Câu chuyện vượt khó của thương binh 1/4 với 17 mảnh đạn trong cơ thể
(Baonghean.vn) - Dù bị trúng đạn pháo của kẻ thù khiến 1 chân đứt lìa và 17 mảnh còn nằm rải rác trong cơ thể nhưng ông Nguyễn Văn Lợi vẫn tích cực lao động, sản xuất và tham gia công tác xã hội.
Mất 1 chân và còn 17 mảnh đạn trong cơ thể
Trời chói chang nắng, ông Nguyễn Văn Lợi (69 tuổi) ở xóm 6, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) vẫn bước đôi chân khập khiễng ra khu trại để lấy thức ăn cho đàn lợn, đàn gà trong chuồng. Nhìn cơ ngơi ấy, không ai nghĩ chủ nhân là một thương binh mất 81% sức lao động.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi từng chiến đấu 5 năm ở chiến trường Đông Nam bộ và lập được nhiều chiến công. Ảnh: Công Kiên |
“Tranh thủ chăm sóc ao cá và các vật nuôi, để thu xếp ít hôm nữa lên đường ra Hà Nội dự buổi gặp mặt thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Đây là lần thứ hai tôi được tham gia, lần trước cách đây 3 năm, cũng tổ chức tại Hà Nội”.
Ông Lợi lên đường nhập ngũ năm 18 tuổi, tham gia chiến đấu ở vùng Đông Nam Bộ suốt 5 năm liền. Trong quãng thời gian này, người lính trẻ ấy lập được nhiều chiến công, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Trong đó có Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang và Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba…
Năm 1973, trong một trận chống càn, ông Lợi bị trúng đạn pháo của địch. Một mảnh lớn găm vào chân, phải cắt bỏ và 17 mảnh khác nằm rải rác trong cơ thể, trong đó một mảnh nằm cách đáy tim 1 cm. Ông được chuyển ra Bắc điều trị và an dưỡng, sau đó chuyển sang làm tại một xưởng may của quân đội và đến năm 1986 được ra quân.
Còn 19% sức khỏe vẫn cống hiến
Trở về với gia đình, quê hương trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, bị mất một chân nên khó khăn trong vận động, đi lại, chưa kể lúc trái gió trở trời mình mẩy đau nhức nhưng ông Nguyễn Văn Lợi vẫn luôn trăn trở tìm cách để nâng cao đời sống cho gia đình. Cùng với chăm sóc ruộng đồng, ông còn mở rộng chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá nên kinh tế dần đi vào ổn định.
Hiện tại, gia đình ông có ao cá rộng đến 6 sào, hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng khang trang. Bình thường, trong chuồng có khoảng 20 con lợn thịt và lợn nái, gà ở mức trên dưới 200 con, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm, vừa cung ứng ra thị trường. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập từ gia trại thường ở mức gần 50 triệu đồng. Thấy cách làm của ông Lợi mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ trong xóm đã học hỏi và nhân rộng mô hình này nên đời sống ngày càng được nâng lên.
Thương binh Nguyễn Văn Lợi là người đi đầu trong việc đào ao, tận dụng mặt nước để nuôi cá và xây dựng gia trại. Ảnh: Công Kiên |
Chỉ còn 19% sức khỏe nhưng ông Lợi vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, 15 năm liên tục làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh (CCB). Với cương vị này, ông đã kêu gọi, tập hợp được hội viên cùng xây dựng mối đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đời sống và lao động, sản xuất. Trong đó phải kể đến việc thành lập phường, hội như phường lúa, phường tiền để hỗ trợ nhau thoát nghèo.
Ban đầu ông Lợi chỉ giới hạn trong phạm vi Chi hội CCB và anh em, họ hàng, về sau mở rộng phạm vi ra cả bà con xóm giềng. Phường, hội được tổ chức theo hình thức tập hợp 10 -15 hộ gia đình thống nhất góp một khoản tiền hay lượng lúa nhất định để hỗ trợ lẫn nhau theo cách quay vòng.
Nghĩa là các hộ nhận tiền, lúa theo thứ tự bốc thăm hoặc thỏa thuận để dùng vào việc lớn như làm nhà, mua trâu, bò và các tiện nghi phục vụ cuộc sống. Nhờ đó, gia đình ông Lợi và nhiều CCB cũng như người dân xóm 6, xã Hưng Tân đã tiết kiệm và xây dựng được nhà cửa khang trang, vững chãi.
Cùng với phát triển kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thương binh Nguyễn Văn Lợi còn gương mẫu trong thực hiện hiến đất mở đường giao thông nông thôn. Ảnh: Công Kiên |
Xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có hạng mục xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, việc khó khăn nhất là vận động bà con hiến đất. Biết ông Lợi là người có uy tín trong thôn xóm, các ban, ngành xã Hưng Tân đã phối hợp thực hiện vận động, tuyên truyền, ban đầu là CCB, tiếp đến là bà con, họ hàng, làng xóm.
“Để mọi người nghe theo, tôi đã tự nguyện hiến 60 m2 đất để mở rộng tuyến đường cạnh nhà, tiếp đến là đi từng nhà vận động, thuyết phục. Cũng có những gia đình ban đầu khăng khăng từ chối nhưng khi hiểu rõ lợi ích chung và lâu dài nên đã đồng ý hiến đất. Nhờ vậy, đến nay hầu hết các tuyến đường ở đây đều đã được mở rộng, đi lại thuận tiện hơn nhiều”, ông Lợi kể lại.
“Thương binh Nguyễn Văn Lợi là một người thực sự gương mẫu, bị thương tật nặng nhưng vẫn tích cực lao động, sản xuất và tham gia công tác xã hội”.