Cần xử lý kiên quyết và dứt điểm
Mặc dù chưa được cấp phép sản xuất, kinh doanh suốt từ năm 2008 (và mới đây liên tục có quyết định tạm đình chỉ của chính quyền) nhưng cơ sở tái chế nhựa và bao bì Luận Phượng ở cụm tiểu thủ công nghiệp Thượng Sơn (xóm 15, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương) vẫn ngang nhiên hoạt động và liên tục gây ô nhiễm môi trường, bất chấp hàng chục kiến nghị của nhân dân và chính quyền địa phương.
(Baonghean) - Mặc dù chưa được cấp phép sản xuất, kinh doanh suốt từ năm 2008 (và mới đây liên tục có quyết định tạm đình chỉ của chính quyền) nhưng cơ sở tái chế nhựa và bao bì Luận Phượng ở cụm tiểu thủ công nghiệp Thượng Sơn (xóm 15, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương) vẫn ngang nhiên hoạt động và liên tục gây ô nhiễm môi trường, bất chấp hàng chục kiến nghị của nhân dân và chính quyền địa phương.
Có quyết định tạm đình chỉ vẫn hoạt động...
Chúng tôi có mặt tại khu cơ sở tái chế nhựa và bao bì Luận Phượng (cơ sở Luận Phượng) đúng vào khi các công nhân đang vận hành dây chuyền sản xuất. Đứng ở đầu ngõ đã nghe mùi xử lý bao bì bốc lên nồng nặc. Vào đến cơ sở sản xuất, đập vào mắt đầu tiên là hình ảnh người lao động làm việc trong điều kiện vệ sinh môi trường và điều kiện an toàn lao động không đảm bảo. Cơ sở chỉ chưa đến 10 lao động là nữ, nhưng không ai được trang bị đồ bảo hộ lao động, không có khẩu trang, găng tay bảo vệ. Xung quanh khu vực sản xuất, nước cùng với hóa chất để tẩy rửa chảy lênh láng, bốc mùi hắc nồng khó chịu. Người ở lâu có thể đau đầu, chóng mặt…
Chế biến hạt nhựa tại cơ sở sản xuất Luận Phượng.
Là người sống gần cơ sở sản xuất Luận Phượng, ông Nguyễn Ngọc Hoàng – xóm 15 cho biết: “Từ ngày cơ sở đi vào sản xuất, không khí bị ô nhiễm trầm trọng, người dân chúng tôi không thở được. Ban ngày thì mùi hóa chất, bao bì, nhưng khó chịu hơn là vào ban đêm. Thường thì cứ khoảng 9h tối đến 5h sáng cơ sở bắt đầu đốt nhựa để sản xuất ra hạt. Lúc này mùi nhựa bốc lên khét cả làng, có khi còn lan ra đến xóm 7, xóm 8, xóm 9. Tiếng máy chạy ầm ầm cả đêm. Ông Nguyễn Văn Biểu, Xóm trưởng xóm 15 cũng phản ánh: Chưa lần nào họp xóm mà dân không đề cập đến vấn đề này, có lần đang họp thì nhà máy hoạt động, bà con bức xúc quá bỏ về hết. Ngoài ra, nhà máy còn thường xuyên xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm cho một số cánh đồng như đồng Ác, cửa Đập, hàng Tre bị ô nhiễm trầm trọng, bà con đi làm đồng về đều bị ngứa, gẻ lở. Bên cạnh đó là mùi đốt nhựa, tiếng ồn vào ban đêm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bà con. Nhiều người phải bịt khẩu trang, thậm chí chỉ ước một đêm mất điện để ngủ cho được yên.
Thực tế, qua quá trình kiểm tra, UBND huyện Đô Lương và UBND xã Thượng Sơn cũng đã nhiều lần lập biên bản cơ sở sản xuất Luận Phượng vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Trong đó ngày 30/8/2011, UBND huyện Đô Lương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Luận - chủ cơ sở sản xuất Luận Phượng 1.250.000 đồng do: thực hiện không đầy đủ các nội dung trong bản cam kết về môi trường đã được phê duyệt. Ngày 7/1/2012, UBND xã cũng bắt quả tang lái xe Lê Văn Sáu (xóm 5, xã Quang Sơn), Nguyễn Quang Kiểm (Hiến Sơn, Đô Lương) đổ 4m3 chất thải rắn từ cơ sở sản xuất nhựa Luận Phượng ra khu vực Cầu Môi không đúng nơi quy định và huyện đã tiến hành xử phạt 6.500.000 đồng. Ngày 20/9/2012, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh xử phạt 2.500.000 đồng vì đã vi phạm các quy định về cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường có tính chất quy mô, vi phạm các quy định về nước xả thải.
Đặc biệt, sau kết quả kiểm tra ngày 2/1/2013 với những vi phạm như: Vi phạm quy định về xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép… UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hộ ông Lê Văn Luận 100.000.000 đồng. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay UBND huyện Đô Lương cũng đã 3 lần ra quyết định tạm đình chỉ sản xuất đối với cơ sở Luận Phượng, lần gần đây nhất là ngày 14/11/2012 và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tất Hảo – Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn thì: “Chủ doanh nghiệp Luận Phượng vẫn cố tình không chấp hành, không những nhiều lần chưa nộp phạt mà còn ngang nhiên hoạt động, hoạt động công khai… bất chấp tính mạng và sức khỏe của hàng chục hộ dân liền kề…”.
Hệ quả của việc buông lỏng quản lý
Do có quá nhiều kiến nghị của người dân và nhiều quyết định tạm đình chỉ của chính quyền nhưng doanh nghiệp Luận Phượng vẫn không chấp hành. Ngày 5/12/2012, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Thượng Sơn đã bất ngờ tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất Luận Phượng. Tuy vậy, một lần nữa đoàn lại bắt gặp thái độ bất hợp tác của chủ cơ sở, buộc đoàn phải tự mở tấm lưới B40 để vào bên trong. Quá trình kiểm tra và lập biên bản vì có sự bất hợp tác nên UBND xã Thượng Sơn đã sử dụng còng để còng tay bà Nguyễn Thị Trúc - công nhân trong xưởng về UBND xã, mục đích là để “bà làm chứng việc cơ sở Luận Phượng sản xuất trái quy định”.
Về sự việc trên, ông Nguyễn Tất Hảo – Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn đã thừa nhận “xã làm chưa đúng” nhưng đó là trong tình huống bắt buộc chứ không có việc đánh đập dã man như đơn của bà Nguyễn Thị Trúc đã tố cáo. Ngay sau đó, lãnh đạo xã cũng đã tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Sự việc ngày 5/12/2012 cũng khiến cho mâu thuẫn giữa cơ sở Luận Phượng và chính quyền huyện Đô Lương càng thêm căng thẳng. Tuy vậy, cũng sau sự việc này, lật lại toàn bộ quá trình quản lý, cấp phép của huyện Đô Lương đối với cơ sở Luận Phượng nói riêng và hoạt động của khu tiểu thủ công nghiệp xã Thượng Sơn nói chung còn nhiều sai phạm. Cụ thể, Khu tiểu thủ công nghiệp xã Thượng Sơn được xây dựng đề án từ năm 2004 và đến năm 2008 đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhưng từ đó đến nay chưa được UBND tỉnh cấp quyết định thành lập và chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Cũng chính vì lý do đó nên một thời gian dài, khu tiểu thủ công nghiệp hoạt động ngay trong khu dân cư, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, điện sản xuất dùng chung một dòng điện với đường điện sinh hoạt, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung… nhưng vẫn không được phát hiện và kịp thời xử lý.
Nghiêm trọng hơn, cơ sở Luận Phượng đi vào hoạt động từ năm 2008 với quy mô ngày càng lớn, thế nhưng 4 năm liền cơ sở hoạt động mà không có Giấy phép kinh doanh. Phải đến ngày 24/7/2012 UBND huyện Đô Lương mới tiến hành cấp phép. Càng đặc biệt hơn, đây cũng là ngày ông Võ Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện ra thông báo tạm thời đình chỉ sản xuất cơ sở Luận Phượng. UBND huyện Đô Lương cũng đã cấp Quyết định cho thuê đất số 52/QĐ. UBND ngày 25/3/2012 và cấp Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường số 279/UBND.TN ngày 25/3/2012, tuy nhiên nội dung bản cam kết còn thiếu khoa học và việc cấp xác nhận còn chưa đúng quy trình do cấp giấy xác nhận khi chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán, tái chế phế liệu nhựa; nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường không đảm bảo tính khoa học, thiếu yếu tố định lượng các loạt phát thải và các biện pháp xử lý môi trường…
Ngoài ra, cơ sở Luận Phượng đi vào hoạt động từ năm 2008, tuy nhiên vẫn chưa có đầy đủ thủ tục về tài nguyên môi trường, chưa có giấy phép khai thác nguồn nước dưới đất, chưa thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, chưa thực hiện lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hiểm và thực hiện báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại định kỳ…
Về vấn đề này, ông Võ Văn Ngọc thừa nhận có những thiếu sót trong quá trình quản lý khu tiểu thủ công nghiệp xã Thượng Sơn cũng như quản lý cơ sở tái chế nhựa và bao bì Luận Phượng bởi “thời điểm ấy, huyện muốn chủ trương đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nên có phần nóng vội”.
Riêng về những tồn tại hiện nay ở xung quanh cơ sở Luận Phượng, ông Võ Văn Ngọc cho biết, hiện huyện Đô Lương đưa ra hai hướng giải quyết: Một là tiến hành di dời cơ sở sản xuất sang địa điểm khác và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo các vấn đề về giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hai là, nếu cơ sở Luận Phượng muốn hoạt động tại địa điểm cũ thì phải đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Ngày 9/4/2013, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cũng đã chủ trì hội nghị kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến cơ sở sản xuất Luận Phượng, cũng như các cá nhân trong việc tham mưu thủ tục hoạt động của cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là huyện cần phải đưa ra được những giải pháp cụ thể, hợp tình, hợp lý và kiên quyết hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở sản xuất Luận Phượng gây ra nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Mỹ Hà - Khánh Ly