóng đá nam, ít thu hút sự chú ý của dư luận, được đầu tư ít hơn ở các quốc gia là bình thường. Vì thế, sự khác biệt về thành tích không thể là thước đo đánh giá được sự non kém hay lệch pha giữa bóng đá nam và nữ.

3. Sân chơi SEA Games chưa bao giờ là thước đo chuẩn mực cho sự tiến bộ của một nền bóng đá. Trong cái “ao làng” Đông Nam Á, bóng đá cũng chỉ là một vùng trũng trên bản đồ thể giới nên rất nhiều quốc gia của khu vực giành chức vô địch SEA Games vẫn chưa thể “bơi” ra được đấu trường châu lục. Nói điều đó để thấy bóng đá Việt Nam cần một chiến lược phát triển bóng đá dài hơn chứ không phải quanh quẩn cối xay mà hướng đến mục tiêu xa hơn. Có nghĩa là chúng ta hãy quên đi thất bại vừa qua, vứt bỏ nỗi ám ảnh “giấc mơ Vàng” SEA Games bằng việc đầu tư chiến dịch dài hơi, có kế hoạch rõ ràng cho Asian Cup trong tương lại - điều mà một quốc gia trong khu vực là Philippines đã làm trong năm nay. Và để có được điều đó, ngay từ bây giờ, thay vì mổ xẻ thất bại của đội tuyển về mặt chuyên môn, cần có sự cải tổ triệt để trong thượng tầng của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, cải tổ tư duy của những người chịu trách nhiệm cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Đại Nghĩa

Mới nhất
x
Cần sự cải tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO