Cần tăng cường quản lý thị trường phân bón
(Baonghean) - Tình trạng phân bón kém chất lượng, bị làm giả... diễn ra trong những năm vừa qua đã gây thiệt hại về sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến môi trường, làm mất uy tín của các doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng lỏng lẻo, chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh khiến tình trạng lộn xộn trong sản xuất, kinh doanh phân bón chưa chấm dứt.
(Baonghean) - Tình trạng phân bón kém chất lượng, bị làm giả... diễn ra trong những năm vừa qua đã gây thiệt hại về sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến môi trường, làm mất uy tín của các doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng lỏng lẻo, chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh khiến tình trạng lộn xộn trong sản xuất, kinh doanh phân bón chưa chấm dứt.
Phân bón giả phát hiện nhiều nơi
Ngày 4/8/2013, Đội Chống buôn lậu (PC46), CA Nghệ An phối hợp với Cty TNHH Phân bón Việt Mỹ đã ập vào nhà vợ chồng đối tượng Hương - Thắng, trú tại xóm Chợ Vịnh, xã Thái Sơn (Đô Lương) bắt quả tang khi Lê Thị Hương đang cho bốc 232 bao phân bón giả (loại 25kg/bao) mang nhãn hiệu NPK 8-10-3 của Cty TNHH Phân bón Việt Mỹ lên xe ô tô 37S 0091 để vận chuyển lên địa bàn huyện Quế Phong tiêu thụ. Kiểm tra tại kho của đối tượng cơ quan công an thu giữ thêm 5.755 vỏ bao đã in nhãn hiệu phân bón NPK 8-10-3 của Cty TNHH Phân bón Việt Mỹ. Sau khi bị bắt quả tang, từ lời khai ban đầu, cơ quan công an đã tiến hành thu giữ thêm 1.000 kg loại phân bón giả này ở một số đại lý tại địa bàn thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Đây chỉ là phần nổi của tình trạng làm giả phân bón với số lượng lớn được cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ còn “tảng băng chìm” chưa được phát hiện chắc chắn sẽ còn rất lớn?
Dây chuyền sản xuất phân bón NPK tại Nhà máy phân bón Sao Vàng (Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An). |
Hầu hết, phân bón kém chất lượng, nhái chủ yếu được các đối tượng đưa đi tiêu thụ tại các huyện vùng núi cao. Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân cũng như địa bàn rộng lớn nên đây là “thị trường” hấp dẫn để các đối tượng này qua mặt được các cơ quan chức năng. Trong khi đó, năng lực của chính quyền địa phương còn hạn chế nên đã không phát hiện ra được mánh khóe của các đối tượng này. Cũng trong năm 2013, hơn 45 tấn phân dúi được một cá nhân mua từ Thanh Hóa về cung ứng cho bà con trên địa bàn huyện Quế Phong nhưng bị phản ánh là kém chất lượng. Sau khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì đúng như người dân phản ánh và yêu cầu người cung cấp thu hồi số phân bón đã bán và đưa ra khỏi địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Cty TNHH Phân bón Việt Mỹ bức xúc: “Người dân mua phải loại phân bón giả này sẽ bị thiệt đơn thiệt kép, vừa mất tiền và mất mùa. Và chính công ty của chúng tôi cũng bị mang tiếng và hiện nay, niềm tin của người dân tại huyện Quế Phong đối với công ty đã bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ và phân vi sinh, trong đó có một số cơ sở chuyên sản xuất với số lượng lớn như Công ty CP Vật tư nông nghiệp, Công ty TNHH phân bón Việt Mỹ, Công ty CP Thương mại Thành Trung. Mỗi năm, 14 cơ sở này cung ứng cho thị trường Nghệ An khoảng 100.000 tấn. Về dây chuyền sản xuất phân bón, hầu hết các cơ sở còn thô sơ, chủ yếu sản xuất theo phương thức bán tự động. Về thiết bị kiểm nghiệm phân bón, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 8 cơ sở đầu tư phòng kiểm nghiệm phân bón. Các cơ sở khác đều phải ký hợp đồng với Chi cục Đo lường và Quản lý chất lượng.
Với dây chuyền, thiết bị thô sơ, nên sản phẩm phân bón NPK sẽ có phần hạn chế về mặt hình thức. Bên cạnh các cơ sở trong tỉnh thì lượng phân bón NPK và vi sinh của các đơn vị ngoài tỉnh cung ứng khoảng 50.000 tấn. Hàng năm, Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra định kỳ 2 đợt nhằm kiểm tra chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cho vụ sản xuất. Ông Trương Minh Châu, Phó phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết: Hầu hết các ki - ốt kinh doanh khi kiểm tra không đưa ra được phiếu chứng nhận chất lượng đi kèm với các lô hàng của đơn vị sản xuất. Chúng tôi đã nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải yêu cầu nhà cung ứng cung cấp phiếu kiểm tra chất lượng của tất cả các lô phân bón nhập về để bán. Đồng thời phải có bảng niêm yết giá theo quy định.
Về chất lượng phân bón, đoàn đã tiến hành lấy mẫu của các cơ sở sản xuất và tiến hành đưa đi phân tích để đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật. Mới đây, vào đợt kiểm tra phân bón để chuẩn bị cho vụ hè thu, vụ mùa năm 2013, đoàn đã tiến hành lấy 12 mẫu, trong đó có 9 mẫu của các đơn vị sản xuất, 2 mẫu tại các kiot kinh doanh và 1 mẫu trong dân. Sau khi phân tích, đoàn đã phát hiện 1 mẫu phân bón của NPK 7-12-3 của Công ty liên doanh Hữu Nghị được bán tại đại lý vật tư nông nghiệp Cửu Nga (Thị trấn Con Cuông) không đạt chất lượng theo quy định. Đoàn đã tiến hành lập biên bản và đang hoàn thiện hồ sơ để xử phạt đại lý Cửu Nga và Công ty liên doanh Hữu Nghị. Mặc dù, qua việc lấy mẫu để phân tích thì các cơ sở sản xuất đều đạt chất lượng nhưng điều mà cơ quan chức năng lo ngại là khi cung ứng cho người dân, chất lượng phân có đúng như mẫu phân tích hay không? Bởi các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng cho nhân dân thông qua Hội nông dân hoặc hợp tác xã. Chỉ khi nào nhân dân có phản hồi, kiến nghị thì cơ quan chức năng mới biết để đi kiểm tra. Phân bón là loại hàng hóa đặc thù, đã sử dụng bón cho cây trồng thì không thể thu hồi lại được do vậy khi người nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng đem sử dụng và chịu thiệt hại thì không giám định được chất lượng để làm căn cứ xử lý”.
Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe
Là một tỉnh có diện tích đất sản xuất rộng lớn nên nhu cầu về phân bón là rất cao. Thống kê từ Sở Nông nghiệp, mỗi năm tỉnh ta cần khoảng 260.00 tấn NPK, 50.000 tấn đạm Urê, 10.000 tấn super lân và 31.000 tấn kali clorua. Nhu cầu lớn như vậy nhưng năng lực sản xuất của các cơ sở trong tỉnh mới chỉ đáp ứng 50% nên đó là cơ hội cho các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh đưa hàng vào bán cho người dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng rất khó để quản lý, kiểm tra về xuất xứ, chất lượng của các nhà cung ứng này.
Khách quan mà nói, hằng năm những thông tin của ngành chức năng về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý những sản phẩm phân bón đạt hoặc không đạt về tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường trong tỉnh lâu nay gần như không được công bố rộng rãi. Từ hình thức quản lý và xử lý chưa chặt chẽ, chưa dứt điểm đã tạo nên những lỗ hổng lớn để các mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng tiếp tục trà trộn, tái sai phạm và ngày càng lan rộng. Trong khi đó, người tiêu dùng, cụ thể là những người nông dân lại không hề hay biết gì về những sản phẩm nào nên tránh, những sản phẩm nào nên mua.
Còn khi xảy ra hậu quả như cây trồng kém phát triển, thậm chí cành lá bị khô héo, chết cây thì người nông dân mới biết là mua phải phân bón giả. Cây trồng là “nguồn sống” của người nông dân nhưng khi bị thiệt hại thì họ chỉ biết… kêu trời! Bà Phan Thị Lan, người dân xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) cho biết: Bây giờ có quá nhiều loại phân bón, mà loại nào cũng quảng cáo là chất lượng tốt làm cho người dân chúng tôi không biết đường nào mà lần. Chúng tôi chỉ quen dùng một loại nhưng năm nay Hội Nông dân cung ứng loại này, năm sau lại đổi sang loại khác. Trước tình hình đó, công tác tuyên truyền cho nông dân trong sử dụng phân bón theo đúng tiêu chuẩn, hiểu rõ tính năng, tác dụng của từng loại phân bón cũng là một trong những việc cần làm ngay để nông dân không rơi vào tình trạng thiếu hiểu biết, dẫn đến thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Sự lộn xộn của thị trường phân bón hiện nay là có một phần là do hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng có điều kiện hoành hành. Hiện nay, một mặt hàng phân bón nhưng Chính phủ giao cho 2 bộ cùng quản lý. Bộ Công thương thì quản lý phân vô cơ, còn Bộ NN&PTNT thì quản lý phân hữu cơ và các loại phân khác. Như vậy, khi xảy ra vấn đề thì xác định trách nhiệm là rất khó khăn. Mặc dù được giao quản lý phân hữu cơ nhưng ngành nông nghiệp đang hết sức “lúng túng” khi năng lực, nhân lực chưa đủ để có thể kiểm tra, quản lý một cách chặt chẽ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Ông Trương Minh Châu cho biết: Là đơn vị quản lý nhà nước, Sở Nông nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, quản lý chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh. Nhưng cái khó khăn lớn nhất là ngành chưa có đủ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn để kiểm nghiệm chất lượng phân bón. Trong khi đó, các cơ sở phân bón ngày càng tinh vi sử dụng nhiều chiêu thức để đưa sản phẩm phân bón kém chất lượng đến tay người dân. Trước tình hình đó, nhằm quản lý phân bón, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 202/2013/NÐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/2/2014. Nghị định 202 ra đời được kỳ vọng là cơ sở pháp lý quan trọng để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón đi vào nề nếp, đặc biệt là việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường.
Bài, ảnh: Phạm Bằng