Cần thanh, kiểm tra việc tuân thủ phương án phòng, chống lũ vùng hạ du các thủy điện

Nhật Lân 19/10/2018 14:50

(Baonghean.vn) - Đầu tháng 10/2018, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy có chuyến công tác tại Nghệ An và tiếp xúc với cử tri vùng núi cao của tỉnh. Sau đợt công tác này, ông đã giành cho Báo Nghệ An cuộc phỏng vấn xung quanh các vấn đề của thủy điện.

Người dân hy sinh, mất mát nhiều

Phóng viên: Thưa đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy, sau đợt tiếp xúc cử tri các huyện vùng núi cao Kỳ Sơn, Tương Dương, nơi xảy ra lũ, lụt trong tháng 7, tháng 8/2018, ông có cảm nhận gì?

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy: Là đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, tôi có hơn 4 năm thường xuyên gặp gỡ với cử tri của 5 huyện thuộc đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh, trong đó có 3 huyện miền núi cao dọc Quốc lộ 7A, đó là Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông.

Đồng chí Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường Quốc hội. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường Quốc hội. Ảnh: Thành Cường

Một cảm nhận chung của tôi, trong những năm qua, mặc dù còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng tôi thấy đời sống bà con các đồng bào dân tộc ở đây có nhiều chuyển biến tích cực. Đó chính là kết quả nỗ lực thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển dân tộc thiểu số miền núi của Đảng và Nhà nước, của địa phương; sự chung tay, góp sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về tiếp xúc với cử tri các đơn vị nói trên vào đầu tháng 10/2018, qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo ở địa bàn và được thông tin thêm nhiều vấn đề.

"Một vấn đề lớn mà cử tri có nhiều ý kiến, đơn thư đến với tôi đó là bà con các đồng bào dân tộc ở đây vừa phải hứng chịu, hy sinh, mất mát về người, tài sản do lũ, lụt gây ra bởi hoàn lưu các cơn bão số 3, số 4; trong đó có việc xả lũ của một số thủy điện đang hoạt động trong khu vực này vào giữa và cuối tháng 8/2018" - Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy

Đồng chí Lê Quang Huy trao quà cho 10 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Phương Thúy.
Đồng chí Lê Quang Huy trao quà cho 10 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Phương Thúy.

Nhiều đoạn đường, trường học, nhà ở của bà con bị sạt lở, ngập lụt, cuốn trôi, sập đổ; một số xã bị cô lập; cuộc sống người dân bị ảnh hưởng rất nặng nề… Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh và các địa phương đã rất sát sao, kịp thời chỉ đạo, nỗ lực tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ bà con nơi đây ổn định cuộc sống; làm rõ thêm nguyên nhân để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Thận trọng hơn đối với thủy điện

Phóng viên:Được biết, giai đoạn về Nghệ An công tác trên cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông là một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh có nhiều trăn trở khi thượng nguồn các con sông lớn bị quy hoạch xây dựng khá dày đặc các công trình thủy điện. Ông có thể cho độc giả Báo Nghệ An hiểu về điều này?

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy: Trước khi về nhận công tác tại Tỉnh ủy Nghệ An, theo yêu cầu của Quốc hội, tôi có tham gia một đợt giám sát chuyên đề liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên cả nước, do đó cũng có hiểu biết ít nhiều về vấn đề này. Thủy điện có vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước; những thủy điện lớn, đa mục tiêu còn giúp điều tiết lũ, cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh…

Thủy điện Nậm Mô, nằm cách thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn khoảng 3km. Ảnh Nhật Lân.
Thủy điện Nậm Mô, nằm cách thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn khoảng 3km. Ảnh: Nhật Lân.

"Bên cạnh kết quả tích cực, qua giám sát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện - đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ ở một số địa phương còn nhiều hạn chế" -Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy

Có 5 vấn đề nổi bật: (1) Quy hoạch chưa hợp lý, bậc thang thủy điện có mật độ khá dày đặc trên một tuyến sông; (2) Chưa được chú trọng đúng mức đánh giá tác động môi trường, chất lượng đánh giá không cao; (3) Việc bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm; (4) Chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, đặc biệt là thiết lập, vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo sớm lưu lượng nước; triển khai phương án phòng, chống lũ, lụt; (5) Còn nhiều khó khăn trong việc di dân, tái định cư, trồng rừng thay thế.

Tôi đồng tình với sự cần thiết quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác các thủy điện trên thượng lưu dòng sông Cả và các sông nhánh, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật chung và yêu cầu của tỉnh.

Tuy nhiên, qua giám sát, khảo sát thực tế, tiếp xúc cử tri các huyện, xã dọc theo Quốc lộ 7A, Quốc lộ 48A gần các dự án, công trình này, tôi thấy trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của bà con dân tộc nơi đây. Còn có bất cập, khó khăn, vướng mắc ở mức độ khác nhau, nhưng thuộc cả 5 vấn đề nói trên liên quan đến các công trình thủy điện trên địa bàn.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh Nhật Lân.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh: Nhật Lân.

Lúc đó, tôi có báo cáo việc này với Thường trực Tỉnh ủy và sau quá trình làm việc, ngày 04/11/2015, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 11-TB/TU về chủ trương về xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Thông điệp chính trong thông báo này thể hiện quan điểm thận trọng hơn đối với thủy điện, cụ thể là không tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để lập các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh (kể cả các dự án đã có trong quy hoạch); rà soát, báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi quy hoạch các dự án thủy điện chưa có nhà đầu tư. Tôi hoàn toàn tán thành chủ trương này của tỉnh và cho đến nay luôn thể hiện, không chỉ bằng lời nói - quan điểm đó theo đúng phạm vi chức trách của mình.

Cần thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát

Phóng viên:Ông có suy nghĩ như thế nào khi các nhà máy thủy điện thực hiện vận hành xả lũ nhưng lại gây ngập lụt cho các địa phương miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… Các nhà máy thủy điện phải thể hiện trách nhiệm như thế nào khi xảy ra tình trạng này?. Cần làm những việc gì để những năm tới đây tỉnh Nghệ An không xảy ra tình trạng tương tự?.

Huyện Tương Dương ngập sâu trong đợt lũ tháng 8/2018. Ảnh: Lô Thanh Long

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy: Tôi biết một số nhà máy thủy điện đang hoạt động ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông, đã có hỗ trợ, chia sẻ, đền bù, tuy không nhiều với tỉnh, với bà con các dân tộc sinh sống ở khu vực nhà máy hoạt động, phải hứng chịu mất mát, thiệt hại, khó khăn sau những đợt thiên tai, mưa, bão lớn gây lũ, lụt, ngập úng, trong đó không loại trừ tác động không mong muốn do việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa của các nhà máy thủy điện, các phương án phòng, chống lũ lụt. Hành động hỗ trợ, chia sẻ này là đáng hoan nghênh.

Một cụm dân cư bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương bị lũ dữ xóa sổ. Ảnh Nhật Lân
Một cụm dân cư bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương bị lũ dữ xóa sổ. Ảnh: Nhật Lân

"Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, theo tôi, các cơ quan chức năng của tỉnh cần xem xét việc xây dựng, thực thi: (1) Quy trình điều tiết hồ chứa, liên hồ chứa; (2) Các phương án phòng, chống lũ, lụt cho hạ du của các nhà máy thủy điện" - Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy

Theo quy định của pháp luật, các tài liệu nói trên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện đúng, đầy đủ; đảm bảo yêu cầu về an toàn hồ chứa, đập; vận hành điều tiết, xả lũ đảm bảo an toàn cho hạ du; giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường, xã hội…; trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện các quy định về công tác chuẩn bị phòng, chống lũ; chế độ phối hợp, thông tin, báo cáo; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân vùng hạ du biết để chủ động ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản.

Người dân Tương Dương vì ngập lụt phải di tán người thân, tài sản. Ảnh Hồ Phương
Người dân Tương Dương vì ngập lụt phải di tản người thân, tài sản. Ảnh: Hồ Phương

Theo đó, cần thanh tra, kiểm tra toàn diện việc tuân thủ quy trình vận hành từng hồ chứa, liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (bao gồm hồ chứa Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê; quy trình vận hành liên hồ chứa này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2015).

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du của các nhà máy thủy điện (phương án này do UBND tỉnh phê duyệt). Nếu chủ đầu tư, chủ hồ, đập nhà máy thủy điện không tuân thủ đúng, đầy đủ quy định trong các tài liệu nói trên, chắc chắn phải chịu trách nhiệm.

"Để hạn chế tình trạng tương tự, theo tôi các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; buộc chủ đầu tư thực hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của mình theo các quy trình, phương án nói trên sẽ góp phần giảm thiểu tác hại của thủy điện mà bà con vùng hạ du phải hứng chịu như trong thời gian vừa qua" - Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy

Về phương án phòng, chống lũ, lụt cần kiểm tra việc lắp đặt, vận hành các thiết bị quan trắc tại chỗ của các thủy điện; nhiều nhà máy thủy điện chưa lắp đặt đầy đủ hoặc lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động. Để xây dựng được phương án di dời khu vực hạ du trong trường hợp bất thường do thủy điện xả lũ khẩn cấp, vỡ đập, cần phải có thông số hết sức đầy đủ, chính xác để xác định số hộ dân, khu vực, công trình bị ảnh hưởng, hành lang thoát lũ… để cắm mốc giới, định hướng, vị trí di dời an toàn. Đây là những khía cạnh mà các cơ quan chức năng của tỉnh cần lưu ý khi thẩm định, phê duyệt, kiểm tra thực hiện phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân bị lũ lụt ở huyện Tương Dương vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Nhật Lân
Đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân bị lũ lụt ở huyện Tương Dương vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Nhật Lân

Để xây dựng được quy trình điều tiết và phương án phòng, chống lũ, lụt cho sát đúng thì việc thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời ở vùng thượng nguồn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sông Cả có khoảng 30% diện tích lưu vực nằm trên đất bạn Lào, chúng ta cần có đủ trang thiết bị để đo đạc, quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm. Khi lượng nước lũ thượng nguồn sông Cả từ nước bạn Lào đổ về quá nhiều và nhanh, hồ phải xả với lưu lượng rất lớn để đảm bảo an toàn hồ chứa và đập, dẫn đến hiện tượng mà bà con ta hay gọi là “lũ chồng lũ”, hay “lũ kép” gây hệ lụy khôn lường cho vùng hạ du. Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng của tỉnh cần chủ động hơn và tiếp tục có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ.

Phóng viên:Xin cảm ơn ông!

Theo (thực hiện)
Copy Link
Mới nhất
x
Cần thanh, kiểm tra việc tuân thủ phương án phòng, chống lũ vùng hạ du các thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO