Cảnh báo lãng phí nguồn lực
Việc chậm triển khai các dự án giao thông đang tạo dư luận “không thuận” đối với các tổ chức quốc tế về cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết điều ước quốc tế.
Hiện có 55 dự án ODA Nhật Bản đang triển khai với tổng số vốn 12,7 tỷ USD thuộc các lĩnh vực giao thông, năng lượng, môi trường... Tuy nhiên, những chi phí phát sinh từ việc kéo dài hợp đồng thêm 27 tháng là lý do nhà thầu Tokyo (Nhật Bản) yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ thêm 155 tỷ đồng ngoài hợp đồng. Ngân sách vốn đã eo hẹp nay đứng trước nguy cơ chịu thêm áp lực từ khoản tiền phạt và việc lần đầu tiên một nhà thầu đòi bồi hoàn do chậm tiến độ, rất có thể trở thành tiền lệ cho các nhà thầu khác.
Nguồn huy động vốn cho ngành giao thông chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng vốn ODA (khoảng 38,5%), đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông vận tải đang có tỷ lệ giải ngân thấp so với các lĩnh vực khác.
Ngân hàng Thế giới (WB) đang triển khai khoảng 55 chương trình, dự án tại Việt Nam. Các dự án giao thông và giao thông đô thị có tổng vốn là 1,7 tỷ USD. Năm 2013, các dự án giao thông WB giải ngân được 8% so với tốc độ chung là 17,47% của cả danh mục.
Tổng danh mục của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trị giá 7,7 tỷ USD, riêng ngành giao thông là 3,1 tỷ USD. Nhưng tỷ lệ giải ngân của ADB cũng không khả quan hơn so với WB. Tính đến thời điểm ngày 15/5/2013, tốc độ giải ngân chung của ADB chỉ đạt 5%, trong đó giải ngân ngành giao thông chỉ đạt 3%.
Tổng vốn đối ứng các dự án ODA do Bộ làm chủ đầu tư là 40.706 tỷ đồng, tương đương 1,938 tỷ USD. Riêng năm 2013, vốn đối ứng cần thiết cho các dự án này khoảng 6.581,9 tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2013, Bộ đã giải ngân được 2.267 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ADB cũng có số lượng các dự án giao thông đô thị phải gia hạn nhiều nhất. Mới đây, ADB đã có thông điệp là chỉ xem xét và đưa vào danh mục các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực giao thông khi có cải thiện trong giải ngân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trong một cuộc họp kiểm điểm dự án giao thông do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cho rằng, có 4 nguyên nhân chính gây chậm tiến độ các dự án giao thông. Thứ nhất, thiếu vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thứ hai, báo cáo khả thi và các văn kiện dự án không đạt chất lượng. Thứ ba, năng lực quản lý hợp đồng của chủ dự án chưa đạt yêu cầu. Thứ tư, các dự án đều có thời gian khởi động chậm.
Theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, nguồn vốn vay ưu đãi giảm dần trong giai đoạn tới, các dự án ngành giao thông sẽ phải sử dụng nguồn vốn kém ưu đãi hơn, do đó, cần sớm có định hướng sử dụng nguồn vốn WB/ADB để xây dựng dự án trung hạn. Làm như vậy “sẽ chủ động hơn trong việc bố trí vốn giải phóng mặt bằng và tái định cư, đồng thời có đủ thời gian cần thiết chuẩn bị dự án có chất lượng,hạn chế rủi ro phải điều chỉnh dự án nhiều lần trong quá trình triển khai”- Thứ trưởng Sinh nói.
Theo baocongthuong -P.H