Câu hỏi chưa có lời giải ở Công - gô

05/12/2012 15:58

(Baonghean) - Những ngày qua, thế giới nói nhiều đến xung đột đẫm máu tại dải Gaza do Israel khởi xướng, kéo dài trong 8 ngày, làm hơn 160 người thiệt mạng, mà dường như quên rằng ở khu vực cách Gaza hơn 2000km về phía Nam bạo loạn đã xảy ra tại CHDC Công - gô làm hàng chục nghìn người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

(Baonghean) - Những ngày qua, thế giới nói nhiều đến xung đột đẫm máu tại dải Gaza do Israel khởi xướng, kéo dài trong 8 ngày, làm hơn 160 người thiệt mạng, mà dường như quên rằng ở khu vực cách Gaza hơn 2000km về phía Nam bạo loạn đã xảy ra tại CHDC Công - gô làm hàng chục nghìn người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Bất ổn tại Công - gô nổ ra từ 15/11, khi khoảng 1.500 phiến quân thuộc Phong trào 23 tháng 3 (M23) chiến đấu với quân đội chính phủ và chiếm đóng thành phố Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu thuộc miền Đông Công-gô ngày 20/11.

Đây là đợt giao tranh căng thẳng giữa Phong trào M23 và quân đội chính phủ sau hai tháng thực hiện “lệnh ngừng bắn trên thực tế” (de facto) theo kêu gọi của Hội nghị Quốc gia Vùng Hồ Lớn diễn ra vào hồi tháng 8/2012 (gồm 11 nước châu Phi là Ăng-gô-la, Bu-run-đi, CH Trung Phi, CH Công-gô, CHDC Công-gô, CH Kê-ni-a, CH Ru-oan-đa, CH Xu-đăng, Tan-da-ni-a, U-gan-đa, Dăm-bi-a). Không chỉ chiến đấu với quân chính phủ, M23 còn cướp ngân hàng, đột nhập nhà dân lấy đi tài sản và tiền bạc. Theo thống kê, có 44 dân thường thiệt mạng trong đợt giao tranh này và hơn 140.000 người phải chạy loạn, nâng tổng số người chạy loạn kể từ khi M23 ra đời vào tháng 3 năm nay lên tới 450.000 người. Cuộc bạo loạn gióng lên hồi chuông về khủng hoảng nhân đạo đã kéo dài tại mảnh đất hứng chịu hai cuộc chiến tranh (1996-1997, 1998-2003) mà giới học giả gọi là “chiến tranh thế giới tại lục địa châu Phi”. Người dân Công-gô luôn sống trong tình trạng lo sợ cảnh bạo loạn, bị cướp bóc, bắt cóc, giết, hiếp. Ở nhiều nơi trên đất nước này, không có luật lệ, trật tự, điện, thực phẩm, y tế.

Suốt 13 năm qua, tại Công-gô luôn có sự hiện diện của Phái bộ Liên Hợp Quốc (MUNUSCO) với lực lượng gìn giữ hòa bình hùng hậu nhất gồm 19.000 người và ngân sách hoạt động hơn 1,4 tỉ USD, nhưng cũng không thể giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn liên tục tái diễn. Rốt cuộc, đội quân mũ nồi xanh đã từ bỏ việc bảo vệ thành phố Goma sau khi quân đội chính phủ Công-gô rút lui khỏi đây, cũng giống như trước kia, họ chỉ đứng nhìn nạn diệt chủng tại Ru-oan-đa năm 1994 và vụ thảm sát Srebrenica năm 2005 tại Bosnia. Sự bị động của MUNUSCO trong việc hỗ trợ quân đội của CHDC Công-gô và bảo vệ dân thường đã đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây, vì rõ ràng là nền hòa bình không được vãn hồi và an ninh của người dân không được bảo đảm.

Trong khi đó, các nước láng giềng của Công-gô như Ru-oan-đa và U-gan-đa bị cáo buộc là tiếp tay cho các hoạt động của lực lượng nổi dậy CNDP và giờ đây là M23, một phong trào được ra đời vào ngày 23/3/2009 với thành viên chủ yếu là người Tutsi, thế lực chính nắm quyền trong chính phủ Ru-oan-đa. Hai nước này cũng là đồng minh thân cận của Anh và Mỹ, đặc biệt trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố.

Ngày 1/12 vừa qua, sau đàm phán giữa M23 và chính phủ tại Kambala, U-gan-đa, lực lượng M23 cuối cùng đã rút khỏi Goma và di chuyển đến vị trí cách đó 20km. Giới quan sát cho rằng, M23 có lý do để quyết định như vậy, việc từ bỏ Goma “giống như kẻ bắt cóc thả con tin trước khi nhận được tiền chuộc”, và cũng là để lấy lại hình ảnh thiện chí của mình trước cộng đồng thế giới chứ không phải là những “kẻ gây hấn” nhằm đạt được mục tiêu lớn hơn. Hiện giờ, quân đội chính phủ đã nắm quyền kiểm soát Goma, thành phố lớn thứ 2 Công-gô với hơn 1 triệu dân, song nền hòa bình tại đây vẫn còn mong manh và có thể sẽ lại đứng trước nguy cơ về một vòng xoáy bạo lực mới. Chính vì vậy, cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn tiếp tục là câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhất là khi xung đột tại Công-gô từ lâu luôn là sự đan xen của yếu tố trong nước và quốc tế.


Minh Giang

Mới nhất
x
Câu hỏi chưa có lời giải ở Công - gô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO