Cảnh báo gia tăng đột quỵ não, ngộ độc do đốt than sưởi ấm khi trời rét đậm

(Baonghean.vn) - Phòng bệnh trong thời tiết rét đậm, rét hại, các bác sỹ khuyên mọi người dân giữ ấm cơ thể; thực hiện ăn uống khoa học; không nên sưởi ấm bằng đốt than, củi, rất dễ ngộ độc.
3 người nhập viện vì đốt than sưởi ấm
Sáng 3/12, Bệnh viện Đa khoa Tp. Vinh tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc khí carbon monoxide (CO). Đây là 3 người trong 1 gia đình ở huyện Hưng Nguyên, gồm bà, mẹ và cháu sơ sinh mới 2 ngày tuổi. Cả 3 nhập viện trong tình trạng nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau ngực, khó thở, yếu người, lơ mơ, ngất xỉu...
Bác sĩ  Ngô Nam Hải - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Đa khoa Tp. Vinh cho hay: Nguyên nhân ngộ độc là do sử dụng, đốt than sưởi nhằm chống chọi với giá rét trong phòng kín. Trong diện tích phòng kín, lò than âm ỉ cháy, liên tục sản sinh khí CO đã khiến cả 3 thành viên bị nhiễm độc. Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 6-7 vụ ngộ độc tương tự với gần 20 người mắc...
Hàng năm, Bệnh viện ĐK Tp.Vinh tiếp nhận cấp cứu gần 20 trường hợp ngộ độc khí CO. Ảnh: Thành Chung
Hàng năm, Bệnh viện ĐK Tp.Vinh tiếp nhận cấp cứu gần 20 trường hợp ngộ độc khí CO. Ảnh: Thành Chung
Ngộ độc khí CO là một dạng ngộ độc phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong cao cho người bệnh mắc phải. Khí CO được tạo ra khi nhiên liệu bị đốt cháy không hoàn toàn. Khi có quá nhiều khí CO trong không khí, cơ thể sẽ hấp thụ khí CO thay vì khí oxy, từ đó dẫn đến ngộ độc khí CO. Các nguồn thải ra khí CO chủ yếu bao gồm: lò lửa, khí thải từ động cơ xe, lò củi, máy sưởi bằng dầu hỏa, và máy sưởi bằng khí gas. Hít quá nhiều khói của một đám cháy cũng có thể gây ngộ độc khí CO...Đã có rất nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc khí CO, chủ yếu ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Cả ba bệnh nhân ở huyện Hưng Nguyên nói trên đều ngộ độc khí CO rất nặng. Sau 1 ngày điều trị, thì người mẹ đã tỉnh táo. Bệnh viện đã thực hiện chuyển cả 3 bệnh nhân sang Bệnh viện HNĐK tỉnh để điều trị liệu bằng oxy cao áp (HBO) để giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của biến chứng thần kinh mãn tính sau ngộ độc CO.
Bác sĩ Ngô Nam Hải khuyến cáo: “Bước vào những ngày giá rét, người dân cần đặc biệt phải thận trọng với các thiết bị sưởi ấm bằng than tổ ong, than củi. Than cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra loại khí cực độc là carbon monoxide, rất nguy hiểm. Nạn nhân khi hít phải khí này nặng thì bị tử vong, nhẹ hơn thì để lại di chứng thần kinh - tâm thần.
Khí CO là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích cho nên khi bị ngộ độc, nạn nhân thường không biết. Cho đến khi nạn nhân nhận biết được mình bị nhiễm độc thì bản thân họ không còn khả năng gọi cấp cứu được nữa. Trong trường hợp phát hiện ra nạn nhân bị nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi; cần khẩn trương mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt. Đồng thời nhanh chóng chuyển đến bệnh viện cáp cứu kịp thời”.
Giá rét, hàng chục người đột quỵ mỗi ngày
Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Đa khoa Tp. Vinh, trong thời tiết giá rét này, mỗi ngày, Khoa tiếp nhân từ 4-5 trường hợp bị đột quỵ...Còn tại Bệnh viện HNĐK tỉnh, số bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện gấp 10 lần. Phần lớn người bệnh đột quỵ não là người cao tuổi.
Mỗi ngày, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận hàng chục ca đột quỵ các loại. Ảnh: Thành Cường
Mỗi ngày, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận hàng chục ca đột quỵ các loại. Ảnh: Thành Cường
Người nhà ông T.T.Đ (72 tuổi, huyện Nghị Lộc, đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An) cho hay: Ông đang ngồi ăn cơm tối cùng gia đình thì đột ngột đau đầu dữ dội, nôn mửa, giảm ý thức. Đưa đến bệnh viện cấp cứu mới biết bị huyết áp tăng, đột quỵ não và chảy máu não.
Thời tiết rét đậm, rét hại nhiều nguy cơ tai biến cao đối với những người già, bên cạnh đó một số bệnh mạn tính sẽ tăng mạnh hơn bình thường. Nhóm nguy cơ cao chính là người già có tiền sử bệnh đái tháo đường và cao huyết áp.
TS.BS Nguyễn Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ chia sẻ: Trời lạnh dẫn đến tăng huyết áp do tăng hoạt tính hệ thần kinh giao cảm và hệ renin-agiotensin. Ngoài ra, lạnh ảnh hưởng huyết động do giảm tưới máu da, tăng bài tiết nước tiểu, tăng mất nước, tăng cô đặc máu... Lạnh còn ảnh hưởng đến động mạch và tim như tăng các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, tăng sự bất ổn định mảng xơ vữa, mảng xơ vữa dễ bị vỡ... Tất cả điều này dẫn đến làm tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não (nhồi máu não, chảy máu não).
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa khuyến cáo: Trong mùa lạnh, mọi người cần kiểm soát tốt lối sống của mình để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ não. Ảnh Thành Cường
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa khuyến cáo: Trong mùa lạnh, mọi người cần kiểm soát tốt lối sống của mình để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ não. Ảnh: Thành Cường
Đột quỵ não, bệnh tim mạch đang là 2 bệnh nằm trong 3 bệnh lý hàng đầu dễ dẫn đến tử vong. Vào mùa lạnh, để tránh đột quỵ não và tim mạch, những người đang bị các bệnh mang yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý van tim, rối loạn nhịp tim... cần phải uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ và tái khám đúng kỳ hẹn để kiểm soát bệnh. Khi người bệnh có những triệu chứng bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế có khoa Tim mạch, Thần kinh để khám nhằm phát hiện sớm.
Theo Tiến sĩ Hòa: Trong mùa lạnh, mọi người cần kiểm soát tốt lối sống của mình để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ não. Cụ thể là tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Bên cạnh đó là phải giữ ấm cơ thể. Với những người có thói quen dậy sớm, tập thể dục (nhất là người cao tuổi) cần tránh việc bị lạnh đột ngột. Có rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ não, đột quỵ tim khi đang tập thể dục buổi sáng, buổi tối, tắm... do bị lạnh đột ngột.
Biến chứng viêm phổi cấp
Không khí lạnh đã tác động không tốt với đường hô hấp. Tại Bệnh viện Phổi Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thời điểm này, số bệnh nhân tìm đến khám, điều trị tăng. Với người cao tuổi, các bệnh thường gặp là bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản mãn, viêm phổi mãn, hen suyễn cùng các biến chứng. Người cao tuổi bởi sức khỏe yếu, sức đề kháng cũng kém đi nên khi mắc các bệnh đường hô hấp thường nặng hơn, số ngày điều trị dài hơn.
Rét đậm. Ảnh Đức Anh
Mùa rét, trẻ dễ mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng, cúm nặng. Ảnh: Đức Anh
Bác sĩ Thái Đình Lâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An khuyến cáo: Với những người cao tuổi, để phòng bệnh cần chú trọng việc giữ ấm cơ thể. Người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính cần đi tiêm phòng. Đặc biệt, cần chú ý đến việc sử dụng rơm rạ, củi, than để sưởi ấm. Đã có nhiều người phải nhập viện điều trị do khói độc ảnh hưởng đường hô hấp.
Với trẻ nhỏ, các bệnh chủ yếu là viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng, cúm nặng...Có trẻ đến viện trong tình trạng tính mạng bị đe dọa bởi biến chứng viêm phổi cấp. Trong đợt rét này, không chỉ trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh mắc bệnh mà số trẻ trên 10 tuổi mắc bệnh đường hô hấp biến chứng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng gia tăng.
Bác sĩ Bùi Anh Sơn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi khuyến cáo: Trời rét đậm, số lượng trẻ phải nhập viện điều trị đang ngày một gia tăng. Trước diễn biến thời tiết này, người dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ như mặc đủ ấm, không nên cho trẻ ra ngoài đường, đặc biệt là phải giữ ấm cho trẻ trong nhà.
Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Ảnh: Đức Anh
Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Ảnh: Đức Anh
Nếu như trường hợp bắt buộc phải ra ngoài đường thì nên giữ ấm, nhất là vùng cổ, mặt, tay và chân cho trẻ. Bên cạnh đó, trong những ngày trời rét đậm, rét hại kéo dài cần cho trẻ nhỏ ăn đủ chất dinh dưỡng, nhất là hoa quả, làm ấm thức ăn, nước uống trước khi dùng, rửa tay sạch sẽ trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Khi thấy trẻ bị ho kéo dài, sốt cao, bỏ bú, ngủ li bì khó đánh thức... không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời./.

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.