Cần sự vào cuộc đồng bộ
Là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi vùng, miền có nét đẹp văn hóa riêng, tạo nên một tổng thể văn hóa độc đáo. Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh ta hết sức quan tâm. Tuy nhiên, cũng sẽ khó thành công nếu không được cả xã hội chung tay góp sức.
(Baonghean) Là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi vùng, miền có nét đẹp văn hóa riêng, tạo nên một tổng thể văn hóa độc đáo. Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh ta hết sức quan tâm. Tuy nhiên, cũng sẽ khó thành công nếu không được cả xã hội chung tay góp sức.
Quỳ Châu là huyện có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc Thái. Đây cũng là một trong những địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong việc sưu tầm, lưu giữ và phổ biến chữ Thái.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, từ năm 2010 đến nay, Phòng VH-TT huyện đã mở được 8 lớp học chữ Thái, thu hút gần 400 học viên tham gia. Ngoài ngân sách tỉnh “rót” về, địa phương còn trích thêm kinh phí hỗ trợ nâng cao chất lượng các lớp học. Theo bà Lô Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện thì đạt được thành quả đã khó, duy trì được thành quả lại càng khó hơn. Bởi trên thực tế, toàn huyện hiện nay, số người đọc thông viết thạo chữ Thái chỉ khoảng 5 người, đa phần là các cụ cao niên. Điều này gây không ít khó khăn trong tuyên truyền, phổ biến chữ Thái. Mặc dù chương trình dạy chữ Thái được đồng bào đồng tình ủng hộ nhưng nếu học xong rồi để đó, không ứng dụng thì cũng dần mai một. Hơn nữa, ngân sách dành cho việc phổ biến chữ Thái còn hạn chế nên khó khăn trong việc tổ chức lớp học”.
Bà con dân tộc Thái ở huyện Anh Sơn trong ngày vui mừng lúa mới.
Ảnh: Công Kiên
Tìm hiểu những khó khăn mà đồng bào các dân tộc miền núi Nghệ An đang gặp phải trong quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể được biết, thời gian qua huyện Tương Dương cũng có nhiều nỗ lực nhằm sưu tầm, phục hồi, bảo lưu các giá trị văn hóa phi vật thể. Huyện đã thành lập và đi vào hoạt động của CLB Dân ca, dân vũ bản Phòng tại xã Thạch Giám. Đây là cái nôi lưu giữ, khai thác và phổ biến bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Đến nay, sau hơn 2 năm thành lập, CLB Dân ca, dân vũ bản Phòng đã thu hút được hơn 60 thành viên thường xuyên tham gia, tập luyện, tự biên đạo, dàn dựng các chương trình biểu diễn. Bác Lữ Ngọc Toàn, một nghệ nhân cao tuổi của CLB cho biết: “Dù kinh phí phải tự túc nhưng để bảo tồn gìn giữ văn hóa dân tộc, chúng tôi quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các buổi tập; sưu tầm các bài xuối, nhuôn… để hát cho nhau nghe trong những dịp lễ hội… Khó khăn nhất vẫn là kinh phí để phục hồi lại bộ nhạc cụ, một số đã thất truyền từ lâu…”.
Bên cạnh đó, việc phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số lâu nay tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế dường như chưa tìm được hướng đi phù hợp. Ông Vi Sắt Son, Trưởng phòng VH-TT huyện Tương Dương tâm sự: Tương Dương là huyện có rất nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Tày Pọong, Ơ Đu… nhưng những năm gần đây, chỉ Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo nhân dân trong huyện và các vùng lân cận tham gia. Các lễ hội khác, một phần thiếu kinh phí, một phần chưa được quan tâm đúng mức nên đến nay vẫn chưa được tổ chức thường xuyên.
Ông Vy Mỹ Sơn - Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh cho biết: Hiện nay, nhu cầu kinh phí trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc ít người ở Nghệ An rất lớn. Bình quân, mỗi năm ngân sách tỉnh cấp để thực hiện chính sách này khoảng trên dưới 7 trăm triệu đồng (bao gồm cả việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể). Với số ngân sách ấy, trong 5 năm qua, chương trình mới chỉ tổ chức được 19 lớp phổ biến chữ Thái; sưu tầm các loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số, thu thanh và ghi hình các làn điệu dân ca; tổ chức 2 cuộc hội diễn văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh… Tuy nhiên đến nay, Ban Dân tộc tỉnh cũng chưa có một đánh giá chính thức nào về những phần việc đã làm được trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An. Như vậy, để bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số, cần sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp và chính đồng bào các dân tộc thiểu số.
Võ Dũng