Câu chuyện về ba người thầy xứ Nghệ
(Baonghean) -Thầy Đặng Thai Mai là con nhà chí sỹ cách mạng Đặng Nguyên Cẩn. Lứa học trò chúng tôi không ai quên hình ảnh bậc chí sỹ này trong các câu văn được học:
Đặng Thai Mai |
Đặng, Hoàng, Ngô ba bốn bác hàn huyên, lúc uống rượu, lúc ngâm thơ, ngoài cửa ngục lầm than mà khảng khái”.
(“Văn tế Phan Chu Trinh” của Phan Bội Châu)
Thầy Mai giác ngộ cách mạng sớm, từ lúc còn cắp sách và năm 1930 đã bị lãnh án 3 năm tù. Thầy là người sáng lập Trường Thăng Long và trực tiếp giảng dạy. Giờ dạy của thầy cuốn hút học trò, bởi kiến thức uyên bác và những phát hiện độc đáo. Những công trình như: “Văn học khái luận”, “Lỗ Tấn thân thế và văn nghệ”, “Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa phục hưng”, “Trên đường học tập và nghiên cứu”, “Văn thơ Phan Bội Châu”, “Văn thơ cách mạng đầu thế kỷ XX”… luôn có vị trí trong tủ sách của những người nghiên cứu. Đọc sách lý luận của thầy, ai cũng nhận ra dấu ấn riêng, bởi tư duy trong sáng và cách viết uyển chuyển pha chút hài hước, thâm thúy.
Thầy đã giữ những trọng trách: Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, Viện trưởng Viện Văn học và Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Những người từng làm việc với thầy, đều đã quen với sự ân cần, thận trọng và nghiêm túc đến mẫu mực. Thầy sống giản dị, trọng đời sống tinh thần. Có câu chuyện sau ngày giải phóng miền Nam, một người học trò cũ của thầy muốn biếu một ngôi nhà, và xin thầy làm hồ sơ, thủ tục. Thầy không làm. Người này đã tự động làm thay. Nhưng khi biết, thầy vẫn chối từ, vì “Ăn thì nhiều, chứ ở thì mấy”. Trong gia đình, thầy cũng là một tấm gương sáng. Ba con gái của thầy đều đi vào các ngành khoa học xã hội nhân văn và cũng là những giáo sư mẫu mực. Người con trai duy nhất của thầy là Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng. Trong các công trình của anh, người ta thấy sự chặt chẽ mà khoáng đạt, một tư duy vừa khoa học, nghiêm nhặt vừa nghệ thuật, lãng mạn. Anh có sự kế thừa những tinh hoa của người cha Đặng Thai Mai.
Tạ Quang Bửu |
Mảnh đất Nam Đàn tự hào có thầy Tạ Quang Bửu (1910 – 1986). Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, thầy là một trí thức cách mạng tài ba. Thầy đỗ đầu tú tài bản xứ, từng học Đại học Tổng hợp Sorbonne (Paris) và Trường Đại học Tổng hợp Oxford (Anh). Về nước dạy học, thầy dạy rất hay ở nhiều bộ môn, từ Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh đến Động thực vật, Lịch sử, Địa lý. Năm 1947, trong cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thầy viết sách “Bắn máy bay bằng súng trường”. Và sau đó nhiều máy bay Pháp bị quân ta hạ gục.
Thời đánh Mỹ, thầy chỉ đạo 2 tổ nghiên cứu phá ngư lôi, phá bom từ trường khiến những vùng sông bị Mỹ phong tỏa được khai thông. Thầy còn là chính trị gia mẫn tiệp tại Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontaine Bleau, làm trợ lý đối ngoại cho Bác Hồ khi Người giao tiếp với đồng minh. Với kẻ thù, thầy có thái độ không khoan nhượng. Khi làm trợ lý cho Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Huế, nhà nước bảo hộ tặng thầy Huân chương Bội tinh. Trước đông đảo quan khách, thầy cảm ơn rồi cầm huân chương đưa cho người đứng cạnh. Hành động “phạm thượng” này khiến phía Pháp tức tối. Chúng bắt giam thầy một tuần. Tại Hội nghị Đà Lạt, một quan chức Pháp có ý chế giễu, khi hỏi thầy: “Không biết quân đội Việt Minh học trường võ bị nào mà phong tá úy”. Thầy trả miếng: “Chúng tôi chả học trường nào, cứ ai đánh được thiếu úy Pháp thì được phong trung úy, đánh được trung úy Pháp thì phong đại úy, tuần tự tiến lên”.
Tất cả những ai đã biết thầy hẳn đồng cảm với những lời kính trọng của nữ Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Xuân Sính: “Thầy để lại cho tôi sự giàu có về trí tuệ, đạo đức mà tôi chỉ có sức nhận được chút ít… Nhưng tôi tin có nhiều bạn đồng nghiệp của tôi, cũng là học trò của thầy, đã có sức nhận tốt hơn tôi cái gia tài phong phú mà thầy để lại”. Một trò khác của thầy, ông Phan Văn Chương, lại khẳng định: “Thông minh, học vấn uyên thâm, phát triển toàn diện, trung thực, sống thanh bạch, trong sáng… một Lê Quí Đôn của thời đại Hồ Chí Minh”.
Nguyễn Cảnh Toàn |
Sinh sau thầy Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, hơn một thập kỷ, thầy Nguyễn Cảnh Toàn (SN 1926) được xếp vào 1 trong 500 danh nhân khoa học của thế kỷ XX. Con đường thầy đã đi là con đường tự khám phá, tự học rất có ý nghĩa với mỗi chúng ta. Từ một cậu tú học “nhảy cóc”, Nguyễn Cảnh Toàn tự học để dạy được cấp III, rồi lại tự học để dạy đại học, bảo vệ luận án phó tiến sỹ, tiến sỹ. Năm 23 tuổi, thầy là người duy nhất trong một kỳ thi đặc biệt chỉ có 1 thí sinh để chọn giáo viên trung học chuyên khoa chính thức. Thầy đã làm bài xuất sắc được toàn bộ ban giám khảo cho điểm cao.
Khi lãnh trách nhiệm hiệu trưởng, rồi thứ trưởng, thầy càng có điều kiện hiểu sâu, hiểu rộng giáo dục. Thầy coi việc rèn luyện tư duy khoa học, sáng tạo cho học sinh là cách tiếp cận với nghiên cứu khoa học. Bản thân thầy, bằng tư duy độc lập, thầy đã “dám sửa lại phần công thức lượng giác Lobachersky” và được tác giả cuốn Hình học cao cấp được Giáo sư N.V. Ephimor chấp nhận, đưa vào khi tái bản lần thứ tư. Rồi thầy còn nghiên cứu phát hiện Lý thuyết đối hợp bộ (1963), Hình học siêu phi Ơclít (1970). Công trình của thầy có mặt trong Từ điển khoa học quốc tế. Trên mảnh đất người ta đã từng gieo gặt, thầy lại thâm canh để có một vụ mới.
Với thầy Toàn, đọc 300 trang sách mà lĩnh hội được thì vẫn là học có thầy. Còn chỉ đọc 30 trang mà biết lật đi, rồi lật lại, vừa bảo vệ, vừa phản biện để mình trở thành đồng tác giả hoặc đối lập, đấy mới là tự học. Có một lần, thầy đi dự giờ của một giáo viên giỏi Thái Bình. Thầy bình thản theo dõi, không có dấu hiệu tán thưởng hay phản bác, cũng không ghi chép gì. Thế mà sau đó, thầy viết liền 5 bài báo, trên Báo “Khoa học và đời sống”, giới thiệu nội dung bài dạy, rồi đưa ra nhiều cách dạy khác nhau, khai thác tiềm lực học sinh.
Phương pháp nào thầy nêu ra cũng giúp học sinh tự khám phá, tự kết luận. Thầy không ưa cách áp đặt, dù trong giờ dạy hay trong sách giáo khoa. Thầy Toàn có dáng vẻ đường bệ, sang trọng, nhưng lại rất giản dị trong sinh hoạt. Là Thứ trưởng, nhưng thầy không quen bia rượu, thuốc lá, trà thơm; không thích khoản đãi linh tinh. Thầy giải quyết công việc mạch lạc, nói năng gọn gàng, trúng vào những khúc mắc của người hỏi. Ngay khi phản đối, giọng thầy cũng kiên quyết nhưng mềm mỏng, khó mà trách được thầy…
Những câu chuyện về thầy Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu và Nguyễn Cảnh Toàn tuy chi tiết khác nhau, nhưng cốt cách của người xứ Nghệ trong các thầy thì lại rất thống nhất: ý chí, tinh thần vượt khó khi tiến công vào khoa học và đều chiếm lĩnh được những đỉnh cao. Thầy nào cũng giản dị, trung thực và khẳng khái. Lòng yêu nước, yêu người của các thầy mãi mãi là tấm gương sáng cho tất cả chúng ta!
Phan Thị Nhật
(Hà Nội)