Cần tẩy chay thực phẩm bẩn

Thanh Sơn 09/01/2018 13:10

(Baonghean.vn) - Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát. Cùng đó, khuyến cáo người dân cần thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm, tẩy chay và đấu tranh với thực phẩm “bẩn”.

Nỗi lo thực phẩm bẩn
Nỗi lo này là có cơ sở khi mà “tin dữ” khắp nơi không ngừng được đăng tải. Chị Lê Huyền Linh, 36 tuổi ở phường Lê Lợi, thành phố Vinh bày tỏ băn khoăn: “Đọc báo thấy trong 2 ngày 6 - 7/1, ở Hà Nội thu giữ 1,2 tấn nội tạng sấy khô hôi thối, 11 tấn bánh kẹo đã chảy nước bốc mùi; TP. Hồ Chí Minh thì phát hiện 2 container chứa gần 30 tấn thịt lợn, bò không rõ nguồn gốc; Thanh Hóa thu giữ hơn 1 tấn sản phẩm từ trâu đang trong quá trình phân hủy chuẩn bị tuồn ra thị trường… Đâu đâu cũng thấy thực phẩm bẩn. Tôi rất lo về bữa ăn hàng ngày của gia đình mình, đặc biệt trong dịp Tết”.

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018. Ảnh: Thanh Sơn

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018. Ảnh: Thanh Sơn

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Nghệ An cho biết: Gần Tết là thời gian cao điểm gian thương lợi dụng để làm ăn phi pháp. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra. Cùng kỳ năm ngoái, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội Xuân 2017 toàn tỉnh đã phát hiện tới 3.285 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vi phạm. Tổng số tiền phạt là 814.760.000 đồng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý

Để góp phần giải tỏa nỗi lo thực phẩm bẩn, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã và đang tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Ngày 4/1, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Tiếp đó, ngày 5/1, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Quan điểm thanh kiểm tra là quyết liệt xử lý vi phạm, nếu các vi phạm bị phát hiện có yếu tố hình sự, lực lượng thanh tra sẽ kiến nghị cơ quan công an vào cuộc xử lý nghiêm. Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2018, việc sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong thực phẩm sẽ bị chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.
Ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Nghệ An cho hay: “Đơn vị đã tăng cường nhân lực, tần suất kiểm tra ngay tại nguồn. Phạm vi thanh, kiểm tra bao gồm các làng nghề, cơ sở sản xuất, kho chứa trữ, bày bán thực phẩm nhằm hạn chế ngay từ đầu trước khi thực phẩm bẩn đưa ra thị trường”.

Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thanh Sơn
Đoàn liên ngành kiểm tra tại một quầy hàng bánh kẹo ở chợ Vinh. Ảnh: Thanh Sơn
Cần sự vào cuộc của người dân
Đi kèm với công tác thanh, kiểm tra, các tổ chức chính trị xã hội cũng đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử đó là cuộc vận động và hội thi “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” năm 2017 với sự tham gia của 5.899 khu dân cư (thuộc 480 xã, phường, thị trấn) trong tỉnh.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực ấy, trên thực tế vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp quy định pháp luật, tuồn thực phẩm bẩn ra thị trường.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm tại cấp cơ sở phường, xã, thị trấn còn chưa đạt yêu cầu; thanh, kiểm tra, xử phạt còn nể nang, chỉ nhắc nhở chứ không xử lý. Mặt khác, tinh thần đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của nhiều người dân chưa cao.

Theo đó, cả năm, Chi Cục Quản lý thị trường Nghệ An chỉ nhận được 5 cuộc gọi qua đường dây nóng tố giác buôn bán hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Số cuộc gọi đến Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng không đáng kể.
Bác sĩ Hoàng Quốc Sơn - Chi cục Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng: Việc thanh, kiểm tra thị trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới chỉ là giải pháp “cần”, chứ chưa phải là “đủ”, mới dừng lại ở việc giải quyết được phần ngọn và không thể triệt để phần gốc.

Biện pháp lâu dài, bền vững vẫn phải là khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Để làm được điều đó, vai trò của người tiêu dùng thông thái trong việc chọn thực phẩm sạch, tẩy chay và đấu tranh với thực phẩm “bẩn” là rất quan trọng.

Mới nhất
x
Cần tẩy chay thực phẩm bẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO