Căng thẳng tỷ giá
Giá bán USD của ngân hàng (NH) bằng với giá ở thị trường tự do - diễn biến này đang khiến các doanh nghiệp (DN) đứng ngồi không yên, trong khi đây là lúc cao điểm chuẩn bị cho thị trường cuối năm.
DN bị bắt chẹt
Ông Trần Tấn Hùng - đại diện của một DN xuất nhập khẩu có trụ sở tại Q.4 (TP.HCM) - cho biết ngày 20.10, giá USD công bố bán ra của các NH thương mại là 20.945 đồng/USD. Thế nhưng DN có nhu cầu thanh toán đều phải chịu thêm phí thanh toán 4% trở lên, tương đương 21.782 đồng/USD, trong khi giá USD thị trường tự do cùng thời điểm là 21.600 đồng/USD. Đến ngày 26.10, NH đã thông báo phí thanh toán tăng lên 4,5%. Ông Hùng bức xúc: Việc phải thanh toán thêm khoản phí khi mua USD đã làm tăng chi phí đầu vào của DN, đây là một kiểu bắt chẹt DN. “Mức phí thanh toán của các NH hầu như thay đổi từng ngày và lấy giá USD trên thị trường tự do làm cơ sở áp dụng. Nếu tình trạng cứ tiếp tục thế này, chúng tôi buộc phải xem lại kế hoạch nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, dự trữ hàng hóa cho cuối năm”, ông Hùng nói.
Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - cũng cho biết: DN phải mua USD tại NH nhưng lúc nào cũng bằng giá USD trên thị trường tự do. Ông Thái nhận xét: tỷ giá công bố của các NH không có giá trị trên thực tế. Bất kể DN giao dịch vào lúc nào cũng phải thanh toán theo giá USD trên thị trường tự do. Nếu không thì sẽ không có ngoại tệ để thanh toán nguyên vật liệu nhập khẩu.
Tương tự, nhiều DN phân phối hàng điện tử, công nghệ thông tin cũng cho biết nếu không chấp nhận trả thêm mức phí thanh toán khi mua USD tại NH thì bản thân DN phải tự đi mua USD bên ngoài. Thậm chí một số NH thông báo rõ không đủ USD để bán và DN phải tự mình xoay xở.
Hiện giá USD của các ngân hàng đã cao bằng giá ở thị trường tự do - Ảnh: Đ.N.Thạch
Giá USD bùng phát mạnh
Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết giá USD bùng phát mạnh trong 2 tuần qua là do các NH tranh nhau mua USD sau khi thực hiện bán vàng. Chỉ trong vài ngày mà lượng USD cần mua lên đến hơn 500 triệu khiến giá USD tăng cao. Bên cạnh đó, việc nhiều khoản vay USD của DN đáo hạn cộng với nhu cầu thanh toán cuối năm phần nào gây áp lực lên tỷ giá.
Ông Huỳnh Bửu Quang - Giám đốc toàn quốc khối dịch vụ tài chính DN NH HSBC VN - nhận xét: “Các DN thường “đánh cược” vào tỷ giá bằng cách vay ngoại tệ lãi suất thấp hơn khoảng 10% so với vay tiền đồng vì cho rằng tỷ giá không biến động đến hết mức này. Do vậy nhiều DN đã lỗ do tỷ giá, có DN lỗ cả 100 tỉ đồng trong năm. Trong khi rủi ro này hoàn toàn có thể kiểm soát bằng cách sử dụng các công cụ quản trị rủi ro”.
Khó giảm giá hàng hóa
Việc giá USD của các NH cao bằng giá ở thị trường tự do đã gây khó cho DN trong việc kềm giữ giá bán vào cuối năm. Trong tháng 10 vừa qua, giá phôi thép thế giới giảm khoảng 4-5% so với trước đó nhưng giá bán thép xây dựng trong nước vẫn không thay đổi. Theo ông Đỗ Duy Thái, giá phôi giảm nhưng DN nhập khẩu về lại thanh toán bằng giá USD với mức tăng tương đương. Đó là lý do chính khiến DN khó giảm giá bán ra. Từ nay đến cuối năm, ông Thái còn e ngại nếu giá USD tiếp tục gia tăng thì DN phải chịu giảm lợi nhuận để duy trì ổn định thị trường.
Ông Đoàn Hồng Việt - Tổng giám đốc Công ty CP Thế giới số - nhận định xu hướng sản phẩm công nghệ thông tin nói chung luôn giảm giá sau một thời gian, nhất là khi có những sản phẩm thế hệ mới ra đời. Tuy nhiên với tình trạng giá USD tăng như hiện nay thì có rất ít sản phẩm được giảm giá. Ngược lại các nhà phân phối phải tăng giá bán ra từ 2 - 4% tùy sản phẩm. “Giá sản phẩm không thể không tăng vì gần như 100% sản phẩm công nghệ thông tin đều phải nhập khẩu từ nước ngoài nên chúng tôi phải thanh toán hoàn toàn bằng USD”, ông Việt nói.
Theo ông Trần Tấn Hùng, NH Nhà nước nên xem xét và có chính sách ưu đãi bán USD cho các DN có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm, thời điểm giá hàng hóa thường tăng cao.
Theo Thanh niên