Cảnh báo: Mánh khóe tinh vi lừa đảo chiếm đoạt tiền người bán hàng online

30/10/2017 14:03

(Baonghean.vn) - Các đối tượng dùng Facebook hack được vào mua hàng, sau đó giả chuyền tiền trước rồi đề nghị người bán nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng vào đường link giả để chiếm đoạt tiền.

» Công an tỉnh cảnh báo phòng ngừa lừa đảo qua mạng viễn thông

» Bắt giữ 2 đối tượng trong nhóm lừa đảo qua mạng viễn thông

Ngày 30/10, Công an Nghệ An phát đi cảnh báo về một hình thức lừa đảo tinh vi thông qua Facebook trên trang Fanpage của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45).

Theo đó, trong những ngày qua, Công an Nghệ An nhận được trình báo của nhiều người dân bị một đối tượng dùng Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán hàng online.

Cụ thể, ngày 29/10, chị Nguyễn Thị L. (trú TX. Thái Hòa) đến trình báo về việc bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 20 triệu đồng. Theo chị L, ngày 27/10, chị nhận được tin nhắn từ một Facebook ngỏ ý mua hàng. Người này nói đang ở nước ngoài và muốn mua 6,5 triệu tiền hàng của chị L. Nghĩ là thật nên chị L. đồng ý. Người này này xin số tài khoản, số điện thoại của chị L. để chuyển tiền trước.

Đối tượng lừa đảo lập số điện thoại giả, giống số điện thoại nước ngoài rồi giả tin báo chuyển tiền. Ảnh công an cung cấp
Đối tượng lừa đảo lập số điện thoại giả, giống số điện thoại nước ngoài rồi giả tin báo chuyển tiền. Ảnh công an cung cấp

Chỉ 1 phút sau, điện thoại của chị L. báo có tin nhắn từ một số điện thoại +447329935130. Nội dung tin nhắn thể hiện, tài khoản của chị L. vừa được cộng thêm 6,5 triệu đồng từ dịch vụ chuyển tiền Western Union. Nghĩ là tin báo từ ngân hàng nên chị L. càng tin tưởng.

“Khách hàng” này tiếp tục nhắn qua Facebook của chị L. rằng, mặc dù đã chuyển tiền nhưng để rút được thì chị L. phải nhập các thông tin theo yêu cầu trên đường link mà người này gửi. Chị L. không ngần ngại, nhập các thông tin về tên tuổi, số điện thoại, CMND, số tài khoản, mật khẩu số tài khoản. Để giao dịch thành công, chị L. phải cung cấp cho vị khách này mã bảo mật OTP của dịch vụ Internet banking.

Sau khi chiếm được tài khoản ngân hàng điện tử của chị L., đối tượng nhanh chóng rút gần 20 triệu đồng từ tài khoản của chị L. và chuyển qua ví điện tử. Mặc dù tin nhắn rút tiền vẫn báo về qua điện thoại nhưng chị L. không hề nghĩ rằng, số tiền đó đã bị chiếm đoạt.

Theo Đại úy Phạm Trung Hiếu - Đội phó Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an tỉnh), các đối tượng lừa đảo sử dụng chính số điện thoại của nạn nhân để đăng ký lập ví điện tử. Chúng giả vờ nhập sai mã OTP để yêu cầu nạn nhân gửi lại mật khẩu của ví điện tử được báo về qua điện thoại nhằm thực hiện việc chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Chúng còn yêu cầu cung cấp mã ví điện tử được lập từ số điện thoại của nạn nhân để rút tiền. Ảnh công an cung cấp
Chúng còn yêu cầu cung cấp mã ví điện tử được lập từ số điện thoại của nạn nhân để rút tiền. Ảnh công an cung cấp

Với thủ đoạn tương tự, đối tượng này đã lừa đảo và chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị H. (trú huyện Nghĩa Đàn) 5 triệu đồng. Chị Lê Thị H. cũng bị đối tượng này lừa nhưng may mắn khi chuẩn bị gửi mã bảo mật OTP thì có người ngăn lại nên không bị mất tiền.

Qua thông tin các bị hại trình báo thì các đối tượng thường lựa chọn thời điểm từ chiều đến tối thứ 6 để thực hiện hành vi lừa đảo. Vì ngày mai là thứ 7, chủ nhật, các ngân hàng thường nghỉ làm việc nên nếu nạn nhân có nghi ngờ cũng rất khó trong việc xác minh, khóa tài khoản.

Để bị hại tin tưởng, các đối tượng hack các tài khoản Facebook của những người đi XKLĐ ở nước ngoài, đã từng mua hàng online của nạn nhân. Sau đó, chúng làm giả nhiều số điện thoại ảo, giống số điện thoại nước ngoài như: +447239935130; +447239939108… để nhắn tin.

Các đối tượng này còn lập một trang web giả mạo thông qua đường link: dichvu-tructuyen.wix.com/westernunion để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Bước cuối cùng, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP để hoàn thành giao dịch nhưng thực chất là để kiểm soát tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Chúng giả nhập sai mã OTP để nạn nhân gửi tiếp mã ví diện tử. Ảnh công an cung cấp
Chúng giả nhập sai mã OTP để nạn nhân gửi tiếp mã ví điện tử. Ảnh công an cung cấp

“Hiện tại thì Đội đã nhận được trình báo của 3 bị hại nhưng có một số người ở ngoài tỉnh cùng nhóm bán hàng với những người trên bị lừa nhưng chưa đến trình báo. Mặc dù số tiền bị chiếm đoạt chưa nhiều nhưng với số lượng người bán hàng online đông như hiện nay thì rất có thể nhiều người dính bẫy”, đại úy Hiếu cho biết thêm./.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cảnh báo: Mánh khóe tinh vi lừa đảo chiếm đoạt tiền người bán hàng online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO