Cánh diều và khoảng trời
- Trẻ em nông thôn sướng thật, đủ thứ chơi, chẳng như trẻ em thành phố!
Ông bạn mình chặc lưỡi, nheo mắt, nói đầy suy tư. Mình giật nảy người, ngạc nhiên:
- Cậu chỉ nói ngược, trẻ con thành phố mà lại thiếu thốn hơn trẻ con nông thôn?
- Đầy đủ về vật chất là một nhẽ, đầy đủ về tinh thần lại là một nhẽ khác!
“Bọn trẻ thành phố dùng thời gian vào việc gì? Nếu không phải đi học thêm (riêng cái “nếu” này cũng đã hiếm hoi như voi châu Phi trên đà tuyệt chủng), chúng nó sẽ suốt ngày ngồi nhà, bật quạt hoặc điều hoà. Mà như thế cũng đúng, ngoài đường nóng như cái lò, chỉ có lũ dở hơi mới mò ra đường, hoặc là công nhân viên chức vô tích sự như tớ và cậu.
Ở nhà thì chúng làm gì? Xem tivi: dạo này K+ rất là phổ biến. Ngồi máy tính: nếu nhà không bắt internet thì yên chí, đã có đường truyền dùng ké của mấy quán cà phê máy lạnh kề bên. Lướt facebook, chém hoa quả: những chiếc điện thoại thông minh Iphone, Samsung Note hay bét nhất là... Hiphone của các bậc phụ huynh hầu như đều để phục vụ nhu cầu...chơi trò chơi của con cái. Toàn những trò giải trí hiện đại và hại điện! Kết quả là đa số trẻ em thành phố bị cận thị, tệ hơn là tự kỉ, tai hại thay!
Cậu bảo sao, ngoài đường vẫn thấy bọn nhóc lượn lờ, ăn uống? Bổ béo gì mấy thứ đồ ma đồ quỷ toàn phẩm màu với đường hoá học ấy? Đường thành phố thì bụi mù, chỉ tổ lao phổi ra. Chưa kể chúng nó đi ngoài đường dàn hàng năm, hàng ba, mải đùa giỡn chí choé, trông phát khiếp. Nên tớ là tớ quyết rồi, con gái tớ, đi đâu cũng phải đưa đón. Nhắc đến cô gà công nghiệp nhà mình, lớp 8 rồi mà chưa biết qua đường. Nhưng biết làm sao, đoạn đường trước nhà suốt ngày tai nạn, không thể rời mắt khỏi con bé được!
Thế nên trẻ con thành phố thiếu thốn ghê lắm! Thứ nhất là thiếu vốn sống, suốt ngày cắm mặt vào tivi, máy tính, điện thoại, có biết gì đến thế giới thật mà chúng nó sống nữa đâu? Hỏi chúng nó hôm nay ngôi sao ca nhạc ở bên Tây, bên Tàu ăn gì, mặc gì còn dễ hơn là hỏi chúng cái cây, cái con trong nhà, ngoài ngõ. Suy cho cùng chỉ tại ta cho chúng tiếp xúc với những phương tiện hiện đại nhưng không định hướng cho chúng sử dụng ra sao, như thế nào mới là lành mạnh và trung thành với mục đích sử dụng ban đầu.
Thật ra chính ta có sử dụng một cách đúng mực những tiện ích đó không, hay chỉ chạy theo trào lưu, giải quyết khâu “oai” rồi vô hình trung làm gương xấu cho bọn trẻ? Chúng ta quan niệm hiện đại là phải dùng máy tính này, điện thoại nọ, trong khi ở những đất nước hiện đại thực sự, cân bằng giá trị và nhu cầu sử dụng sao cho kinh tế, tiện lợi và có ích mới là điều được người ta xem trọng.
Thứ hai là thiếu tình cảm. Tớ hiếm khi thấy trẻ em phương Tây tự kỷ vì suốt ngày xem tivi hay giết thời gian trên thế giới ảo, còn ở mình thì đầy rẫy! Trong khi đáng ra phải dành thời gian cho những sinh hoạt gia đình, cho bọn trẻ được sống trong tình yêu thương và sự quan tâm thì những ông bố bà mẹ lại vô tư bỏ mặc chúng với máy móc vô cảm, khiến những cảm xúc nhân văn trong chúng bị chai lỳ. Nguy hại thay khi những công cụ phục vụ con người lại trở thành ông chủ của chúng ta, thay thế người làm cha, làm mẹ trong việc dạy dỗ, vun đắp cho sự phát triển lành mạnh về tinh thần, tình cảm của thế hệ thiếu nhi”.
Càng nghe càng thấy có lý. Tuổi thơ mình một thời lăn lê trên lưng trâu nào diều, nào sáo, nào khăng, nào đáo với con mình nghe sao phi lý, hoang đường. Trẻ con thành phố làm gì biết đến những thú chơi dân dã mà đáng yêu như thế nữa, có phải vì từ thưở bé dại người ta đã tập cho chúng cái thói quen thụ động, yếu mềm, lười bước chân ra khỏi những toà nhà cao tầng để tìm cho mình khoảng trời xanh không lợn cợn khói nhà máy xi-măng?
Có lẽ nào cuộc sống càng phát triển, càng hiện đại thì khoảng trời riêng cho con người lại càng thu gọn lại, xa xôi và chật hẹp như vòm trời trong miệng giếng của những con ếch còm? Mình thở dài, tự nhiên nhớ nhung một cánh diều hoài niệm. Còn cánh diều của con mình, mình giấu đi đâu?!
Hải Triều