Cần ưu tiên nguồn vốn
Thiếu vốn nên hầu hết các dự án di dân khỏi vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất của nhiều huyện miền núi đang “nằm trên giấy”. Trước những dự báo về tình hình thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường thì việc ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các dự án này là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
(Baonghean) Thiếu vốn nên hầu hết các dự án di dân khỏi vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất của nhiều huyện miền núi đang “nằm trên giấy”. Trước những dự báo về tình hình thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường thì việc ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các dự án này là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Mùa mưa bão năm 2012 đã bắt đầu. Bên cạnh việc ứng phó với hàng chục cơn bão, ở các huyện miền núi còn luôn phải đối phó với lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... là những thiên tai bất ngờ, xảy ra liên tiếp, có sức tàn phá lớn, gây tổn thất nghiêm trọng về người, của cải, công trình hạ tầng và phá hoại môi trường sinh thái. Ngoài các phương án ứng cứu, gia cố đê kè, nhà cửa, thì công tác di dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét là biện pháp hàng đầu để chống thiên tai bất ngờ. Các cơ quan chức năng và địa phương đã tiến hành rà soát và lập dự án để di dời đến những điểm tái định cư tập trung cho người dân trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hầu hết các dự án này hiện nay đều đang nằm trên giấy.
Tính mạng và tài sản của người dân sống trong vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất luôn bị đe dọa nghiêm trọng.
Hiện nay, công tác xây dựng khu tái định cư tại một số điểm đang bước vào giai đoạn nước rút. Các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất xã Nậm Giải huyện Quế Phong với số vốn hơn 20 tỷ đồng; dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp với số vốn hơn 30 tỷ đồng… cơ bản đã được giải ngân vốn và đang thực hiện xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, tại 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong, 4 dự án di dời dân vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống lũ quét, sạt lở đất mang tính cấp thiết khác đang “nằm” chờ phê duyệt vốn; bao gồm: dự án di dời 70 hộ dân bản Kẻ Khun và Kẻ Xớn (Châu Hội, Qùy Châu), dự án di dời 100 hộ dân bản Sáng, bản Qụa tại xã Hạnh Dịch, Dự án di dời 85 hộ dân tại bản Chiếng (Quang Phong) và dự án di dời gần 200 hộ dân tại 2 bản Huồi Mới và Huồi Xái (Tri Lễ) của huyện Quế Phong. Tổng số vốn để thực hiện 4 dự án này hơn 250 tỷ đồng.
Ông Vi Thế Long - Trưởng ban phát triển nông thôn miền núi huyện Qùy Châu cho biết: “Chúng tôi đã đi khảo sát và thành lập dự án và có tờ trình đang chờ phê duyệt để di dời 70 hộ dân tại 2 bản Kẻ Khun và Kẻ Xớn. Tổng kinh phí khoảng 130 tỷ đồng. Hiện nhà của các hộ dân này đang nằm sát sông Hiếu nên nguy cơ bị cuốn trôi là rất lớn khi nước lũ dâng cao. Nếu dự án được phê duyệt, 70 hộ dân này sẽ di dời đến địa điểm an toàn hơn với diện tích hơn 80 ha. Trong đó, khoảng 10 ha sẽ được tiến hành xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ sở, còn lại 70 ha sẽ bố trí đất sản xuất cho người dân”.
Không chỉ khu vực xã Châu Hội, tại các xã khác như Châu Tiến, Châu Phong, Diên Lãm, một số hộ dân cũng đang sống trong hoàn cảnh trên vì xây dựng nhà cửa nằm ngay dưới chân núi và sát bờ sông. Đây là những vùng có nguy cơ sạt lở cao nên chính quyền địa phương đã nhiều lần đến vận động để người dân di dời đến nơi an toàn. Song, do nhận thức chưa cao nên việc chấp hành của người dân chưa được tốt. Ông Sầm Văn Kính - Phó chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: Tại bản Minh Tiến hiện có khoảng 6 hộ dân đang sống gần bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Chúng tôi đã nhiều lần đến để tuyên truyền, vận động họ chuyển đến ở các vùng an toàn hơn, nhưng họ nhất quyết không chịu.
Người dân huyện miền núi Quế Phong vẫn không quên trận lũ quét vào năm 2007 tại xã Nậm Giải đã cướp đi 14 sinh mạng. Nỗi đau thương qua đi, để lại một bài học kinh nghiệm cho người dân và lãnh đạo nơi đây. Hiện tại, nhiều hộ dân nằm trong diện phải di dời vì nguy cơ lũ ống lũ quét và sạt lở đất đang sống trong sự lo âu, chờ đợi. Ông Nguyễn Bá Hiền - Phó ban phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong không giấu nổi lo lắng: “Dự án thì chúng tôi đã lập rồi, nhưng cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Đồng nghĩa với đó là đời sống của các hộ dân này vẫn đang gặp khó khăn rất lớn khi mùa mưa lũ đã về. Ngoài các điểm trong dự án tại 3 xã trên thì trên địa bàn huyện còn có rất nhiều bản thuộc diện phải di dời”.
Trong khi đợi dự án được phê duyệt và cấp vốn thì các địa phương phải chủ động tính toán và thực hiện những công tác phòng chống mưa lũ. Tại xã Tri Lễ, hiện có khoảng hơn 200 hộ dân tại các bản Huồi Mới 1, Huồi Xái… nằm trong diện phải di dời. Tuy nhiên, do dự án chưa được phê duyệt nên các hộ dân này vẫn phải bám trụ chỗ cũ. Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Hiện tại đã vào mùa mưa lũ nên xã đã triển khai các công tác phòng chống để nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân. Trong phương án của xã, tại các điểm có nguy cơ cao sẽ bố trí cán bộ cắm chốt và tuyên truyền cho người dân hiểu, để khi có sự cố sẽ di dời nhanh. Một số lán trại của người dân dựng gần sông suối xã đã chỉ đạo di dời về nhà. Hầu hết người dân đều chấp hành tốt.
Như vậy, do không có vốn nên việc thực hiện có tính cấp thiết các dự án nói trên không biết đến bao giờ mới được triển khai. Hàng năm, nhà nước đều có nhiều chính sách nhằm bố trí, di dời, sắp xếp dân cư, đặc biệt là đối với người dân thuộc diện cần di dời khẩn cấp. Trong đó, nổi bật là chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số vốn này quá ít so với nhu cầu bức thiết của nhiều địa phương hiện nay. Hầu hết các địa phương đều trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ nên không đáp ứng được nhu cầu trước mắt, chứ chưa nói đến lâu dài. Người dân vẫn đang phải thường xuyên sống trong nguy hiểm.
Phạm Bằng