Cầu nối phòng, chống HIV/AIDS

26/11/2014 10:26

(Baonghean) - Âm thầm với những công việc không tên, nhiều năm qua đội ngũ đồng đẳng viên đã góp phần không nhỏ vào chương trình can thiệp giảm tác hại và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, để những người có H tự ý thức hơn trong việc bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng.

Chuyện những người cùng cảnh

Tối 22/11, Nhà văn hóa xóm 4, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên không còn một chỗ trống. Đây thực sự là niềm động viên rất lớn đối với các thành viên trong nhóm “Lá đỏ”, “Ziczac” và “Ban Mai” - những người đang thực hiện chương trình truyền thông nhằm hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống AIDS. Đúng như tên gọi, chương trình “Sống và Khát vọng” đem đến cho mọi người thông điệp về phòng chống AIDS, qua đó để người dân hiểu hơn về căn bệnh thế kỷ, về cách phòng tránh cũng như để người trong cuộc nói lên tâm tư của mình.

Hoạt động kết nối trong đêm truyền thông “Sống và khát vọng” tại xóm 4, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên).
Hoạt động kết nối trong đêm truyền thông “Sống và khát vọng” tại xóm 4, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên).

Câu chuyện của chị P.T - một thành viên đến từ nhóm Ban Mai, Thị xã Thái Hòa khiến nhiều người xúc động, cảm phục và chia sẻ. Chị T kể: “Tôi là một người có HIV - AIDS, nhưng nhiều năm nay tôi vẫn sống như một người bình thường sau khi được bác sỹ tư vấn và được điều trị ARV đầy đủ. Mọi người vẫn nghĩ HIV là sẽ chết, là sẽ hết. Nhưng đối với tôi là không. Nếu chúng ta vẫn lạc quan, vẫn có niềm tin và biết điều trị và phòng tránh đúng cách thì chúng ta vẫn có thể khỏe mạnh, làm việc và cống hiến như những người bình thường”… P.T năm nay vừa tròn 30 tuổi. Ba năm trước, lập gia đình xong, chị đau buồn khi biết chồng mình nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Cuộc sống của chị tưởng như đã bị chôn vùi khi biết tin mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Nhưng nhờ được những người cùng cảnh ngộ tư vấn, nhờ được gia nhập vào nhóm Ban Mai, chị đã được điều trị và trở thành một đồng đẳng viên tích cực của Câu lạc bộ Thanh niên phòng chống HIV/AIDS Nghệ An.

Kể ra câu chuyện đó, chị muốn chia sẻ với mọi người cách phòng tránh; tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng hơn về AIDS và có cái nhìn thiện cảm hơn với căn bệnh này. Cùng hòa chung với các hoạt động của đêm truyền thông và cùng chia sẻ với những người trong cuộc, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh chia sẻ rằng: Với đặc thù giáp thành phố, địa bàn phức tạp với nhiều thành phần dân cư khác nhau nên nhiều năm nay Hưng Thịnh vẫn là một xã có tỷ lệ người nghiện và người bị nhiễm HIV khá cao. Vì thế, hoạt động truyền thông về phòng chống AIDS do câu lạc bộ Thanh niên phòng chống HIV/AIDS tổ chức trên địa bàn có ý nghĩa rất lớn và rất thiết thực, bà con dễ hiểu, dễ nhớ.

Một tiết mục văn nghệ
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình

Người khởi xướng và xây dựng kịch bản cho “Sống và Khát vọng” là Lê G.M, trưởng nhóm Lá Đỏ. Bản thân cuộc đời M cũng là một hành trình đi tìm “khát vọng sống”, đi tìm “bản ngã” cho mình và M chỉ thực sự tự tin khi trở thành ủy viên của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, dự án thành phần Vusta và là người sáng lập ra câu lạc bộ Thanh niên Phòng chống HIV/AIDS Nghệ An. Trong câu chuyện của mình M kể rằng, ngày còn đi học M là một học sinh xuất sắc và đã được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 19 tuổi, năm đầu tiên vào Đại học Văn hóa, cũng là khi M nhận ra mình không phải là một người bình thường bởi… chỉ thích người cùng giới. Sự hoang mang, lo lắng khiến M sống khép mình và rơi vào trầm cảm.

Đến khi đi làm, trước ánh mắt soi mói của mọi người và cả sự kì thị của gia đình, bạn bè, M buộc phải từ bỏ công việc ở cơ quan nhà nước. Sau đó, nhờ tình cờ được tham dự Diễn đàn xã hội hợp tác dân sự phòng chống HIV - AIDS, M có cơ hội tìm hiểu hết công việc của những người làm công tác phòng chống AIDS và hiểu hết tác hại của việc quan hệ tình dục không an toàn giữa những người đồng giới. Về sau, khi được tin tưởng bầu vào ban chấp hành của diễn đàn và được Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS cơ cấu vào ban điều hành phụ trách khu vực Bắc Trung bộ, M đã mạnh dạn thành lập nhóm Lá đỏ và là người khởi xướng cho nhiều câu lạc bộ khác về phòng chống HIV/AIDS ở khắp cả tỉnh như Ziczac (Thành phố Vinh), Ban Mai (Thị xã Thái Hòa), Niềm tin (Hưng Nguyên), Ngày mai (Nghi Lộc)...

Mục đích ban đầu là nơi tập hợp những người đồng tính nam (MSM), để từ đó những người cùng cảnh ngộ có thể chia sẻ với nhau. Đây cũng là cơ hội để những người sáng lập như M tuyên truyền về cách phòng chống AIDS, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục với những người đồng giới, hỗ trợ về tâm lý… Hiện với hơn 600 thành viên và khách hàng tham gia, M tâm sự rằng: Thực tế tại địa bàn Nghệ An, người đồng giới rất nhiều và họ đa phần vẫn phải sống lén lút do sợ sự kỳ thị của xã hội. Đây cũng chính là nguy cơ khiến bệnh AIDS gia tăng. Đến với hoạt động của dự án, ngoài tuyên truyền, định kỳ 3 đến 6 tháng chúng tôi sẽ vận động để họ đi xét nghiệm HIV/AIDS và sẽ hỗ trợ tư vấn điều trị nếu chẳng may bị mắc bệnh… Một điều rất đáng trân trọng đó là các thành viên trong nhóm vẫn hàng ngày, hàng giờ cố gắng sống có ích và sống trách nhiệm với xã hội. Hoạt động của đêm truyền thông “Sống và khát vọng” là một dẫn chứng. Bên cạnh đó, nhóm còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như trao áo ấm cho trẻ em nghèo miền Tây, tổ chức phát cháo cho các bệnh nhân nhi ở Bệnh viện Sản - Nhi, tham gia hưởng ứng chương trình Giờ trái đất…

Những trăn trở…

Nghệ An là một trong những tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV - AIDS cao nhất nước với hơn 7.000 người, trong đó có gần 3.000 người đã chết vì AIDS. Do đặc thù địa bàn dân cư phân bố rộng, đi lại khó khăn nên hệ thống giám sát đánh giá của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS chưa được triển khai đồng bộ; nhân lực trung tâm y tế huyện còn mỏng nên công tác phòng chống HIV - AIDS gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do đối tượng bị HIV - AIDS chủ yếu nằm ở những đối tượng đặc thù, đa phần những người mắc bệnh đều phải chịu sự kỳ thị của xã hội, xa lánh của cộng đồng nên việc tiếp cận gặp rất nhiều trở ngại.

Trao quà choc các gia đình
Trao quà cho các gia đình

Trước thực tế này, để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ những người bị nhiễm HIV - AIDS thì vai trò của các tuyên truyền đồng đẳng viên (nhân viên tiếp cận cộng đồng) rất quan trọng; là cầu nối trung gian giữa người quản lý, điều hành chương trình với cộng đồng. Ông Trịnh Hùng Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh khẳng định: Hiện tại Nghệ An có khoảng 70 đồng đẳng viên đang hoạt động theo các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS quản lý. Bên cạnh đó, có hàng chục đồng đẳng viên khác hoạt động dưới hình thức của các nhóm, câu lạc bộ do các dự án do các tổ chức phi chính phủ trực tiếp hỗ trợ. Có thể hình dung công việc của các đồng đẳng viên rất đa dạng, đó là tìm kiếm các đối tượng bị nhiễm HIV, các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS để tuyên truyền vận động, giúp họ cách phòng tránh và giới thiệu họ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Ngoài ra, còn có những nhóm đi chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV - AIDS. Chị Trần Thị Thu Thanh, Trưởng nhóm Quỳnh Hương Xanh, tâm sự: Không phải tất cả các đối tương bị HIV - AIDS đều là người xấu, có những người rất bất hạnh vì bị lây nhiễm từ chồng. Khi mắc bệnh họ bị xã hội kỳ thị và gia đình xa lánh. Chúng tôi tìm đến họ để chia sẻ, để tư vấn. Khi họ bệnh nặng thì chăm sóc, giúp đỡ.

Tuy nhiên, để có thể “trụ” lại với công việc, các đồng đẳng viên đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị L, đồng đẳng viên của nhóm Quỳnh Hương Xanh tâm sự: Khi tham gia công việc này, chúng tôi bị những người xung quanh xa lánh, kỳ thị.

Mặt khác, các đồng đẳng viên đều hoạt động dưới sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức phi chính phủ; sau khi dự án kết thúc thì các nhóm sẽ hoạt động như thế nào là một điều mà các đồng đẳng viên quan tâm. Do đó, ngoài sự hỗ trợ của các dự án, các tổ chức khác như Hội Phụ nữ, hội Chữ thập Đỏ… cần vào cuộc để hỗ trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS, tạo thêm động lực để các đồng đẳng viên yên tâm và hoàn thành tốt công việc của mình.

Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất
x
Cầu nối phòng, chống HIV/AIDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO