Cần xử lý nghiêm tình trạng lang băm điều trị bệnh dại, gây chết người
Trên địa bàn hiện có nhiều lang băm dùng phương pháp phi khoa học thử phát hiện bệnh dại, dùng thuốc nam để điều trị cho bệnh nhân bị chó dại cắn, gây tử vong.
8 người chết do bệnh dại và lang băm
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An: Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 8 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại huyện Thanh Chương (3 ca), huyện Con Cuông (1 ca), huyện Quế Phong (1 ca), huyện Tân Kỳ (1 ca), huyện Nghĩa Đàn (1 ca), Quỳnh Lưu (1 ca). Số ca mắc bệnh dại và tử vong năm 2024 bằng với năm 2023. Cả 8 trường hợp tử vong này đều không tiêm phòng bệnh dại; có đi thầy lang và sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại.
Trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh dại mới nhất được ghi nhận tại huyện Quỳnh Lưu. Bệnh nhân là bà C.T.Q (74 tuổi). Khai thác dịch tễ thì được biết: Bệnh nhân bị chó nhà cắn khoảng hơn 2 tháng trước ngày phát bệnh. Bệnh nhân không xử trí gì, không đi tiêm phòng vắc-xin, về nhà vẫn sinh hoạt bình thường. Sau đó bệnh nhân có đi thử phát hiện bệnh dại ở nhà một thầy lang và được trả lời không bị bệnh dại.
Biện pháp duy nhất để cứu những người bị súc vật bị bệnh dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại là phải tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam để tránh cái chết oan uổng. Bộ Y tế đã thử nghiệm và khẳng định thuốc nam không chữa được bệnh dại.
Câu chuyện người dân sau khi bị chó, mèo bị bệnh dại cắn, không đi tiêm phòng mà tìm đến các vị “lang băm” điều trị, để rồi tử vong... thật sự hết sức đáng trách. Hơn ai hết, chính bản thân bệnh nhân và người thân trong gia đình phải chịu trách nhiệm về cái chết này do thiếu hiểu biết. Tiếp đến, đó là trách nhiệm của các thầy lang - lang băm. Những người này biết rõ thuốc nam không thể chữa được bệnh dại nhưng vẫn nhận chữa, dẫn đến những cái chết thương tâm.
Điều đáng nói, ở thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều lang băm hành nghề, dùng phương pháp phi khoa học để thử phát hiện bệnh dại, dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại. Hàng năm, vẫn có hàng nghìn người bị chó, mèo cắn không tiêm vắc-xin bệnh dại và huyết thanh kháng bệnh dại mà lại đến nhờ cậy lang băm.
Vì sao lang băm còn “đất sống”?
Mới đây, Trung tâm Y tế thị xã Cửa Lò (cũ) thực hiện giám sát về việc sử dụng thuốc nam để chữa bệnh dại của ông Nguyễn Đình Hùng, địa chỉ số nhà 41, đường Nguyễn Trọng Đạt, khối Trần Phú, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò (cũ). Trong cuốn sổ của ông Hùng ghi thông tin về các trường hợp đến điều trị thì từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, đã có 273 trường hợp đến thử và bốc thuốc nam tại nhà ông Nguyễn Đình Hùng để chữa bệnh dại, trong đó có 244 người dân tỉnh Nghệ An.
Một cán bộ y tế trong đoàn cho biết: Ngày 03/12/2024, trung tâm đã có Công văn số 720/BC- TTYT về kết quả giám sát người tổ chức khám, chữa bệnh dại bằng thuốc nam; bàn giao vụ việc cho UBND phường Nghi Hương kiểm tra, xử lý theo quy định.
“Vẫn biết thầy lang điều trị bệnh dại gây chết người nhưng những thầy lang này vẫn tồn tại và có đất sống?”. Bác sĩ Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: Theo quy định, những người hành nghề y dược tư nhân phải được quản lý, nếu vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, có trường hợp cần khởi tố. Để xử lý được trường hợp nói trên “cuốn sổ ghi thông tin” mới chỉ là một tài liệu để đấu tranh buộc người vi phạm phải thừa nhận hành vi của mình. Việc tìm được bằng chứng xử lý không đơn giản, cần phải bắt quả tang vi phạm, cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng và đấu tranh bằng nhiều biện pháp.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Di - Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An: Nhiều người đã lầm tưởng có những trường hợp sau khi bị chó cắn mang đến thầy lang thì được chữa khỏi. Nhưng trên thực tế, con chó cắn người đó không hề bị bệnh dại. Khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da. Hàng năm, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đã và đang có hàng chục người chết oan vì lang băm thăm khám rồi cho thuốc chữa và bỏ không đi tiêm vắc-xin... Lang băm tồn tại “có đất sống” dựa trên sự may mắn và thiếu hiểu biết của người dân.
Tăng cường truyền thông, xử lý vi phạm
Để phòng chống bệnh dại, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, công điện, văn bản phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh dại nói riêng...
Liên quan đến việc xử lý các cơ sở, cá nhân tuyên truyền, sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại, tháng 11/2022, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại và hạn chế tình trạng sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy các trường hợp tử vong do bệnh dại chưa giảm, còn rất đông người tin lời lang băm, đặc biệt còn nhiều lang băm đang hành nghề. Điều này đã chỉ ra rằng: Các văn bản chỉ đạo chưa được thực hiện nghiêm. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các địa phương trong công tác quản lý hành nghề y, dược trên địa bàn; cũng như công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh dại.
Ngày 11/12/2024, Sở Y tế Nghệ An tiếp tục có Văn bản số 4268/SYT-NVY “về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vinh và các đơn vị y tế trên địa bàn: Đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của lực lượng công an, tổ chức thường xuyên kiểm tra các cơ sở có hành vi tuyên truyền, sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Sở Y tế giao Phòng Thanh tra chủ trì, phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các phòng, đơn vị liên quan tham mưu biện pháp xử lý đối với các cơ sở có hành vi tuyên truyền, sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn./.