Cần thể hiện vai trò chủ đạo

17/06/2013 19:14

(Baonghean) - Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đất...

(Baonghean) - Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đất nước. Theo đó, DNNN vừa là lực lượng sản xuất nòng cốt, vừa là công cụ hữu hiệu để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, hơn lúc nào hết, trong lúc nền kinh tế nước nhà rơi vào tình trạng trì trệ như hiện nay thì DNNN cần phải thể hiện rõ vai trò đó.

Sở dĩ nói như vậy là vì, trong thời gian qua, DNNN chưa thật sự thể hiện được vai trò đã được giao phó. Cụ thể là giá xăng dầu, một mặt hàng chiến lược liên quan hết sức mật thiết đến “sức khỏe” nền kinh tế, có ảnh hưởng rộng khắp và tác động mạnh mẽ, tức thì lên giá cả các loại hàng hóa khác, chưa được cơ quan chủ quản điều hành một cách hợp lý để hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong thời điểm hết sức nhạy cảm như hiện nay. Thậm chí, cung cách điều hành giá cả trong lĩnh vực xăng dầu luôn là nguyên cớ gây bức xúc trong xã hội, và là nguyên nhân chủ yếu của những đợt tăng giá các loại hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đại đa số dân chúng, nhất là đối với những người thu nhập thấp.

Một sự thật khác, từ đầu năm đến nay, giá vàng ở nước ta luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 4 đến 5 triệu đồng một lượng. Có lúc mức chênh lệch này giãn ra tới mức 6 triệu đồng/lượng. Dù đứng ở góc độ nào, lý giải ra sao đi chăng nữa thì sự chênh lệch đó khó lòng khiến cho người ta chia sẻ được. Có lẽ vì thế, trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm mới đây ở kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XII, ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người đã phải nhận số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất trong số 47 chức danh đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Và thông tin mới nhất là ngành Điện lại đang đề xuất tăng giá điện đối với khối sản xuất. Theo dự thảo quyết định về biểu giá điện vừa được Bộ Công Thương hoàn thiện, với các ngành sản xuất, biểu giá bán lẻ điện mới cho cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV sẽ tăng từ 2 đến 7% so với biểu giá điện năm 2011. Cụ thể, đơn vị sử dụng điện giờ bình thường và giờ cao điểm sẽ phải chịu mức tăng là 2%, nhưng giá điện giờ thấp điểm tăng tới 6%. Ở cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện giờ cao điểm và bình thường giữ nguyên, riêng giờ thấp điểm tăng 5%. Tăng mạnh nhất là cáp điện áp từ 6 kV, giờ bình thường, giờ cao điểm tăng 4%, giờ thấp điểm tăng tới 7%.

Tuy đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhưng dự thảo cũng nêu rõ thời điểm Quyết định 268 về biểu giá điện năm 2011 của Thủ tướng sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây. Do đó, nhiều khả năng biểu giá điện sẽ có mức mới. Nếu vậy thì việc tăng giá điện vào lúc này chẳng khác nào bồi thêm một gánh nặng nữa cho các doanh nghiệp sản xuất vốn đang suy sụp và ngập chìm trong nợ nần, hàng tồn kho cao. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vực dậy sản xuất như giảm thuế, hỗ trợ vốn vay ưu đãi với giá thấp lại mới chỉ ở mức chủ trương mà chưa được triển khai thực hiện.

Vì thế, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh sản xuất đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng giá điện là một nghịch lý và các doanh nghiệp sản xuất nếu vì giá điện tăng mà tăng giá bán sản phẩm để bù đắp một phần chi phí thì chẳng khác nào “tự mình giết mình”. Sẽ có không ít doanh nghiệp sản xuất “đột quỵ” vì cú bồi tăng giá này mà không dám hy vọng tới chuyện phục hồi sản xuất.

Do vậy, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm, là cơ hội để các DNNN thể hiện vai trò chủ đạo, phải thực sự xứng đáng là công cụ hữu hiệu để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.


Duy Hương

Cần thể hiện vai trò chủ đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO