Cẩn thận với xuất khẩu "tự phát"
(Baonghean) - Với thuận lợi về điều kiện đi lại, thủ tục không quá phức tạp, thời gian gần đây người lao động ở Nghi Lộc đi xuất khẩu sang Lào và Thái Lan ngày một tăng . Tuy nhiên, lao động “không chính ngạch” đang kéo theo nhiều nỗi lo của các cấp chính quyền và người thân.
Nghi Thiết không còn là một xã nghèo của huyện Nghi Lộc như trước đây nữa. Về xã giờ đây không hiếm khi nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng, những chiếc xe ô tô, xe máy đắt tiền. Sự khá giả không chỉ ở những xóm có nghề đóng tàu mà ngay cả những xóm trước kia được xem là “ốc đảo” như Nam Thịnh, Bắc Thịnh… Hỏi người dân trong xã mới biết, đó là nhờ xuất khẩu lao động.
Theo ông Bùi Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết: Hiện trong xã có khoảng 400 người đi xuất khẩu lao động và lượng ngoại tệ mà người dân gửi về mỗi năm là từ 25 – 30 tỷ đồng, thuộc nhóm đầu của huyện. 400 người đi xuất khẩu lao động mới chỉ là con số thông qua xã, đi theo con đường chính ngạch còn hiện tại xã đang còn hàng trăm lao động khác hiện đang làm việc tại Lào và Thái Lan. Dân trong xã cũng không nói đây là đi xuất khẩu lao động mà là đi lao động thời vụ, như là đi lao động ở trong các tỉnh miền Nam.
Bà Xoan trong ngôi nhà được xây từ tiền đi lao động ở Lào của con trai. |
Anh Nguyễn Đậu Luận (xóm Mới), người có nhiều năm làm xây dựng ở Lào được biết: Sang Lào hiện nay còn dễ hơn đi vào Nam vì chỉ cần hộ chiếu hoặc giấy thông hành là có thể sang làm việc được. Hiện tại ở nhiều công trình xây dựng của Lào có đến 50% là lao động Việt Nam, trong đó, lao động Nghệ An chiếm tỷ lệ khá đông.
Thời điểm ra Giêng này, anh Luận có lẽ là một trong những người cuối cùng ở xóm Mới còn chưa sang Lào bởi anh ở lại lo việc đám cưới cho cô con gái lớn. Còn người dân trong xã, ăn tết xong mùng 5, mùng 6 là mọi người đã lục tục vào Vinh bắt xe sang Lào bởi đây đang là mùa xây dựng. Như nhà bà Trần Thị Xoan, chồng mất sớm, nhà chỉ còn lại ba mẹ con nhưng tranh thủ về ăn tết với mẹ được vài ngày, hai anh Nguyễn Đào Quảng, Nguyễn Đào Tạo lại “khăn gói” sang Lào. Con đi làm ăn xa, một mình bà ở trong căn nhà rộng không tránh khỏi những lúc lo lắng. Nhưng bù lại bà không phải lo chuyện kinh tế vì hai con trai đều có thu nhập ổn định: anh thì làm thầu xây dựng, thu nhập cao mỗi tháng vài chục triệu đồng. Cậu em làm cho anh, trừ đi mọi chi phí mỗi tháng cũng gần chục triệu. Bà Xoan nói rằng: Trước khi đi Lào thằng cả nhà tôi đã đi làm ăn ở Đài Loan, sau đó rồi đi Libi. Nhưng cả hai lần đều không ăn thua, đợt đi Libi còn trắng tay vì phải chạy nạn. Giờ đi Lào cũng thấy lo cho con nơi đất khách quê người, không biết giấy tờ có hợp lệ không.
Ở những xóm này, đàn ông thì đi xuất khẩu sang Lào, chị em phụ nữ thì xuất khẩu sang Thái Lan. Ở Nghi Thiết, hiện tại có tới hơn một trăm người trong đó hầu hết là phụ nữ đi làm ăn tại Thái Lan. Công việc chính ở là bán hàng, làm giúp việc hoặc nấu ăn ở các công trình xây dựng. Chị Nguyễn Thị Lành có con gái đi làm ở Thái Lan chia sẻ: Lúc sang Thái cháu đi theo con đường du lịch, làm visa ngắn ngày. Muốn ở lại lâu, một tháng chỉ mất tiền xe và khoảng 200.000 Việt Nam lên thủ đô đóng dấu gia hạn là được… Làm hai năm ở Thái Lan, con gái chị Lành đã hai lần đổi địa điểm, lần đầu là làm việc ở tỉnh U đôn Tha ni, sau đó chuyển đến tỉnh Khỏn Kèn để bán hàng. Dù biết con mình không đi qua một công ty nào mà chỉ là do người quen giới thiệu nhưng chị yên tâm bởi theo như chị nói: vợ chồng tôi đã sang tận nơi xem nơi ăn nơi ở của con gái rồi. Thấy chủ nhà họ cũng quý người nên rất yên tâm.
Do hiện đang có tới hơn 50% gia đình trong xóm đang làm việc ở Thái Lan và Lào nên những tháng gần đây ông Nguyễn Bá Tịnh - xóm trưởng xóm Mới thường xuyên theo dõi thời sự quốc tế và những diễn biến bất thường về chính trị ở Thái Lan. Ông lo lắng: Tất cả các trường hợp đi làm việc ở Thái Lan và Lào hiện nay đều đi theo con đường “tự phát”, xóm chỉ biết được sau khi họ đi. Mình cũng không thể cấm người dân bởi nếu ở nhà thì bà con khổ, chẳng biết làm gì mà ăn… Tính ra, so với làm ruộng, đi lao động tuy “may rủi” nhưng thu nhập một tháng được từ 6 – 7 triệu đồng cao hơn nhiều lần và còn cao hơn cả đi lao động ở miền Nam – ông Tịnh trầm ngâm làm một phép so sánh.
Theo ông Nguyễn Văn Bá, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Nghi Lộc: Cho đến nay Việt Nam và Thái Lan chưa ký kết hiệp định về xuất khẩu lao động, huyện cũng chưa ký kết với đơn vị nào để đưa lao động sang Lào làm việc do đó tất cả những trường hợp đi lao động tự phát tại Thái Lan, Lào đều là bất hợp pháp. Nếu chẳng may gặp rủi ro số lao động này sẽ không được pháp luật, doanh nghiệp sở tại bảo vệ.
Nghi Lộc hiện có hàng trăm lao động ở các xã đang đi theo con đường “không chính ngạch” này. Hiệu quả thì đã thấy rõ nhưng “hậu quả” thì chắc đang còn nhiều điều phải bàn. Trong khi chờ một văn bản ký kết về hợp tác lao động, nên chăng ngành LĐTBXH và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con, để bà con thấy được những mặt trái của lao động “chui”, cung cấp những kỹ năng cần thiết khi lựa chọn công việc, giới thiệu những công ty làm về xuất khẩu lao động có uy tín. Trong trường hợp người lao động đã sang Thái Lan, Lào làm việc, nếu không may gặp phải những khó khăn về mặt pháp lý, an toàn về tính mạng và tài sản cần hướng dẫn để người nhà trực tiếp phản ánh với Đại sứ quán Việt Nam, các lãnh sự quán hoặc Tổ chức Lao động quốc tế các tại nước sở tại để được tư vấn và đảm bảo tính mạng, tài sản cho người lao động.
Mỹ Hà