Căng thẳng chưa từng có trên chính trường Mỹ

12/03/2015 08:54

(Baonghean) - Cuộc chiến đảng phái trên chính trường Mỹ đang leo thang tới nấc căng thẳng hơn sau bức thư mà 47 thượng nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm một số nhân vật có thể tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 gửi cho Iran. Mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không còn là chuyện lạ kể từ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm ngoái khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại lưỡng viện, nhưng đây là lần đầu tiên một đảng phái chính trị lại can thiệp vào cuộc đàm phán quốc tế của Tổng thống với tư cách đại diện quốc gia – một sự việc không mấy hay ho đối với hình ảnh nước Mỹ.

Đe dọa quyền lực Tổng thống - sự việc chưa có tiền lệ

Bức thư mà 47 thành viên Đảng Cộng hòa gửi tới các nhà lãnh đạo Iran do Thượng nghị sĩ Tom Cotton chấp bút với nội dung khẳng định rằng Quốc hội Mỹ sẽ bác bỏ thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Iran. Bức thư nêu rõ: “Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ chỉ là một văn bản giữa cá nhân Tổng thống Barack Obama và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei. Tổng thống Mỹ mới có thể sẽ hủy bỏ thỏa thuận đó chỉ bằng một chữ ký và quốc hội mới có thể điều chỉnh nội dung của thỏa thuận bất kỳ lúc nào”. Ông Cotton cho biết, lá thư được gửi tới các nhà lãnh đạo Iran để họ “hiểu thêm về hệ thống hiến pháp Mỹ, đó là bất kỳ thỏa thuận nào giữa Tổng thống Barack Obama và lãnh tụ tối cao Iran Khamenei chỉ có tác dụng như một hiệp định chứ không phải luật, vốn yêu cầu phải được 2/3 số phiếu Thượng viện thông qua”. Lý do mà ông Cotton đưa ra khi kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa ký tên vào bức thư là các thỏa thuận giữa Mỹ và Iran sẽ hết hạn sau 10 năm, và khi đó Iran có thể tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, gây nguy hiểm cho Mỹ và thế giới.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton - người chấp bút bức thư gây tranh cãi.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton - người chấp bút bức thư gây tranh cãi.

Bức thư mà nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa gửi tới Iran đã ngay lập tức làm dậy sóng chính trường Mỹ. Hàng loạt quan chức của Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích phe Cộng hòa với luận điểm chung là phe này vi phạm hiến pháp, cố tình gây phương hại cho chính sách ngoại giao của Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi hành động của phe Cộng hòa là “tự đặt mình ngang hàng với lực lượng bảo thủ tại Iran chống lại các nỗ lực ngoại giao của Mỹ”, và đó là “một liên minh không bình thường”. Phó Tổng thống Joe Biden cũng không nhẹ lời hơn khi cáo buộc phe Cộng hòa làm tổn thương khả năng của các Tổng thống Mỹ trong tương lai trong việc thay mặt nước Mỹ tiến hành các cuộc thương lượng mang tính quốc tế. Ông Biden nhấn mạnh: “Lá thư này không xứng với tầm vóc của quốc hội. Nó gửi đi một thông điệp sai lầm tới cả bạn bè và kẻ thù của Mỹ rằng tổng tư lệnh của nước Mỹ không thể thực hiện các cam kết của Mỹ. Đó là một thông điệp sai trái và nguy hiểm”.

Những mâu thuẫn đảng phái không còn là chuyện lạ trên chính trường Mỹ, nhất là từ sau khi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát tại lưỡng viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm ngoài. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên mâu thuẫn này được sử dụng để can thiệp vào một cuộc đàm phán của Tổng thống Mỹ với tư cách người đứng đầu một quốc gia. Có lẽ vì vậy mà ngay bản thân một số thành viên Đảng Cộng hòa – những người không ký tên vào bức thư cũng cảm thấy điều gì đó “không ổn” của hành động này với suy nghĩ liệu đây có phải là một nỗ lực “thiếu ngay thẳng” nhằm “làm khó” Tổng thống?

Không còn là “chuyện trong nhà”

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng phe Cộng hòa cùng với lực lượng bảo thủ tại Iran chống lại các nỗ lực ngoại giao của Mỹ. Bởi trước khi gửi bức thư “chưa từng có tiền lệ” tới các lãnh đạo Iran, những nghị sĩ thuộc phe Cộng hòa đã nhiều lần phản đối việc chính quyền Mỹ đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Mới đây nhất, sau khi Thủ tướng Iran Benjamin Netanyahu có bài phát biểu gây tranh cãi trước Quốc hội Mỹ, thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã trình một dự luật lên Thượng viện yêu cầu chính quyền của ông Barack Obama phải trình Quốc hội phê chuẩn bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào đạt được với Iran.

Với tên gọi “Đạo luật xem xét chương trình hạt nhân Iran”, dự luật quy định Tổng thống Obama sẽ phải trình Quốc hội mọi thỏa thuận đạt được với Iran trong vòng 5 ngày, và Quốc hội sẽ có 60 ngày để thảo luận và xem xét trước khi quyết định có phê chuẩn hay không. Tất nhiên, Tổng thống Obama không muốn “mang tiếng” là để Quốc hội với sự kiểm soát của phe Cộng hòa gây sức ép trong các quyết định của mình. Bởi vậy ông đã tuyên bố sẽ dùng quyền của mình để phủ quyết dự luật này ngay cả khi lưỡng viện thông qua. Việc gửi thư tới Iran có thể là “lá bài” mới của phe Cộng hòa khi họ nhận thấy rằng “Đạo luật xem xét chương trình hạt nhân Iran” mà họ đang xúc tiến thông qua sẽ không gây được sức ép với Tổng thống Obama.

Sau những mâu thuẫn không kém phần căng thẳng liên quan đến đường ống dẫn dầu Keystone XL, hồ sơ Iran cho thấy cuộc đối đầu giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa đã lan từ những vấn đề đối nội sang đối ngoại. Và cuộc đối đầu này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Tổng thống Mỹ đã từng nêu rõ quan điểm của mình trong Thông điệp Liên bang năm 2015 rằng ông sẽ làm tất cả những gì có thể theo quyền hạn được Hiến pháp cho phép trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ để quyết định các vấn đề quan trọng. Thế nhưng, nếu mâu thuẫn giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ trong các vấn đề như bảo hiểm y tế, nhập cư, hay cả đường ống dẫn dầu Keystone XL vẫn chỉ là “chuyện trong nhà”, thì với hồ sơ Iran, những mâu thuẫn này có thể xói mòn những nỗ lực đàm phán quốc tế.

Hiện nay, nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đang nỗ lực đàm phán với Iran để ngăn quốc gia này chế tạo thành công một quả bom nguyên tử. Chính phủ Mỹ là một bên chủ chốt trên bàn đàm phán với những quan điểm đưa ra có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới. Không những vậy, theo các nhà phân tích, nếu như chính quyền kế nhiệm ông Obama thu hồi bất cứ thỏa thuận nào với Iran thì đó sẽ là hành động xâm phạm luật pháp quốc tế. Bởi vậy, như lời của Thượng nghị sĩ Mỹ Harry Reid, việc một đảng phái chính trị can thiệp trực tiếp vào các cuộc đàm phán quốc tế, với mục tiêu duy nhất là “làm xấu mặt Tổng thống” chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế và hình ảnh của nước Mỹ, làm suy giảm lòng tin của các đối tác khi quyết định của người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới lại trở nên vô giá trị.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Căng thẳng chưa từng có trên chính trường Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO