Câu ví trên đất Phủ Quỳ

30/11/2014 15:10

(Baonghean) - Ngỡ rằng dân ca ví, dặm chỉ cư dân xứ Nghệ miền xuôi mới “chuộng”, thế nhưng, lên miền đất đỏ bazan, không khỏi bất ngờ khi những làn điệu ví, dặm thắm thiết đã trở thành “đặc sản” tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Thổ…

“Anh thương em nỏ nói khi đầu

Bây dừ đã lỡ ăn trầu người ta

Ăn trầu người ta

Như chim mắc nhạ

Như cá mắc mồi

Dặn bạn về kiếm lứa tìm đôi kẻo buồn…”

CLB Dân ca xã Đông Hiếu, TX. Thái Hòa đang tập luyện. Ảnh: Trần Văn Hồng
CLB Dân ca xã Đông Hiếu, TX. Thái Hòa đang tập luyện. Ảnh: Trần Văn Hồng

Vừa ngọt ngào, vừa hờn dỗi tủi phận, giọng hát thấm đẫm uẩn ức lứa đôi ấy đã hút hồn tất thảy người xem có mặt tại buổi tập luyện thường lệ của CLB dân ca ví, dặm phường Quang Phong (Thị xã Thái Hòa). Trong căn phòng nhỏ hẹp, bàn, ghế được gác lên cao, nhường không gian cho những ca sỹ, nhạc công không chuyên say sưa đắm mình vào lời ca, tiếng hát. Mang theo niềm hiếu kỳ xen lẫn thích thú khi tình cờ chứng kiến buổi tập luyện, tôi tìm gặp người phụ nữ sở hữu chất giọng dân ca ngọt lịm ấy. Chị Nguyễn Thị Phúc, năm nay đã xấp xỉ ngũ tuần, mang vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng. Chị là “cây” hát chính của CLB, lãnh trách nhiệm Chủ nhiệm CLB từ những ngày đầu thành lập vào năm 2012; đồng thời, là Phó Chủ tịch UBND phường Quang Phong.

Gạt vội giọt mồ hôi và không quên nở nụ cười thân thiện, chị bảo, tuy mệt, nhưng vui vì bà con ở Quang Phong này nhiệt tình đón nhận tiếng hát dân ca ví, dặm. Đây được xem là thành quả lớn nhất của CLB, khi đã “gieo” được hạt mầm Dân ca xứ Nghệ lên mảnh đất nắng gió Phủ Quỳ - vốn phần đa là đồng bào dân tộc Thái, Thổ, còn đồng bào dân tộc Kinh thì gốc gác từ nhiều miền quê khác nhau lên đây lập nghiệp. Thế nhưng, nhớ lại những ngày đầu thành lập, chị Phúc không khỏi bùi ngùi: “Trong quá trình manh nha xây dựng CLB, chúng tôi tìm hiểu ý kiến nhân dân và nhận ra rằng, người dân còn chưa mấy mặn mà với ví, dặm. Đặc biệt là giới trẻ. Dần dà, qua buổi các tuyên truyền lồng ghép, các buổi sinh hoạt văn nghệ, chúng tôi chủ ý đưa dân ca vào, đi đâu cũng hát dân ca, diễn đàn nào cũng có ví, dặm chủ đạo… Giờ dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhà nhà mê dân ca, người người thuộc dân ca”.

Chị chia sẻ, sau 2 năm thành lập, CLB đã phát triển lên 22 thành viên và tất cả các hoạt động cộng đồng, lễ kỷ niệm hay các dịp ngày vui, ngày hội… trên địa bàn đều không thể vắng tiếng hát, lời ca của CLB. Vui hơn nữa, là không chỉ đồng bào dân tộc Kinh, mà cả dân tộc Thái, Thổ… cũng đã đắm đuối khúc hát dân ca ấy tự bao giờ. Theo lời mách nhỏ của chị Nguyễn Thị Phúc, tôi tìm gặp bà Hồ Thị Năm - đồng bào dân tộc Thổ nhưng hát dân ca ví, dặm ngọt đằm nổi tiếng của thị xã. Lúc chúng tôi đến, khoảnh sân nhỏ trước nhà bà Năm đang rộn rã tiếng ngân nga của hai bà cháu: nào là “Thỏa công mẹ, công cha… Trọn nghĩa thầy nghĩa mẹ…”, rồi nào là “Ai kia ngoài ngõ đang vào/ Ấm trà lan đang ngọt, ấm trà tàu đang thơm…” Cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh mới 6 tuổi, nhưng giọng hát đã sớm bộc lộ tố chất dân ca. Giọng trong, biết cách ngân rung trong cổ họng điêu luyện và sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt rất ấn tượng. Bà Năm âu yếm nhìn cháu, đoạn chia sẻ: “Là đồng bào dân tộc Thổ, gia đình tôi ai cũng thích hát dân ca ví, dặm. Thích từ lâu rồi chứ không phải là khi tham gia sinh hoạt CLB của phường mới biết đến mô. Như cháu Ngọc Ánh - cháu nội tôi đây, ở trường cũng tập dân ca, về nhà, bà cháu lại say sưa hát cả ngày không chán”.

Những người đam mê khúc hát ví, dặm như chị Nguyễn Thị Phúc, bà Hồ Thị Năm… giờ không còn hiếm trên mảnh đất Phủ Quỳ. Nhiều câu lạc bộ dân ca đã được hình thành từ tình yêu thiết tha và ý nguyện của bà con. Rời câu lạc bộ dân ca phường Quang Phong, tôi tìm đến gặp gỡ những thành viên của câu lạc bộ dân ca phường Quang Tiến. Anh Phạm Văn Hùng - Chủ nhiệm CLB, vẫn chưa nguôi vẻ hồ hởi sau cuộc điện thoại hẹn gặp ngắn gọn, bởi như anh chia sẻ, “cứ có người hỏi về dân ca là vui, nhất là những người làm công tác tuyên truyền, bởi dân ca ví, dặm trên mảnh đất này còn cần lắm những lời khích lệ, động viên để phát triển vươn lên”. Như lời anh tâm sự, CLB thành lập gần 6 năm, cũng được xem là một trong những CLB “cây đa, cây đề” ở Thị xã Thái Hòa. Hoạt động sôi nổi lắm, không chỉ bó hẹp trong phạm vi hội hè, lễ, tết mà trải rộng khắp mọi sinh hoạt tập thể lớn, nhỏ của cộng đồng dân cư.

CLB có hơn 20 thành viên chủ chốt, nhưng khi cần huy động, thì có thể “bao nhiêu cũng được, vì sẵn đội ngũ học sinh trung học phổ thông giọng hát rất truyền cảm, lại mê dân ca”- anh Hùng tiếp lời. Và anh bảo, hoạt động của CLB có nhiều điểm thuận lợi, trước hết là tinh thần náo nức, chào đón của bà con đồng bào các dân tộc; thứ nữa, là nền tảng nhạc lý có sẵn của nhiều thành viên đến từ khắp các huyện, thành, thị trong tỉnh. “Ví dụ như người Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương - vốn nổi tiếng với truyền thống hát dân ca và có chất giọng hợp với ví, dặm thì truyền dạy lại cho những thành viên khác. Rồi có người lại thạo trống, thạo sáo… Cứ thế, tích tiểu thành đại, CLB hoạt động với tiêu chí là mang lại niềm vui cho nhân dân, và góp phần nhỏ bé để lưu giữ, bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền của quê hương xứ Nghệ” - anh Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Những ngày niềm vui vỡ òa trước thông tin Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO chính thức vinh danh Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, đi dọc miền đất đỏ bazan, thấy lâng lâng niềm hạnh phúc và tự hào khó tả khi không ít bà con đồng bào các dân tộc vẫn biết đến thông tin này, và bày tỏ vui mừng trước thành công đó của quê hương. Xúc động chân thành trước thông tin dân ca ví, dặm quê hương được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, anh Trần Văn Hồng chia sẻ: “Ước mơ bao năm đã thành sự thực. Giờ đây, dân ca ví, dặm có thêm điểm tựa để bật lên mạnh mẽ, thực sự gắn bó mật thiết hơn với đời sống tinh thần của bà con”.

Sự xúc động ấy của anh Hồng cũng là nỗi niềm rưng rưng của bao người con xứ Nghệ trong những thời khắc lịch sử này. Điều gì có thể khiến tất thảy trái tim cùng chung nhịp thổn thức thiêng liêng như thế, nếu không phải là tính nhân văn và hướng thiện cao cả của âm nhạc? Và hơn hết, chính mạch nguồn xứ sở đằm sâu trong ví, dặm nghĩa tình đã là chất gắn kết đồng bào bất chấp dân tộc, nguồn gốc, khoảng cách địa lý.

Phương Chi

Mới nhất
x
Câu ví trên đất Phủ Quỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO