Cảnh giác bong bóng khi tiền đổ mạnh vào bất động sản
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đúng là thời gian qua có hiện tượng tiền đổ vào BĐS do có nhiều dự án tiếp tục và khởi công mới, thị trường ấm lên, tiêu thụ BĐS tăng.
Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuối tháng 5/2015 tín dụng bất động sản (BĐS) tăng 10,89%, chiếm tỷ trọng 8,3% tổng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế.
Trước lo lắng tín dụng lại chảy vào "chỗ trũng" BĐS, có thể sẽ tái diễn tình trạng bong bóng và nợ xấu BĐS như cách đây 5-6 năm, trả lời báo chí sau cuộc họp của Tổ công tác liên bộ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh trấn an, "nguồn tiền đổ vào BĐS có tăng nhưng vẫn kiểm soát được".
Tiền lại đang chảy mạnh vào BĐS |
Dẫn giải thích của NHNN về tín dụng BĐS tăng mạnh trong 6 tháng qua, Bộ trưởng Vinh cho hay, tín dụng “đổ” vào BĐS lần này chủ yếu nằm ở phân khúc nhà đầu tư bán trực tiếp tới người tiêu dùng.
“Dòng tiền ngân hàng đổ chủ yếu vào các dự án đã có sản phẩm. Nguồn tiền đổ vào BĐS có tăng lên nhưng kiểm soát được” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, đánh giá của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô thì hiện BĐS đóng góp 2,2% vào tăng trưởng GDP. Vì thế, khi các dự án BĐS được tái khởi động, dòng tiền vào ngân hàng đổ vào BĐS tăng lên bên cạnh những nghi ngại, thì là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ để hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là cảnh giác với bong bóng BĐS và nợ xấu khi tiền "chảy" mạnh vào BĐS.
Bàn về con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng 6 tháng đầu năm, người đứng đầu ngành kế hoạch cho hay, trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm các bộ đều đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô đã khởi sắc trở lại trong nửa đầu năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng tuy ở mức thấp nhưng sản xuất vẫn tăng. 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt 6,28%, đây là mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.
Tuy thế, nền kinh tế cũng đang đối diện với 3 thách thức, đó là nông nghiệp giảm mạnh khi 6 tháng đầu năm chỉ tang 2,17% do hạn hán… đã ảnh hưởng tới giá trị sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nông sản. “Nông nghiệp nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, thu hút nhiều lao động. Vì thế, sự sụt giảm của ngành nông nghiệp là vấn đề đáng lo và cần sự bàn bạc kỹ của các bộ, ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ” – Bộ trưởng Vinh nói.
Thách thức thứ 2 đối với nền kinh tế, công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp nhưng chủ yếu lại “dựa” vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này tuy tốt nhưng về dài hạn lại không bền vững.
Thách thức thứ 3 được tư lệnh ngành kế hoạch đề cập là nhập siêu đã quay trở lại với tốc độ tăng mạnh sau 3 năm liền chúng ta xuất siêu. 6 tháng đầu năm nhập siêu đã tang 4,7%, trong khi mục tiêu cả năm là 5%. Nếu nhập siêu tiếp tục tăng vượt quá 5% sẽ làm mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá ngoại hối.
“Cần kiểm soát chặt nhập khẩu, các mặt hàng không thiết yếu, nhập hàng xa xỉ, làm sao để giảm tỷ trọng nhập khẩu/xuất khẩu giảm…”- ông Vinh dẫn các giải pháp mà 4 bộ đã họp bàn.
Theo Infonet