'Câu' like

02/10/2014 10:04

Thảo Vy

Cơ quan chức năng vừa công bố kết quả xác minh nguồn gốc bức thư: "Thư gửi bố ở Trường Sa" từng gây xôn xao dư luận.

Một diễn viên ca kịch tại Bình Định đã lấy bài viết với nội dung "Thư con gái gửi bố ở Trường Sa" nhờ con gái viết lại, sau đó đưa lên trang mạng xã hội cá nhân Facebook để câu "like" của bạn bè và cộng đồng mạng.

Ngay sau đó, hàng loạt tờ báo mạng và các trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng tải thông tin về bài tập làm văn của học sinh lớp 3, tên đề bài là "Các em hãy viết một lá thư gửi cho người thân" của Lê Yến Vy. Thông tin giật gân “câu view” trên đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu tới chính sách của Nhà nước.

Thực tế, khai thác thông tin trên mạng là kỹ năng không thể thiếu của những người viết báo hiện nay. Ngay từ năm 1976, Nữ hoàng Anh Elizabeth sử dụng mạng để gửi đi những bức thư điện tử đầu tiên đánh dấu sự đột phá trong lĩnh vực truyền thông toàn cầu. Đầu những năm 1990, trên thế giới có nhà cung cấp dịch vụ Internet chính thức. Đến nay đã có hàng tỷ website, blog, tài khoản mạng xã hội cá nhân khác nhau, hàng giây hàng phút thu hút vài tỷ lượt người xem và trao đổi thông tin.

Mạng xã hội khiến các phương tiện truyền thông nhỏ bé như chiếc điện thoại di động trở nên có sức mạnh hơn bao giờ hết và trở thành vật bất ly thân của con người trong xã hội hiện đại. Bởi chỉ cần chiếc điện thoại di động thông minh người ta có thể lướt web để tìm hiểu thông tin và cũng dễ dàng trở thành người đưa tin với đầy đủ âm thanh và hình ảnh một cách nhanh chóng nhất.

Internet đang trở thành một thực tế không dễ kiểm soát, một thứ "xã hội" mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia nhưng khó có thể điều khiển, làm chủ được. Thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn có thể được lan truyền theo kiểu truyền miệng, tam sao thất bản. Nhưng đáng nói, khai thác, nhặt nhạnh thông tin từ mạng xã hội rồi xào xáo, thậm chí sử dụng nguyên xi để biến thành tin tức đưa lên trang báo đang trở thành một xu hướng mà một số trang mạng theo đuổi.

Một số người bỏ qua việc tác nghiệp trực tiếp trong hiện thực đời sống mà chỉ mò mẫm vào các trang Facebook cá nhân để nhặt nhạnh thông tin và "sáng tạo" tin, bài theo trí tưởng tượng của mình.

Không thể phủ nhận khả năng thông tin nhanh nhạy từ các mạng xã hội nhưng chỉ có thông tin thì đó chưa phải là báo chí. Báo chí, ngoài tin tức, còn cần tính kỷ luật, phân tích, giải thích và quan trọng nhất là độ tin cậy. Thông tin báo chí khác thông tin truyền miệng ở tính kiểm chứng.

Thí dụ về sự khác biệt giữa báo chí với mạng xã hội như sau: Nếu bạn nghe tin giật gân “virus Ebola xuất hiện ở Việt Nam” như từng được loan tin thất thiệt trên Facebook mới đây, thì việc bạn làm ngay sau đó là truy cập vào một trang báo uy tín nào đó để kiểm chứng thông tin này. Đừng vội vã loan tin bởi có ngày vô tình hại người và hại mình để mang vạ vào thân.

Thảo Vy (Báo Thể thao & Văn hóa)

'Câu' like
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO