Pháp luật

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo thông qua mở tài khoản ngân hàng

Tiến Đông 19/11/2024 12:26

Thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản ngân hàng ngày càng phổ biến và không thể thiếu trong đời sống người dân. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn.

Dùng giấy tờ giả mở tài khoản thật

Ngày 12/9/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Tất Thắng (SN 1988), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1990), cùng trú tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An); Phùng Anh Tuấn (SN 1990), Lê Văn Thắng (SN 2000), cùng trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Minh Hà (SN 1992, trú tại tỉnh Bắc Ninh); Hoàng Thái Bảo (SN 1996, trú tại tỉnh Thái Nguyên), Phạm Đỗ Anh Tuấn (SN 1988, trú tại tỉnh Gia Lai), Lã Xuân Thiện (SN 1997, trú tại tỉnh Thanh Hóa), về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

Các đối tượng trong nhóm làm giả và buôn bán tài khoản ngân hàng
Các đối tượng trong nhóm làm giả và mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Ảnh: Tư liệu

Theo cáo trạng của cơ quan chức năng, do muốn có tiền tiêu xài nên từ đầu năm 2023 đến tháng 12/2023 Nguyễn Tất Thắng đã thuê Nguyễn Minh Hà làm giả 31 căn cước công dân để mở 117 tài khoản ngân hàng. Sau đó, Nguyễn Tất Thắng thuê Lê Văn Thắng dùng mã giới thiệu từ tài khoản ngân hàng mà Thắng đang dùng rồi sử dụng các voucher – chương trình khuyến mãi nhận tiền thưởng nhận được để thanh toán tiền điện, tiền nước, thu lợi bất chính hơn 17 triệu đồng.

Đối tượng Nguyễn Tất Thắng
Đối tượng Nguyễn Tất Thắng - chủ mưu, tại cơ quan chức năng. Ảnh: Tư liệu

Ngoài ra, Nguyễn Tất Thắng còn thuê Nguyễn Văn Tuấn và Phùng Anh Tuấn làm giả hàng nghìn căn cước công dân giả và dùng để mở hàng nghìn tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại cho nhiều đối tượng khác nhau.

Tại phiên tòa, căn cứ vào bản cáo trạng và xem xét vai trò của từng bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Tất Thắng 10 năm tù về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

Các bị cáo Nguyễn Văn Tuấn; Nguyễn Minh Hà và Phùng Anh Tuấn lần lượt lĩnh án 40 và 39 tháng tù vì tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Các đối tượng
Các đối tượng tại phiên tòa xét xử vào ngày 12/9/2024. Ảnh: Tư liệu

Các bị cáo Hoàng Thái Bảo; Phạm Đỗ Anh Tuấn; Lã Xuân Thiện bị tuyên phạt từ 39 đến 24 tháng tù vì tội "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng"; riêng Lê Văn Thắng bị tuyên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Không riêng gì nhóm đối tượng nói trên, trước đó, vào ngày 3/7/2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An nhận được đơn trình báo của một ngân hàng có chi nhánh ở TP. Vinh về việc bị một nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng đã bắt giữ các đối tượng Nguyễn Thế Tuấn (SN 1989, trú tại TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) và Võ Trọng Huy (SN 1988, trú tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Theo kết quả điều tra, từ tháng 5/2023 đến tháng 7/2023, Tuấn và Huy đã sử dụng nhiều giấy CMND giả đến các trụ sở ngân hàng trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… tiến hành lập các tài khoản ngân hàng mạo danh.

bna_cmnd.jpeg
Một loạt CMND giả, cùng 1 gương mặt nhưng mang nhiều tên, là tang vật của một vụ án được cơ quan chức năng thu giữ được. Ảnh: Tư liệu

Sau khi đã mở được các tài khoản ngân hàng từ chứng minh nhân dân giả, các đối tượng đã bán thông tin kèm mật khẩu đăng nhập, mã OTP cho 1 đối tượng khác có tài khoản Telegram tên là "H.N" với giá từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng/tài khoản. Đối tượng "H.N" sau đó đã dùng thủ đoạn hack vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng.

Mạo danh mở tài khoản thanh toán

Anh N.Đ.T (trú tại TP. Vinh), chia sẻ, mới đây số điện thoại mà anh dùng để nhận tin nhắn từ ngân hàng bỗng nhiên nhận được thông báo rằng, mình đã mở thành công tài khoản thanh toán. Dù trên thực tế, anh T. không hề đến quầy giao dịch hay thực hiện bất cứ giao dịch mở tài khoản thanh toán nào bằng hình thức online, bởi anh đã có 1 tài khoản dùng để thanh toán tiền lương và giao dịch từ trước đến nay.

Nhận thấy sự bất thường nói trên, sau đó anh T. đã liên hệ trực tiếp với phía ngân hàng đề nghị kiểm tra, làm rõ.

Sau một thời gian ngắn, anh T. đã nhận được phản hồi từ phía ngân hàng và cho biết, có một người ở tỉnh Đắk Nông đã sử dụng thông tin của anh để mở tài khoản thanh toán. Sau khi báo cáo sự việc trên thì tài khoản giả mạo đó đã bị khóa.

Tang vật
Tang vật của một vụ án liên quan đến mua bán trái phép tài khoản ngân hàng. Ảnh: Tư liệu

Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, hiện nay, các đối tượng sử dụng CNTT để lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, một số thủ đoạn điển hình như nhắn tin, điện thoại đến số điện thoại của người dân yêu cầu nâng cấp SIM từ 3G lên 4G hoặc 5G để nâng cao chất lượng truy cập Internet, sau đó chiếm quyền kiểm soát SIM của người dùng, chuyển hướng mọi cuộc gọi và tin nhắn OTP đến số điện thoại của đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của bị hại.

Một số đối tượng còn dùng thủ đoạn nhắn tin, gọi điện yêu cầu người dân chuẩn hóa tài khoản điện tử VneID, để người dân cung cấp thông tin căn cước công dân rồi dùng đó mở tài khoản thanh toán ngân hàng nhằm thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, nhất là dùng tài khoản đó làm nơi trung chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, vào ngày 28/6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT) tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, nhằm hướng dẫn việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán nhằm phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành (Luật Căn cước năm 2023, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022...).

tin nhắn
Một tin nhắn thông báo mở tài khoản thanh toán gửi đến người dân, nhưng đây lại là tài khoản giả mạo không phải do khách hàng trực tiếp đứng ra mở. Ảnh: TĐ

Theo thông tư này, việc mở tài khoản thanh toán sẽ được siết chặt hơn, khi cá nhân mở tài khoản thanh toán bắt buộc phải cung cấp các giấy tờ tùy thân như: Thẻ căn cước; Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2), đối với công dân Việt Nam; Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch...

Ngoài ra, việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử cần phải thực hiện đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản thanh toán...

Tuy nhiên, theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần phải tự mình nâng cao cảnh giác, nhất là việc kiểm soát chặt chẽ việc mở, đăng ký dịch vụ tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không cho mượn hay đăng tải thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân lên mạng xã hội, không mua bán, sử dụng các tài khoản ngân hàng được rao bán trên mạng xã hội… tránh kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội...

Người dân cũng cần cảnh giác trước các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, hoặc từ các tin nhắn, email yêu cầu quét mã QR. Tuyệt đối không bấm vào các đường link không rõ nguồn gốc được nhận qua tin nhắn/email. Không đăng ký tài khoản/định danh điện tử hộ người khác. Nếu không thì rất có thể sẽ trở thành một "mắt xích" bất đắc dĩ trong một đường dây lừa đảo nào đó mà mình không hề hay biết.

Mới nhất

x
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo thông qua mở tài khoản ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO