Cản trở giao thông đường sắt bị xử lý như thế nào?

PV 16/09/2023 15:28

(Baonghean.vn) - Ông Nguyễn Đức Đồng ở huyện Diễn Châu hỏi, các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, che khuất tín hiệu, biển hiệu công trình giao thông đường sắt, để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định… bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều 268,Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội "Cản trở giao thông đường sắt" như sau:

1. Người nào đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt; mở đường ngang, xây cống hoặc công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt; phá hoại phương tiện giao thông đường sắt; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

22.jpg
Ban ATGT tỉnh Nghệ An kiểm tra chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt tại khu vực cầu Yên Xuân (khu vực thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên). Ảnh tư liệu

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các Điểm a, b và c, Khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.

Như vậy, các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, che khuất tín hiệu, biển hiệu công trình giao thông đường sắt, để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định… gọi chung là tội "Cản trở giao thông đường sắt", có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.

Mới nhất

x
Cản trở giao thông đường sắt bị xử lý như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO