Kinh tế

Cây tre - giá trị kinh tế và tác động khí hậu

Trần Quốc Thành 15/02/2025 08:19

Cây tre thuộc loài cây thân cỏ, có cấu trúc thân khá đặc biệt, thuộc bộ Hòa Thảo. Tre gắn bó với con người và làng quê Việt Nam không chỉ trong đời sống văn hóa tinh thần mà còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và cả chiến đấu chống quân thù. Tre có nhiều giá trị kinh tế quan trọng và cả bảo vệ môi trường.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thì cây tre là loài cây có khả năng phát triển nhanh nhất so với các loài khác trên thế giới. Tre có khả năng tự tái tạo, sau khi thu hoạch cây trưởng thành, măng non tự mọc lên, phát triển thành thế hệ tiếp theo mà không cần trồng lại. Thông thường, khi thu hoạch chỉ cắt 30% lượng cây/bụi/năm thì khu vực trồng tre luôn duy trì được mật độ che phủ.

Tre sống tại khắp mọi nơi, từ những nơi khô hạn trên núi đến ven sông suối, thậm chí có thể trồng trên đất phèn, đất nhiễm mặn. Theo số liệu thống kê, trên thế giới có trên 1.000 loài khác nhau và diện tích tre lên đến 14 triệu ha. Việt Nam hiện có 30 chi và 216 loài tre, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai… phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước. Điều đặc biệt là tất cả các loài đều mang trên mình đặc tính có bộ rễ ăn khỏe, lan rộng, trưởng thành nhanh.

Tre làm cọn
Tre làm cọn nước tưới tiêu ở Bình Chuẩn - Con Cuông. Ảnh: Đình Tuyên

Có thể khẳng định tre là cây đa dụng: Là cây cung cấp nguyên liệu làm thực phẩm, dược liệu, nhiên liệu và cả vật liệu xây dựng,… Đã từ xa xưa, người dân Việt đã dùng măng tre tươi, măng tre khô để chế biến ra nhiều món ăn khác nhau và gắn liền với hầu hết mọi người từ miền xuôi đến miền ngược trong bữa cơm hàng ngày. Thân tre cũng được sử dụng để chế biến các món ăn khác rất độc đáo, có hương vị khác biệt như ống cơm lam, dưa muối ống tre, thịt chua ống tre, cá lam ống tre, trà ủ ống tre,… Không những là thực phẩm, tre còn là một nguồn dược liệu, nguyên liệu chính của ngành thủ công, mỹ nghệ. Từ ngàn xưa, người dân Việt đã sử dụng cây tre để sản xuất ra nhiều vật dụng trong nhà và trong sản xuất như: giường, chõng, tủ, kệ, bàn ghế, thúng, rổ, rá,... đến cái nhỏ như: quạt, đũa, tăm tre,…

Hiện nay, con người đang hướng về với vật liệu thân thiện, vật liệu xanh, thì tre đang thực sự lên ngôi. Nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ được các làng nghề sản xuất bán ra thị trường. Không những bán ở trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre trị giá khoảng 733 triệu USD, trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Tre là nguồn nguyên liệu phục vụ cho trên 600 làng nghề mây tre đan, đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của nông dân, góp phần hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Tre được sử dụng rộng rãi, không những để làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ mà còn nguyên liệu sản xuất vải, giấy cao cấp.

Cây tre còn là vật liệu xanh của ngành xây dựng. Không những thế, các nhà khoa học đã chứng minh vật liệu xây dựng bằng tre có sức bền cơ học vượt xa sự mong đợi. Một số loài tre có độ bền nén tương đương bê tông và tỷ lệ sức bền trên trọng lượng thậm chí còn cao hơn thép. Với công nghệ mới, tre đã được xử lý chống mối mọt (bằng công nghệ cacbon hóa), ẩm mốc, nâng cao độ bền, chắc. Hơn nữa với công nghệ ép khối, vật liệu xây dựng từ tre có thể thay thế cho gỗ với nhiều ưu thế và thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.

 quán
Quán cà phê làm bằng tre ở TP. Vinh trên đường Quang Trung. Ảnh: P.V

Với diện tích tre bản địa hiện nay (1,6 triệu ha tương đương 6,5 tỷ cây), công nghiệp chế biến ép khối và thủ công mỹ nghệ, tre không những phục vụ trong nước mà Việt Nam còn có thể xuất khẩu hàng tỷ đô la hàng năm.

Tre còn có vai trò chống xói mòn, sạt lở đất và biến đổi khí hậu. Tre có hệ thống rễ phát triển theo chiều ngang, lan rộng từ 5 - 15m từ gốc cây, tạo ra một mạng lưới rễ dày đặc và đan xen. Đồng thời, có thể bắc cầu qua các vết nứt.

Một cây tre có thể bám chặt tới 6m3 đất. Bên cạnh đó, mặc dù phần lớn rễ phát triển theo chiều ngang nhưng một số rễ vẫn cắm sâu vào lòng đất giúp neo giữ đất cố định trên sườn đồi, ven sông và ngăn chặn sạt lở. Tre giúp duy trì lớp đất mặt, hạn chế hiện tượng xói mòn do mưa lớn và dòng chảy bề mặt. Các lũy tre như một bức tường dưới chân núi, ven sông chắn gió, chắn sóng, giữ đất, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.

Một giá trị tuyệt vời của tre là chống biến đổi khí hậu. Tre có khả năng hấp thụ khí CO2 gấp từ 2 - 3 lần, nhả khí oxy hơn 35% so với cây thân gỗ cùng độ tuổi. Tre trưởng thành sau 3 năm, trong thời gian này đã hấp thụ đến 90% lượng carbon mà cây tre có thể hấp thụ, đến năm thứ 6 đạt lượng hấp thụ carbon cao nhất. Chính vì có khả năng cho khai thác sớm, với tỷ lệ khai thác 30% và khả năng tái sinh bù vào cây thu hoạch thì tre luôn ở thời điểm hấp thu CO2 lớn. Điều này là tính năng vượt trội so với cây khác trong vai trò góp phần giảm khí CO2. Chính vì vậy, Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc tại Ai Cập năm 2022 (COP27) đã khẳng định: “Tre là một giải pháp chống biến đổi khí hậu quan trọng”.

Về hiệu quả kinh tế của trồng tre, theo TS Nguyễn Trọng Nghĩa - nhà sáng lập BWG và StaBoo (có 2 nhà máy chế biến tre tại Hòa Bình và Thanh Hóa), chi phí trồng tre thấp, giống dễ làm (trừ cây lùng). Sau 3 – 5 năm, tre bắt đầu cho thu hoạch (tùy loài và vùng đất), thu nhập hàng năm trên mỗi ha có thể đạt từ 10 triệu đồng/ha đến trên 50 triệu đồng/ha (trồng thâm canh, sinh thái).

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng tre, nứa, lùng khoảng 106.698 ha (trữ lượng khoảng 1 tỷ cây tre, nứa) đứng trong top đầu toàn quốc cùng với Thanh Hóa, Hòa Bình,… và có khá nhiều chủng loại quý như: mét, lùng, mai cần, trúc,...

Ngoài khai thác măng, hàng năm tre nứa lùng đã mang lại cho người dân vùng miền Tây hàng trăm tỷ đồng. Như huyện Con Cuông có hơn 3.000 ha mét, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1,5 triệu cây, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Gần đây, các ban ngành, chính quyền quan tâm hỗ trợ nên người dân đã chú trọng hơn đến cây tre trong quá trình trồng rừng, bảo vệ khai thác rừng.

 Châu
Hàng thủ công mỹ nghệ từ tre lùng của Quế Phong trở thành hàng hoá được yêu thích. Ảnh: Châu Lan

Rừng lùng Quế Phong đã được cấp chứng chỉ FSC và bảo vệ, khai thác bền vững. Nhiều nơi ở miền Tây người dân đã trồng ở vùng đồi các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu…, ven sông (Anh Sơn) không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả về chống sạt lở đất.

Tuy nhiên, ngoài cây lùng là nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ nên giá khá cao và tương đối ổn định, còn lại các đối tượng khác do chưa có nhà máy chế biến công nghệ mới nên giá còn thấp, chưa ổn định. Hơn nữa, việc khai thác trong những năm qua thiếu kế hoạch, chưa đúng quy cách (rừng tự nhiên) và thiếu sự chăm sóc (rừng trồng) nên sản lượng và chất lượng có biểu hiện giảm.

Để phát huy đặc tính vượt trội của cây tre trong phát triển kinh tế rừng và chống biến đổi khí hậu, xin đề xuất một số ý kiến:

Nghệ An cần xác định cây tre là đối tượng cây lâm nghiệp chính để phát triển và đưa vào chiến lược phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là các huyện miền. Đồng thời, rà soát diện tích rừng tre tự nhiên để có kế hoạch khoanh nuôi bảo vệ, khai thác có kế hoạch, phục hồi rừng. Định hướng quy hoạch phát triển vùng trồng mới cho doanh nghiệp và người dân tham gia trồng tre thâm canh và trồng tre sinh thái, trong đó ưu tiên phương thức trồng tre sinh thái. Tuyển chọn, du nhập các giống tre chất lượng, sinh khối lớn, năng suất cao, dễ khai thác, vận chuyển và phù hợp với các vùng tiểu khí hậu khác nhau, các vùng đất (dưới chân đồi, trên đồi, ven sông suối…).

 tre
Sản phẩm mây tre đan của huyện Quế Phong bán tại hội chợ ở TP. Vinh. Ảnh: Châu Lan

Đồng thời, chọn các đối tượng cây gỗ lớn bản địa, cây dưới tán để định hướng trồng xen với tre trong phương thức trồng tre sinh thái. Bố trí kinh phí từ nguồn phòng, chống thiên tai cho các huyện triển khai trồng tre gai tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất vùng đồi núi cũng như ven sông. Đánh giá tín chỉ các bon đối với rừng tre các loại để đưa vào thị trường tín chỉ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế biến Tre công nghệ cao và sạch, tập trung vào lĩnh vực phù hợp với tre bản địa Việt Nam. Hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị tre trên địa bàn toàn tỉnh.

Nghệ An nên bổ sung cây tre là cây bản địa đa dụng và được hưởng chính sách như đối tượng trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng bằng cây bản địa tại Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung cây tre vào danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính quy định tại Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm khuyến khích doanh nghiệp, người dân triển khai trồng tre.

bna_phuc.jpg
Trồng tre chống sạt lở ven sông Lam.

Mới nhất

x
Cây tre - giá trị kinh tế và tác động khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO