Cây thông giúp người dân Nam Hưng thoát nghèo
(Baonghean.vn) - Là xã thuần nông, trước đây chủ yếu trồng lúa, cây lương thực ngắn ngày và chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô hộ nhỏ lẻ, các năm gần đây xã Nam Hưng (Nam Đàn) chú trọng phát triển trồng và khai thác nhựa thông, nhờ đó tăng ngân sách cho xã, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và khấm khá hơn trước...
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chánh Văn phòng xã Nam Hưng, cho biết: Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 2.156 ha, đất lâm nghiệp chiếm 1.164 ha, trong đó có hơn 600 ha rừng thông. Trước năm 1994 xã vẫn còn nhiều diện tích đồi núi trọc, đến năm 1996, thực hiện chương trình 327 của Chính phủ, hàng chục hộ dân đã xung phong nhận hàng trăm ha rừng thông để chăm sóc và trồng mới được gần 400 ha rừng thông phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Sau khi được dự án hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật các gia đình đã bắt tay vào trồng và chăm sóc theo đúng quy trình. Việc quản lý và bảo vệ rừng luôn được người dân quan tâm và thực hiện nghiêm túc nên tỷ lệ cây sống cao, phát triển xanh tốt.
Khai thác nhựa thông ở xã
Đến nay, với hơn 300 ha diện tích rừng thông của xã đã đến tuổi cho khai thác nhựa, hiện xã có 80 hộ nhận khoán khai thác nhựa và bảo vệ rừng, theo phương thức xã thu lại 50% sản lượng thu hoạch. Nhờ khai thác nhựa thông nhiều gia đình có nguồn thu khá, điển hình như gia đình anh Nguyễn Đình Bình (ở xóm Đình Long 1) nhận khai thác và bảo vệ 1.170 cây, anh Nguyễn Văn Sử (xóm Hồng Lam) nhận 1.000 cây, anh Nguyễn Trọng Trung ( xóm Bắc Sơn 2) nhận 500 cây... mỗi tháng gom nhựa 2 lần cho thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Do được hướng dẫn cụ thể, cơ bản các hộ khai thác đều đảm bảo kỹ thuật từ khâu nạo vỏ mở máng, lên máng đến việc thu hoạch và bảo quản nhựa...
Khi nói về hiệu quả kinh tế từ cây thông, anh Nguyễn Đình Bình (xóm Đình Long 1) cho biết thêm: Việc khai thác nhựa làm quanh năm, mỗi cây được giao khoán 2,4kg nhựa/năm, mỗi ha có từ 350 - 500 cây, mỗi năm cho thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng. Vào mùa hè 3 ngày đẽo 1 lần, mùa đông 5 ngày đẽo 1 lần và phải 3 - 5 lần đẽo mới đầy 1 bát (được khoảng 2 lạng nhựa); một tháng ít nhất có 2 lần nộp sản phẩm cho BQL. Trách nhiệm của người khai thác là phải quản lý, bảo vệ rừng và PCCR, một năm tiến hành dọn thực bì 2 lần và phải nắm tình hình sâu hại bệnh để kịp thời báo cho đơn vị chủ quản. Năm ngoái 1 kg nhựa có giá 28.000 - 30.000 đồng, đến tháng 4 năm nay giá nhựa tăng lên 50.000 đồng/kg nên cũng kịp thời đáp ứng với việc tăng giá chung của các sản phẩm tiêu dùng. Từ năm 1998 đến nay, hàng năm BQL đều ký hợp đồng khai thác và khoanh nuôi bảo vệ với chúng tôi; phía BQLRPH sẽ lo hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sự hình thành mối liên kết giữa BQL- người lao động đã tạo sự gắn kết bền vững, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động luôn được đảm bảo. Vì vậy đã hạn chế được tình trạng đốt, chặt phá rừng .
Sau nhiều năm, cây thông đã trở thành cây có giá trị thu nhập khá, giải quyết việc làm không nhỏ cho địa phương. Toàn xã hiện có 183 hộ nhận khoán khai thác nhựa, trong đó có 80 hộ làm hợp đồng xã, 103 hộ làm hợp đồng với Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Đàn; giải quyết việc làm cho gần 200 lao động. Riêng trong năm 2011, riêng hợp đồng với BQLPH sản lượng khai thác đã đạt trên 90 tấn, cho doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng (trong đó người dân được hưởng 50%). Không mất nhiều vốn và công sức mà lại khá hiệu quả, người dân Nam Hưng rất phấn khởi với mô hình kinh tế này. Không những đạt hiệu quả kinh tế, những chủ rừng thông khai thác nhựa còn nâng cao ý thức bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; nhờ đó thời gian qua, các vụ cháy rừng trên địa bàn giảm đáng kể.
Có thể nói, nghề khai thác nhựa, chăm sóc và bảo vệ rừng thông là một mô hình kinh tế mang tính đặc thù, đưa Nam Hưng từ một xã nghèo khó trở thành một xã có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong những năm gần đây. Tuy nhiên thời gian qua, do giá thu mua nhựa thông trên địa bàn tỉnh khá cao nên một sốgia đình đã tự ý khai thác nhựa, kể cả diện tích rừng trồng chưa đến tuổi khai thác; không tuân thủ theo các quy trình, quy phạm hiện hành làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Vì thông trồng phải từ 13 - 15 năm tuổi mới được khai thác nhựa. Khai thác nhựa trong khoảng 5 - 7 năm sẽ lấy gỗ là đảm bảo giá trị kinh tế. Nếu khai thác khi thông non thì khoảng 4 năm là cạn kiệt nhựa, suy giảm hiệu quả kinh tế. Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 2010 đến nay, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực trong quản lý khai thác rừng. Trong đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân thông qua các hội nghị của xã, các buổi họp thôn, bản, sinh hoạt của tổ chức hội… Các cuộc tuyên truyền chủ yếu tập trung phổ biến về mục tiêu trồng và phát triển rừng, về cách bảo vệ, khai thác rừng một cách hợp lý.
Ngọc Anh