Cần tiền và cả những tấm lòng

12/09/2014 14:36

(Baonghean) - Có một nghịch lý là trong khi cấp ủy, chính quyền và người dân ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang vất vả, loay hoay tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo, thì có một đề án trị giá nhiều nghìn tỷ đồng nhằm phục vụ cho mục đích đó lại rơi vào quên lãng. Đó là Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” theo Quyết định 71/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 71).

(Baonghean) - Có một nghịch lý là trong khi cấp ủy, chính quyền và người dân ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang vất vả, loay hoay tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo, thì có một đề án trị giá nhiều nghìn tỷ đồng nhằm phục vụ cho mục đích đó lại rơi vào quên lãng. Đó là Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” theo Quyết định 71/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 71).

Nói rơi vào quên lãng là vì, sau 6 năm triển khai thực hiện thí điểm, cả người dân lẫn doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đều không mặn mà gì vì có quá nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến hiệu quả không cao. Mục tiêu đề án đặt ra là trong giai đoạn 2009 - 2010 đưa được 5 nghìn lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2011 đến 2015, đưa 50 nghìn người và giai đoạn 2016 - 2020 tăng thêm 15%. Nhưng từ 2009 đến nay, mới đưa được 9 nghìn đối tượng trong đề án đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Một kết quả quá thấp so với kỳ vọng. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao một đề án trị giá hơn 4 nghìn tỷ đồng và rất giàu tính nhân văn, đáp ứng đúng mong ước thoát nghèo của bất cứ người dân nào lại không thu được kết quả như mong muốn. Hơn nữa, các đối tượng thuộc đề án nếu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi XKLĐ. Nếu là đối tượng khác ở 62 huyện nghèo được hỗ trợ 50%. Trong thời gian đi học còn được hưởng tiền sinh hoạt phí 40.000 đồng/người/ngày, tiền ở 20.000 đồng/người/tháng, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân 400.000 đồng/người. Bên cạnh đó, còn có tiền tàu xe, chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp… Thế nhưng, người dân vẫn không hào hứng, thậm chí còn có hành vi “tẩy chay”.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cơ quan chủ quản cho rằng, phần đông lao động tham gia đề án là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số có trình độ thấp (60% có trình độ tiểu học trở xuống). Do ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, cộng với hiểu biết hạn chế, tâm lý không muốn rời bỏ quê hương, bản, làng đi nơi khác làm ăn, sinh sống, dẫn đến việc nhiều người không muốn tham gia XKLĐ, thậm chí bỏ cuộc giữa chừng. Một số doanh nghiệp cũng khẳng định như vậy sau khi tham gia thực hiện đề án một thời gian, họ đã phải... “bỏ của chạy lấy người”. Vì chi phí tuyên truyền, tạo nguồn lao động bỏ ra nhiều, nhưng số người có nhu cầu đi XKLĐ quá ít, khiến doanh nghiệp bị lỗ. Chưa kể, doanh nghiệp phải ứng trước số tiền khá lớn, nhưng phải rất lâu mới được quyết toán.

Có vẻ như đang có một nghịch lý là người nghèo không muốn đi XKLĐ để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đằng sau nghịch lý đó là gì? Tìm hiểu kỹ mới thấy, các đối tượng thuộc đề án tuy được hỗ trợ các chi phí trước khi đi XKLĐ, nhưng các chi phí khác như phí môi giới, phí dịch vụ họ phải bỏ ra. Những khoản phí này thường là rất cao, từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là người dân tộc thiểu số thì đến ăn còn chưa đủ, lấy gì ra mà nộp những khoản phí đó. Muốn vay ngân hàng cũng không phải dễ, vì không có gì để thế chấp và thủ tục vay mượn vô cùng nhiêu khê, không phải cứ muốn là vay được. Cho nên, dù biết là được ưu ái, được lợi rất nhiều khi có cơ hội có việc làm nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống, nhưng người nghèo vẫn phải từ chối vì khoản chi phí môi giới, dịch vụ vượt quá khả năng của họ.

Như vậy, đề án có nguy cơ đổ bể. Cho nên, để Đề án 71 không bị đổ bể, trong thời gian tới, các cơ quan chủ quản lĩnh vực này cần điều chỉnh chính sách theo hướng hỗ trợ thêm nguồn vốn vay về phí môi giới, phí dịch vụ cho các đối tượng thuộc đề án. Chỉ khi gánh nặng chi phí được gỡ bỏ, thì người nghèo mới dám tiếp cận với việc đi XKLĐ. Cũng từ sự việc này mới thấy, không phải cứ có đề án, có tiền là đã có thể tiến hành giúp người nghèo thoát nghèo được, mà quan trọng là phải có phương pháp tiếp cận phù hợp. Như đã nói ở trên, người dân tộc thiểu số nghèo không mặn mà đi XKLĐ, bởi ngoài chuyện gánh nặng kinh phí còn do tập quán, tâm lý không muốn rời bỏ bản, làng đi làm ăn xa. Chuyện đó là có thật. Vì thế, cán bộ và cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện đề án cần phải tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ thay đổi nếp nghĩ. Việc này rất mất thời gian, công sức vì phải đến từng nhà nơi xa xôi, hẻo lánh để thuyết phục từng người và phải thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ mới có thể có kết quả. Nhưng để làm được điều đó, bên cạnh chi phí, cần phải có tâm huyết và thật sự hết lòng vì bà con. Còn nói xong để đấy thì đề án có chi phí lớn chừng nào đi nữa cũng khó mà thành công. Kết quả trong 6 năm thực hiện Đề án 71 là một minh chứng.

Mới thấy, việc giúp người nghèo, nhất là đồng bào nghèo cùng cao, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo thật khó khăn vô cùng. Việc giúp họ thoát khỏi đói nghèo, không chỉ cần có đề án với nguồn lực tài chính dồi dào từ phía Nhà nước, mà cần có thêm những tấm lòng thật sự vì cuộc sống bà con từ những công bộc của dân.

Duy Hương

Mới nhất
x
Cần tiền và cả những tấm lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO