Gia đình

‘Cậu cả Khiêm’ - anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu di tích Kim Liên 09/06/2024 16:01

“Cậu cả Khiêm” tên gọi thân thương mà bà con thường gọi anh trai Bác Hồ - người đã cùng Bác lớn lên như người bạn, người anh, yêu thương nhau hết mực.

Năm 1901, về Làng Sen sinh sống, lúc vào sổ làng cho con, với mong muốn các con mình sau này thành đạt, hai anh em - cậu Khiêm và cậu Cung - được bố đặt tên mới là “Nguyễn Tất Đạt” và “Nguyễn Tất Thành”.

Nguyễn Tất Đạt tên đầy đủ lúc mới sinh ra là Nguyễn Sinh Khiêm, ông sinh năm Mậu Tý (1888) tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (Nay là Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Từ thuở thiếu thời ông đã được tiếp thu truyền thống yêu nước thương người của hai gia đình nội ngoại. Đặc biệt ông hiểu biết nhiều về văn học dân gian, y học cổ truyền, thông thạo về địa lý và có vốn Hán học uyên thâm.

bna_1(1).jpg
Quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Với sự hiểu biết qua sách vở và những lần được theo cha đi nhiều nơi, ông đã thấu hiểu cuộc sống khổ cực của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và triều đình phong kiến tay sai. Từ đó nhen nhóm trong ông tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc. Lớn lên Nguyễn Sinh Khiêm tham gia nhiều hoạt động đấu tranh tích cực, nhằm thức tỉnh quần chúng đứng lên chống lại bọn thực dân phong kiến.

Năm 1908, ông tham gia phong trào chống thuế ở Trung kỳ cùng với em trai Nguyễn Tất Thành (vì việc này mà hai anh em ông đã bị khiển trách và cho thôi học ở Trường Quốc học Huế). Trở về quê hương ông cùng với chị gái là Nguyễn Thị Thanh tham gia phong trào yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Năm 1910 theo yêu cầu của Công sứ Ô-giê ông đã sưu tầm và biên soạn ca dao, tục ngữ, dân ca Nghệ Tĩnh. Lợi dụng việc này ông đã đưa vào trong đó có nhiều bài đả kích chống lại chế độ phong kiến thực dân.

1.jpg
Ông Nguyễn Sinh Khiêm. Ảnh tư liệu

Năm 1912 ông đã gửi bản điều trần cho An-be Sa-ro là Toàn quyền Đông Dương, để đòi Nhà nước bảo hộ phải mở rộng quyền tự do dân chủ, giảm thuế và mở mang học hành.

Năm 1913, được nhân dân tín nhiệm bầu vào Hội đồng Hương chức của làng phụ trách công tác hương bản, ông đã mạnh dạn tiến hành những cải cách nhằm bài trừ mê tín dị đoan, rượu chè cờ bạc, mở mang dân trí theo chủ thuyết Duy tân - thu hồi được 36 mẫu ruộng chia cho dân nghèo. Ông bí mật tham gia trong tổ chức của đội Quyên, đội Phấn chống Pháp; sự việc bị bại lộ ngày 1/4/1914, ông bị chính quyền thực dân, phong kiến bắt giam. Ngày 25/9/1914 Toà án Nam Triều kết án Nguyễn Tất Đạt 3 năm tù khổ sai với tội danh: âm mưu phản loạn. Ba tháng sau ông tham gia vượt ngục nhưng không thành, ông bị nâng mức án lên thành 9 năm tù và năm 1915 bị đày vào Ba Ngòi, Nha Trang.

bna_3(2).jpg
Du khách nghe thuyết minh về gia đình, người thân của Bác Hồ. Ảnh: Đình Tuyên

Năm năm sau, ngày 17/3/1920, thực dân Pháp đưa ông về giam lỏng ở Huế. Ông cư trú tại làng Trạch Phổ (nay thuộc xã Phong Hòa - huyện Phong Điền - TT Huế). Ở đây ông làm nghề bốc thuốc cứu dân và mở lớp dạy chữ Hán cho con em nhân dân lao động. Tuy cuộc sống rất đỗi vất vả, nhưng với tấm lòng nhân hậu và phóng khoáng ông luôn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khổ. Năm 1922, ông cùng chị gái Nguyễn Thị Thanh bí mật hoạt động chống Pháp trong tổ chức Nhân sĩ trí thức Huế. Năm 1929 ông chuyển về Phú Lễ (nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiếp tục bốc thuốc chữa bệnh cứu dân.

Với tính cương trực, thẳng thắn, Nguyễn Tất Đạt đã nhiều lần đấu tranh với bọn tay sai bán nước. Kẻ thù luôn luôn theo dõi các hoạt động yêu nước của ông, chúng hạn chế ông tiếp xúc với mọi người, ngăn ngừa các mối quan hệ. Chúng khéo léo đầu độc ông bằng rượu cồn, nhằm vô hiệu hóa con người của ông.

Ngày 6/2/1940 kẻ thù đã cho ông về quê nhà cư trú. Về quê ông lại tiếp tục tham gia hoạt động văn nghệ, diễn các tích tuồng yêu nước, dạy học, dạy võ khích lệ lòng yêu nước cho con em trong vùng. Vì những hoạt động đó, ngày 28/7/1940 chính quyền tay sai đã kết án ông hai tháng tù, phạt 20 đồng bạc Đông Dương và chúng kéo thời gian giam cầm tới 1 năm. Ra tù, ông vẫn giao du tìm bạn đồng tâm, tìm người đồng chí và cũng trong dịp này, năm 1942, ông đã tìm được một vị trí đẹp trên núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ (Nam Đàn) để đưa hài cốt bà Hoàng Thị Loan - Người mẹ hiền yêu quý lên an nghỉ vĩnh hằng.

Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Thành Cường
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Năm 1946, khi biết em trai mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã ra Hà Nội gặp em, cuộc gặp diễn ra vô cùng xúc động. Sợ em trai không nhận ra mình, ông đã nhờ chú cảnh vệ gửi cho Bác 1 tờ giấy nhỏ chỉ vỏn vẹn 3 từ “Đạt thăm Thành”. Bác nghẹn lòng khi cầm tờ giấy đó. Hai anh em chỉ gặp nhau được hơn 1 giờ đồng hồ sau hơn 30 năm xa cách. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng anh em Bác được gặp nhau.

Sau đó ông trở về Làng Sen sống cuộc đời thanh bạch, giản dị trong tình yêu thương của bà con hai họ và nhân dân xã Nam Liên.

Cuối năm 1950 ông lâm bệnh, mặc dù được chính quyền và bà con tận tình chăm sóc, thuốc thang, song do bệnh tình quá nặng ông đã qua đời vào ngày 23/8 năm Canh Dần (1950) hưởng thọ 62 tuổi.

Lúc bấy giờ, vì bận việc nước, Bác Hồ đang cùng Trung ương Đảng tập trung chỉ đạo chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, không thể về chịu tang anh trai. Từ núi rừng Việt Bắc, Bác đã gửi về cho bà con, dòng tộc bức điện đầy cảm động:

“Nghe tin anh cả mất lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Ký tên: Hồ Chí Minh

Cuộc đời ông Nguyễn Tất Đạt - Nguyễn Sinh Khiêm luôn là một tấm gương cho chúng ta noi theo và học tập về tinh thần yêu nước nồng nàn, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước; một công dân mẫu mực luôn sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khổ; một nhân cách trong sáng, cương trực, phóng khoáng, không màng danh vọng, sống thanh bạch dân dã, giàu tình nghĩa.

bna_4.jpg
Đền Chung Sơn - nơi thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Mạnh Thắng
‘Cậu cả Khiêm’ - anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO