Cảnh hiếm về thiên thạch "tự sát" trong không gian
Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã quay được cảnh tượng dị thường về một thiên thạch tự phân hủy suốt nhiều tháng trong không gian.
Thiên thạch "tự sát" có tên gọi là P/2013 R3, được các kính thiên văn khảo sát bầu trời Catalina và Pan-STARRS phát hiện lần đầu tiên ngày 15/9 năm ngoái với vẻ ngoài xù xì khác thường. Hai tuần sau đó, kính thiên văn Keck ở Hawaii đã quan sát được cấu trúc của thiên thạch này, với 3 phần dịch chuyển cùng nhau trong lớp vỏ bụi kết dính có độ rộng gần tương đương Trái đất.
Tuy nhiên, việc sử dụng kính thiên văn Hubble có độ phân giải hình ảnh vượt trội đã hé lộ những chi tiết dị thường hơn về P/2013 R3. Thiên thạch này thực tế bao gồm 10 mảnh liên kết với nhau. Mỗi mảnh thiên thạch sở hữu các đuôi bụi giống như sao chổi. Trong đó, đuôi hình thành do bụi bị nâng lên khỏi bề mặt của các mảnh thiên thạch và bị áp suất ánh sáng đẩy lùi về phía sau.
4 mảnh thiên thạch lớn nhất có chiều rộng lên tới 365 mét. Kết quả phân tích dữ liệu của Hubble trên tờ Astrophysical Journal Letters cho thấy, các mảnh thiên thạch đang dần dần trôi ra xa nhau, với vận tốc chỉ 1,6km/h, chậm hơn cả tốc độ đi bộ của con người.
Thiên thạch P/2013 R3 đã bắt đầu phân hủy từ đầu năm ngoái, nhưng tiếp tục xuất hiện các mảnh mới nhỏ hơn. Điều này bác bỏ khả năng P/2013 R3 đã đâm phải một thiên thạch khác, vì ảnh hưởng của vụ va chạm sẽ dữ dội hơn nhiều.
Theo các nhà nghiên cứu, cách giải thích hợp lý nhất cho sự phân hủy của P/2013 R3 có thể là, tác động của ánh sáng mặt trời đã gia tăng tốc độ quay của thiên thạch, tạo ra lực ly tâm đủ lớn để xé vụn nó. Hiện tượng "mômen xoắn YORP" này đã được giới khoa học đề cập tới trong nhiều năm qua, nhưng cho tới nay vẫn chưa quan sát được trong thực tế.
Để khả năng trên xảy ra, P/2013 R3 chắc chắn phải có cấu trúc bên trong yếu và nứt gãy, có thể là kết quả của một số va chạm cổ xưa, nhưng không mang tính phá hủy với các thiên thạch khác. Trong thực tế, hầu hết các thiên thạch nhỏ được cho là bị tổn hại nghiêm trọng theo cách này, khiến cho chúng có cấu trúc "đống đổ nát" ở bên trong.
Các nhà nghiên cứu nhận định, 10 mảnh ban đầu của thiên thạch P/2013 R3 cuối cùng sẽ phân tách thành các mảnh nhỏ hơn nữa. Một vài trong số chúng một ngày nào đó có thể tiếp cận bầu khí quyển Trái đất dưới dạng mưa sao băng và bị bốc cháy trên bầu trời.
Theo.vietnamnet