Cây mía trên đất phù sa
(Baonghean)- Từ lâu, cây mía đã khẳng định được thế mạnh trên các chân đất đồi vệ, đất ruộng, góp phần có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh mía đường tại các công ty, nhà máy. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cây mía trên đất phù sa như hiện nay cũng đang thực sự tạo ra nét mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như khai thác tiềm năng vùng bãi.
(Baonghean)- Từ lâu, cây mía đã khẳng định được thế mạnh trên các chân đất đồi vệ, đất ruộng, góp phần có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh mía đường tại các công ty, nhà máy. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cây mía trên đất phù sa như hiện nay cũng đang thực sự tạo ra nét mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như khai thác tiềm năng vùng bãi.
Đứng trên vùng đất bãi dọc theo bờ Sông Lam thuộc địa bàn xóm 4 xã Hoa Sơn (huyện Anh Sơn), phóng rộng tầm mắt là cả một vùng bãi mía trải dài đang trong giai đoạn sinh trưởng. Với chị Trần Thị Lý, đây là vụ trồng mía đầu tiên trên vùng đất bãi, chị phấn khởi: "Trước đây trên toàn bộ 2 sào này, nhà tôi chuyên canh mỗi năm 3 vụ, gồm 2 vụ ngô và 1 vụ đậu thu, dần dần thấy nhiều hộ trong xóm trồng mía cho thu nhập ổn định, cao, nên từ tháng 11 năm ngoái tôi đã quyết định chuyển hết toàn bộ diện tích sang trồng mía".
Nông dân xã Hoa Sơn chăm sóc mía trên đất bãi phù sa.
Theo bà Nguyễn Thị Mến- xóm trưởng xóm 4 thì, cả xóm hiện có 14 ha đất bãi/36 ha đất nông nghiệp. Do đặc thù vùng bãi có lượng phù sa được bồi đắp hàng năm, độ phì nhiêu lớn nên từ lâu nay bà con địa phương vẫn canh tác rau màu, chủ lực là trồng ngô.
Tuy nhiên, cây ngô hiệu quả không ổn định, sâu bệnh, lũ lụt nhiều năm đã nhấn chìm toàn bộ diện tích ngô trên đất bãi nên sản lượng thu hoạch bấp bênh, có năm mất trắng. Trong khi đó, Nhà máy Đường Sông Lam đảm bảo trọn gói công tác đầu tư và giá cả khuyến khích bà con vùng nguyên liệu. Trước thực trạng này, bà con đã quyết định chuyển đổi toàn bộ 14 ha đất bãi sang trồng mía. Theo tính toán của bà Mến thì, trồng mía trên đất bãi cho năng suất đạt trên 100 tấn/ha, tăng gấp đôi so với trồng mía trên đất đồi (50-60 tấn/ha), hiệu quả từ chuyển đổi sang trồng mía trên đất phù sa tăng trên 65% so với trồng ngô và rau màu".
Xuất phát từ lý do trên, nhiều nông dân đã "đưa mía ra bãi phù sa", nguồn giống cho trồng mới tại đây được lấy từ những diện tích mía trên các đồi về nên rất thuận lợi. Theo Ông Nguyễn Văn Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn thì, việc đưa cây mía ra trồng tại vùng bãi phù sa là một hướng đi mới, góp phần khai thác tiềm năng vùng bãi và mang lại hiệu quả kinh tế khả quan sau chuyển đổi. Kết quả, từ năm 2000 đến nay, toàn xã đã vận động từ 200 lên 500/1600 hộ nông dân trồng mía trên đất bãi, đưa diện tích mía phù sa lên đến 150/210 ha cả xã.
Không những ở Hoa Sơn mà tại các địa phương khác dọc theo bãi Sông Lam thuộc Anh Sơn cũng đã mạnh dạn chuyển đổi đất bãi sang trồng mía. Điển hình như xã Đức Sơn đã vận động bà con trồng 50 ha mía bãi, Vĩnh Sơn trồng trên 60 ha, Hùng Sơn, Hội Sơn đang gắn liền công cuộc dồn điền đổi thửa bằng quy hoạch lại ruộng bãi trên đất phù sa để trồng mía. Toàn huyện đã triển khai vận động bà con chuyển đổi từ cây ngô và cây màu kém hiệu quả sang trồng mía, đưa diện tích mía phù sa lên 400 ha.
Theo ông Phạm Đình Đức- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, trồng mía trên đất bãi rất thuận lợi vì nền đất tốt, năng suất, sản lượng cao và ổn định, bên cạnh đó còn tạo việc làm cho lao động nông thôn. Huyện Anh Sơn hiện có trên 1.600 ha đất bãi. Lâu nay chuyên canh cây trồng trên đất bãi có hiệu quả song bấp bênh. Cây mía đã được đưa vào trồng trên đất bãi từ nhiều năm. Gắn liền với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, việc chuyển đổi đưa cây mía trồng trên đất bãi là một hướng đi mới mang tính đột phá, phù hợp với lực lượng sản xuất. Huyện đã chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình cụ thể, nhu cầu sản xuất kinh doanh của nhà máy đường để tiếp tục chú trọng việc mở rộng diện tích mía phù sa, nâng cao hiệu quả cây mía.
Tuy nhiên, để mở rộng diện tích mía trên đất bãi phải đảm bảo nhu cầu ổn định và vững bền trong thu mua mía. Theo ông Nguyễn Văn Linh thì, hiện nay, do nhu cầu vùng nguyên liệu mía lớn, nhà máy thu mua không kịp dẫn đến mía già, năng suất, chất lượng mía của bà con giảm. Trước thực trạng giải phóng nguyên liệu chậm này, huyện cũng đã có ý kiến chỉ đạo xã làm việc với dân, nhất là các hộ chưa triển khai nhận đầu tư trồng mía cho Nhà máy Đường Sông Lam để lấy ý kiến thống nhất.
Lương Mai