Cầu thị và cải tiến để nâng chất lượng cơ quan dân cử
(Baonghean) - Với quan điểm “Cầu thị và cải tiến để nâng cao chất lượng hoạt động”, năm 2013, HĐND tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới từ hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, đến việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương..., khẳng định vị thế, vai trò ngày càng cao của cơ quan quyền lực Nhà nước.
Đổi mới hoạt động giám sát
Năm 2013 đánh dấu nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh. Trong năm đã có hàng chục cuộc giám sát, khảo sát tập trung trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, những vấn đề cử tri quan tâm, những nội dung mang tính thời sự, nổi cộm, bức xúc đặt ra trong đời sống xã hội. Đó là: giám sát về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác quy hoạch thủy điện và thực hiện tái định cư trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới; thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại các cơ sở y tế ngoài công lập; công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với người chưa vị thành niên; khảo sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh...
HĐND tỉnh giám sát ở Trường tiểu học Hưng Dũng I (Thành phố Vinh). |
Ông Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, chia sẻ: “Nét mới là các cuộc giám sát, khảo sát không còn “nặng” bởi các cuộc làm việc trên “bàn giấy” với các ngành và huyện mà đã tăng cường tiếp cận đối tượng thụ hưởng nhiều hơn, gắn với tổ chức lấy phiếu khảo sát, tham khảo ý kiến ở phạm vi rộng hơn, sâu hơn; nghiên cứu kỹ các văn bản hiện hành, thu thập tài liệu liên quan đến các lĩnh vực, nội dung giám sát. Qua đó, HĐND tỉnh nắm bắt thấu đáo, tường tận và rõ hơn vấn đề được giám sát; phát hiện những vấn đề đang đặt ra để đề xuất với các cấp, các ngành về giải pháp trúng, đúng và có sức thuyết phục. Nhờ vậy, “sức nặng” của HĐND đối với các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và trước cử tri được nâng lên. Trong nhiều cuộc giám sát, khảo sát, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã thẳng thắn, không né tránh đối với những cấp, các ngành, đơn vị còn có thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cũng như chủ trương, nghị quyết của HĐND tỉnh. Hầu hết trong quá trình thực hiện giám sát, các đại biểu dân cử đều thống nhất quan điểm: Giám sát, khảo sát chỉ dừng lại ở cấp ngành, cấp huyện thì chẳng khác nào “cưỡi ngựa, xem hoa”, cái gì cũng “ngon” cả. Điều này đồng nghĩa vai trò, vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị sẽ mờ nhạt; không thể là chỗ dựa và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Trong năm 2013, hầu hết những kiến nghị, đề xuất của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đều được các cấp, các ngành tiếp thu và có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời. Chẳng hạn, qua giám sát việc thực hiện chương trình nông thôn mới, HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành hướng dẫn, quy trình đánh giá, công nhận từng tiêu chí đạt. Đến ngày 10/10/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4599/QĐ-UBND ban hành “Quy định phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận Xã đạt chuẩn Nông thôn mới tỉnh Nghệ An”; Quyết định số 4600/QĐ-UBND ban hành “Quy định tạm thời về trình tự, thủ tục xét, công nhận và tổ chức công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Hoặc như việc đề nghị UBND tỉnh rà soát lại tình hình thực hiện quy hoạch các dự án thủy điện để điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích và tính khả thi, nhất là đảm bảo an sinh xã hội. UBND tỉnh đã rà soát và kiến nghị Bộ Công Thương thống nhất rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch 21 dự án và chấm dứt quyền đầu tư đối với 7 dự án. Giám sát tình hình thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh... Ông Trần Văn Mão cho biết: “Thông qua giám sát, HĐND tỉnh cũng đã chọn lựa đưa vào nội dung chất vấn tại các kỳ họp để làm rõ hơn trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục từng vấn đề được đưa ra. Đồng thời giám sát việc thực hiện những lời hứa sau chất vấn của UBND trong thời gian tiếp theo; giao UBND tỉnh phân công chỉ đạo các ngành khẩn trương có giải pháp cụ thể để giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu. Một số vấn đề được dư luận quan tâm như chất lượng nước sạch, điện lưới nông thôn, những vấn đề đặt ra đối với ngành giáo dục như đạo đức giáo viên, xã hội hóa giáo dục... tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVI vừa qua đã tạo được dấu ấn tốt trong nhân dân.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc huy động, đóng góp xây dựng NTM ở xã Lưu Sơn, Đô Lương. |
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, khảo sát, trong năm 2013, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các nội dung, vấn đề đã khảo sát, giám sát năm 2012. Theo bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, các kiến nghị, đề xuất thông qua giám sát, khảo sát trước đó được các ngành, các huyện và đơn vị tiếp thu và thực hiện khá nghiêm túc. Đơn cử như khảo sát việc thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại Yên Thành, cho thấy huyện đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động internet, karaoke, nhà nghỉ; tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động đấu tranh phòng chống các tội phạm và tệ nạn xã hội. Hay như Sở Thông tin – Truyền thông đã đưa vào hoạt động Bộ phận “một cửa”, “một cửa” điện tử vào ngày 01/6/2013; phối hợp xây dựng mô hình ứng dụng phần mềm “một cửa” mã nguồn mở ở một số sở, ngành, địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt... Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề một số sở, ngành, địa phương chưa có biện pháp khắc phục.
Nâng cao năng lực quyết định
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND tỉnh, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ trì làm việc với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các Ban HĐND tỉnh cùng các ngành liên quan thống nhất dự kiến nội dung, chương trình và các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Để các vấn đề đưa ra bàn bạc, quyết định tại kỳ họp có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng thẩm tra bằng cách chủ động tiếp cận, thu thập thông tin, khảo sát thực tế, mở rộng các thành phần tham dự các cuộc thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo tờ trình và nghị quyết trước khi trình kỳ họp.
Tại các phiên thảo luận tổ, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chia thành 8 tổ (thay vì 4 tổ trước đây) với mục đích để có nhiều ý kiến tham gia thảo luận, đóng góp vào các vấn đề nêu trong các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án. Đồng thời gợi mở các vấn đề cần tập trung thảo luận, nêu ý kiến, đề nghị giải trình hoặc chất vấn các cơ quan hữu quan (ở mỗi tổ đều cơ cấu lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tham dự). Trên cơ sở kết quả thẩm tra của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tổ, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chưa được thống nhất được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo để HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận phiên tại hội trường và phiên thảo luận, quyết nghị thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Một số dự thảo và nghị quyết khi thấy chưa đủ căn cứ hoặc chưa có nguồn lực để đảm bảo cho việc thực hiện sau khi được ban hành thì được HĐND tỉnh “dừng” ngay trong các cuộc thẩm tra trước kỳ họp, như dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trước kỳ họp thứ 10 vừa qua.
Bằng quy trình và cách làm nêu trên, 41 nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành tại các kỳ họp trong năm 2013 đều hợp hiến, hợp pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Cùng với việc quyết định những nội dung mang tính định kỳ tại mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, làm cơ sở để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng các cấp đề ra. Đó là Nghị quyết về mức chi đầu tư xây dựng, chi duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chi hỗ trợ các hoạt động khuyến nông và chi hỗ trợ xây dựng, phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả cho các cấp chính quyền ở địa phương theo chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; Nghị quyết về tăng cường đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất trạm y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2015; Nghị quyết về quy định các tiêu chí để phân loại xã theo mức độ khó khăn, làm căn cứ xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2012 -2015 trên địa bàn tỉnh Nghệ An...
Lắng nghe kiến nghị của cử tri
Có thể nói, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh có một phần do trách nhiệm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà quyết định. Bởi thông qua lắng nghe ý kiến cử tri, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, HĐND tỉnh đã chọn đúng vấn đề đưa ra chất vấn, thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri; đưa vào chương trình để giám sát, khảo sát, kịp thời kiến nghị với các cấp, các ngành chấn chỉnh; ban hành các nghị quyết sát thực, giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. “Ở Nghi Lộc, cứ sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, cơ quan UBND và các ngành chuyên môn đều lo lắng, chủ động tìm đến Thường trực HĐND huyện để nắm tình hình xem ở lĩnh vực mình phụ trách có vấn đề gì nổi lên không, cử tri có phản ánh, kiến nghị hay không để giải quyết, khắc phục” - bà Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc, chia sẻ.
Cử tri huyện Hưng Nguyên phát biểu ý kiến với đại biểu Quốc hội. |
Năm 2013, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường tiếp xúc cử tri toàn thể thay bằng tiếp xúc đại cử tri hay còn gọi là cử tri “chuyên nghiệp”; tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc chuyên đề. HĐND tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với UBMTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri sớm để các đại biểu chủ động, đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri của từng tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ và đại biểu HĐND tỉnh trong tiếp xúc cử tri. Nhờ vậy, số đại biểu tham gia tiếp xúc đạt 100%, chú trọng tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp (trước đây chủ yếu chú trọng tiếp xúc trước kỳ họp). Việc tổng hợp, phân loại, giải quyết những kiến nghị của cử tri được quan tâm giải quyết có kết quả, kịp thời. Rõ nhất là những kiến nghị về xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; quản lý và bảo vệ rừng; vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vấn đề sai sót trong làm thẻ BHYT cho người dân...
Trước mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh trả lời các nhóm vấn đề, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo giải trình kết quả giải quyết tại diễn đàn kỳ họp HĐND tỉnh được truyền hình trực tiếp qua sóng truyền hình và đăng tải trên báo Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Toàn, ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, bày tỏ: “Thời gian gần đây, cử tri không chỉ được nói lên những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình mà thông qua đại biểu HĐND, chúng tôi còn biết được vấn đề nào có thể giải quyết được ngay, vấn đề nào cần có thời gian, có vấn đề không thể giải quyết vì Luật đã quy định, cũng có vấn đề rất khó thực hiện do điều kiện kinh tế tỉnh nhà khó khăn. Thông qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nắm được những quyết sách lớn của tỉnh, những nội dung đã được quyết nghị thông qua tại các kỳ họp. Không khí các buổi tiếp xúc cử tri cũng cởi mở, thẳng thắn và rất thân mật, gần gũi”.
Có thể thấy rõ, trong năm 2013, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được giải quyết rốt ráo, một số rất ít kiến nghị của cử tri còn để kéo dài, dây dưa qua nhiều kỳ họp chưa giải quyết, Thường trực HĐND tỉnh đã trực tiếp làm việc với UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan để đôn đốc giải quyết dứt điểm... Cùng với đó, tại mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh mở 3 đường dây nóng tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến. Đã có gần 70 cuộc điện thoại và tiếp 15 - 20 lượt công dân và chuyển các nội dung kiến nghị đến các cơ quan trả lời, giải quyết. Công tác tiếp dân định kỳ được duy trì vào ngày 10 hàng tháng và tiếp nhận đơn thư phản ánh, khiếu kiện của công dân.
Trong năm, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp gần 450 lượt công dân, tiếp nhận 260 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết 74 đơn (số còn lại do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi, trùng lặp). Trong số 74 đơn thư chuyển đến các cơ quan, đến nay HĐND tỉnh đã nhận được 57 văn bản trả lời về kết quả giải quyết, 27 đơn hiện đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Thường trực HĐND tỉnh cũng đã chọn một số đơn thư khiếu kiện của công dân kéo dài để giám sát, đôn đốc việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp, ngành...
Vươn lên hoàn thành vai trò cơ quan dân cử
Rõ ràng, hoạt động của HĐND tỉnh nói chung và HĐND các cấp nói riêng trong năm 2013 vừa qua đã có nhiều đổi mới và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, để nói thật sự hài lòng thì chưa. Vì vậy, trong năm 2014, Thường trực HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện đang đặt ra yêu cầu đổi mới và tiếp tục vươn lên hoàn thành vai trò cơ quan dân cử. Theo ông Lê Quang Đạt - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương thì hoạt động tiếp xúc cử tri cần tăng cường thông tin, giải đáp cho nhân dân hiểu, tránh tình trạng đại biểu HĐND chỉ nghe một chiều cử tri phản ánh, kiến nghị đề xuất. Cần thông tin kịp thời cho cử tri biết những kiến nghị nào khó khăn chưa giải quyết được ngay, vì sao? Vấn đề nào đã giải quyết và giải quyết như thế nào; vấn đề nào cử tri kiến nghị chưa đúng?
Bên cạnh tiếp xúc cử tri, cần nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cần chọn đúng, trúng nội dung để chất vấn và thể hiện trách nhiệm hơn, đi đến tận cùng vấn đề chất vấn, xác định rõ giải pháp, trách nhiệm cụ thể của từng ngành, tránh đùn đẩy, né tránh. Hoạt động giám sát, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện lời hứa của mình cần triệt để, hữu hiệu hơn. “Những vấn đề nào đưa ra tại kỳ họp trước mà đến kỳ họp sau vẫn chưa giải quyết một cách thấu đáo thì cần tiếp tục đưa vào chương trình nội dung ở kỳ họp tiếp theo, từ đó để nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như của cơ quan HĐND” - bà Lại Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn, nêu ý kiến. Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn: Đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử cũng đồng nghĩa với sự cầu thị, cải tiến không ngừng. Các ngành cần tăng cường phối hợp giải quyết tốt các vấn đề mà HĐND, cử tri và nhân dân kiến nghị để Thường trực và các Ban HĐND mới hoàn thành vai trò cầu nối, đại diện ý chí và tinh thần của cử tri.
Năm 2014, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh sẽ tổng hợp các vấn đề mà HĐND tỉnh và cử tri kiến nghị đối với các cấp, các ngành thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, thông qua kỳ họp để đánh giá một cách khách quan, ngành nào có trách nhiệm cao, ngành nào trách nhiệm còn thấp trong việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở địa phương. Đổi mới hoạt động giám sát theo hướng giảm về số lượng, tăng chất lượng; giám sát đến cùng vấn đề và tăng cường giám sát lại các vấn đề đã được giám sát để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành. Trong đó, tập trung giám sát các chương trình kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy phát triển, các vấn đề bức xúc, nổi cộm, tránh nhàm chán, “nhờn thuốc” trong giám sát. Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cần nâng cao trách nhiệm và bản lĩnh cho đại biểu để các phiên chất vấn đạt chất lượng cao hơn; đồng thời giám sát, đôn đốc quyết liệt việc thực hiện lời hứa của các cấp, các ngành tại kỳ họp... Đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh sẽ tạo đà cho HĐND cấp huyện đổi mới, thể hiện ngày càng rõ vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Mai Hoa